Xuất hiện tình tiết mới trong vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn

author 07:07 13/10/2014

Trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn do có tình tiết mới phát sinh lên tòa án Bắc Giang vẫn chưa xếp lịch cụ thể xét xử “sát thủ” Lý Nguyễn Chung.

Theo tin tức trên VOV: Ngày 10/10, một cán bộ của TAND tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện tòa vẫn chưa sắp xếp lịch xét xử Lý Nguyễn Chung (SN 1988, tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) – kẻ giết người đích thực trong vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang.

Theo vị cán bộ của tòa án Bắc Giang, do trong vụ án này xuất hiện một số tình tiết mới, chủ tọa cần thời gian nghiên cứu hồ sơ nên chưa thể sắp xếp lịch xét xử cụ thể.

Trao đổi qua điện thoại chiều 10/10, bà Ngọc Thị Vui - chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Lý Nguyễn Chung trong vụ án giết người, cướp tài sản ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết, không thể cung cấp thông tin cho báo chí đồng thời khẳng định: “Việc hoãn phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung vào ngày 29/9 vừa qua là do đại diện gia đình bị hại xin vắng mặt”.

Vụ ông Chấn: Xuất hiện một số tình tiết mới - Ảnh 1

Toàn cảnh phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung ngày 29/9.

Xuất hiện thêm người đòi quyền lợi

Theo báo Dân Việt: Cũng tại phiên tòa xét xử bị cáo Lý Nguyễn Chung vào ngày 29/9, luật sư Giáp Văn Điệp (Đoàn LS tỉnh Bắc Giang) – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại đã công bố một tình tiết mới. Đó là việc anh Nguyễn Xuân Tiến (SN 1990) ở Nhã Nam, Tân Yên, Bắc Giang lên tiếng đòi quyền lợi.

Theo luật sư Điệp thì Nguyễn Xuân Tiến là con của chị Hoan và anh Nguyễn Đức Trung. Sau khi chị Hoan và anh Trung ly hôn, Tiến sống cùng bố. Trong bản án ly hôn, chị Hoan được tòa cho hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đến khi nào có điều kiện.

“Như vậy theo quy định của pháp luật thì chị Hoan vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chứ không phải được miễn. Thời điểm chị Hoan bị sát hại, anh Tiến mới 13 tuổi. Do đó bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường khoản nuôi dưỡng anh Tiến từ 13 đến 18 tuổi” - luật sư Điệp cho biết.

“Bố mẹ tôi ly hôn, tôi ở với bố, mẹ tôi vẫn qua lại thăm nom, chăm sóc. Khi mẹ bị Chung giết, tôi không còn nhận được sự chăm sóc của mẹ nữa... Tôi đề nghị quý tòa xem xét buộc bị cáo Lý Nguyễn Chung phải có nghĩa vụ bồi thường về vật chất cho tôi kể từ ngày Chung giết mẹ tôi (15/8/2003) theo quy định pháp luật” - anh Nguyễn Xuân Tiến đề nghị.

“Trường hợp của anh Tiến, khi đã có yêu cầu thì tòa phải đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để đảm bảo quyền lợi. Đây là tình tiết không phải làm thay đổi bản chất vụ án nhưng vì quyền lợi của người liên quan nên không thể thiếu được” - luật sư Điệp nêu quan điểm. Trên cơ sở đó luật sư Điệp đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Vụ ông Chấn: Xuất hiện một số tình tiết mới - Ảnh 2

Bị cáo Lý Nguyễn Chung ra tòa sáng 29/9.

Tuy nhiên trong phần nêu lý do hoãn phiên tòa, Hội đồng xét xử lại không đề cập đến nội dung mà luật sư Điệp đã đề nghị. Theo luật sư Điệp, có thể tình tiết này xuất hiện muộn (chiều thứ 6, trước phiên xử 2 ngày, nhưng đúng vào ngày nghỉ) nên Hội đồng xét xử chưa đưa vào đánh giá.

Cũng theo luật sư này, sau khi nghiên cứu có thể Hội đồng xét xử sẽ tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung theo đề nghị của luật sư, nhưng cũng có thể thấy không cần thiết, bởi tình tiết trên có thể làm rõ tại tòa.

“Giải quyết theo hướng nào là quyền của Hội đồng xét xử, nhưng lý do không trả hồ sơ mà tòa đưa ra không thuyết phục thì tôi sẽ có kiến nghị” - luật sư Điệp nói.

Ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn mang án dù được tuyên vô tội

Một tình tiết liên quan đến vấn đề xét xử "sát thủ" trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn là việc đến nay, ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn còn 2 bản án chưa được tuyên hủy.

Theo báo Vietnamnet: Cách đây 10 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị các cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án chung thân vì tội 'Giết người'.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Chủ tọa phiên tòa, ông Phạm Tuấn Chiêm tuyên y án sơ thẩm đối với ông Chấn.

Riêng phần dân sự, do chưa xác minh được đầy đủ ngày tháng năm sinh của con trai nạn nhân, để yêu cầu bị cáo phải chịu trách nhiệm cấp dưỡng cho con nạn nhân đến năm 18 tuổi nên cấp phúc thẩm khi đó đã tách phần dân sự này để xem xét trong một vụ án dân sự khác.

Đến ngày 30/9/2004, ông Nguyễn Thanh Chấn phải tiếp tục đứng trước một phiên tòa dân sự của Bắc Giang để xử lý vấn đề bồi thường dân sự, xem xét về trách nhiệm cấp dưỡng đối với cháu Nguyễn Văn Đức (con nạn nhân).

Tại phiên tòa này, HĐXX đưa ra phán quyết, ông Chấn phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho cháu Nguyễn Văn Đức đến khi tròn 18 tuổi.

Ông Chấn đã làm đơn kháng cáo vì cho rằng mình không giết người nên không có trách nhiệm phải cấp dưỡng.

TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa phúc thẩm dân sự vào ngày 2/3/2005 và tiếp tục đưa ra phán quyết ông Chấn phải có trách nhiệm đối với việc cấp dưỡng cháu Nguyễn Văn Đức.

Năm 2013, sau khi kẻ thực sự gây ra cái chết cho nạn nhân ra đầu thú, ông Chấn được minh oan.

Ngày 4/11/2013, Viện trưởng VKSND Tối cao đã ký Quyết định kháng nghị tái thẩm kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 1241/PTHS ngày 27/7/2004 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, đề nghị Hội đồng phúc thẩm TAND Tối cao xét xử theo thủ tục tái thẩm hủy các quyết định của bán án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm số 45/STHS ngày 26/3/2004 để điều tra lại.

Ngày 6/11/2013, Hội đồng phúc thẩm TAND Tối cao mở phiên tòa xử tái thẩm. Theo đó, quyết định hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 1241/PTHS của TAND Tối cao và Bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang đối với Nguyễn Thanh Chấn và ông chính thức trở thành người vô tội.

Một luật sư cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 2 bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đã được tuyên hủy, nhưng 2 bản án dân sự đối với ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn còn hiệu lực pháp luật.

Theo một số luật sư, cần phải có phiên tái thẩm dân sự, huỷ hai bản án dân sự nêu trên đối với ông Chấn. Và Viện KSND Tối cao nhất thiết phải có kháng nghị với hai bản án ngày 30/9/2004 và 2/3/2005.

Trước đó, phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung (kẻ giết chị Nguyễn Thị Hoan) tội 'Giết người' và 'Cướp tài sản' hôm 30/9 đã phải tạm hoãn vì đại diện người bị hại đưa ra nhiều yêu cầu đền bù dân sự, nhưng đã vắng mặt và yêu cầu hoãn tòa.

Liên quan đến việc ông Chấn bị tù oan, hai cán bộ công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và người ngồi ghế chủ toạ phiên phúc thẩm xử ông Chấn là ông Phạm Tuấn Chiêm đã bị khởi tố để điều tra hành vi sai phạm.

Vụ ông Chấn: Xuất hiện một số tình tiết mới - Ảnh 3

Vợ chồng ông Chấn ra Hà Nội làm thủ tục đòi bồi thường dân sự.

Theo thông tin trên báo VOV: Đối với vấn đề này, luật sư Vũ Ngọc Chi – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, cần phải mở phiên tòa tái thẩm để hủy 2 bản án này.

Theo ông Chi, do ông Chấn được minh oan nên không có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại đối với vụ án giết người ở thôn Me cách đây 10 năm.

Để tuyên hủy 2 bản án này cần phải tiến hành kháng nghị giám đốc thẩm và người có thẩm quyền kháng nghị là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án TAND Tối cao.

Ngoài ra, ông Chấn hoặc người đại diện pháp luật của ông Chấn cũng có thể viết đơn lên cơ quan tố tụng đề nghị thực hiện kháng nghị giám đốc thẩm đối với 2 bản án oan còn sót lại.

Phân tích thêm, luật sư Vũ Ngọc Chi nêu quan điểm, việc tồn tại 2 bản án này sẽ ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án Lý Nguyễn Chung.

Trong phần tuyên án, ngoài trách nhiệm hình sự, Chung phải chịu trách nhiệm dân sự, và bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho gia đình bị hại.

Nếu 2 bản án của ông Nguyễn Thanh Chấn về vấn đề bồi thường dân sự không được tuyên hủy trước khi phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung diễn ra thì về mặt pháp luật sẽ có sự chồng chéo, khi tồn tại hiện tượng “một thiệt hại nhưng có 2 bản án bồi thường”.

Theo Nguoiduatin -VOV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang