Xuất khẩu 80.000 tấn gạo sang EU: Gạo Việt cần đạt chuẩn chất lượng

author 20:46 18/08/2020

(VietQ.vn) - Thị trường EU có yêu cầu cao bậc nhất thế giới về hàng nhập khẩu, nhất là lương thực, thực phẩm nên thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta để bước chân vào thị trường này là rất lớn.

Theo số liệu thống kê, năm 2019, lượng xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU chỉ đạt khoảng 20.000 tấn, trong khi mức tiêu thụ trung bình của EU là 2,5 triệu tấn/năm. Một trong những nguyên nhân lớn xuất phát từ việc Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan nên khó cạnh tranh với gạo của các nước khác được phân bổ hạn ngạch thuế quan hoặc được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch.

Tin vui là từ 1/8/2020, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm sang EU, bao gồm 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Thị trường EU có yêu cầu cao bậc nhất đối với hàng nhập khẩu, nhất là lương thực, thực phẩm.  

Về thực thi hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: Việt Nam không phân bổ hạn ngạch gạo, mà EU sẽ phân bổ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhập khẩu phía họ. Với cơ chế phân bổ hạn ngạch này, những doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang EU cần liên hệ với doanh nghiệp EU được nhập khẩu gạo có hạn ngạch để giao dịch, chào bán, nhằm tận dụng hết số hạn ngạch nói trên.

Ví dụ, doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo vào Pháp sẽ phải xin giấy phép nhập khẩu tại cơ quan có thẩm quyền của nước này và phải nộp một số tiền bảo đảm 30 Euro/tấn gạo. Số tiền đặt cọc này sẽ được phía Pháp hoàn lại khi có chứng từ xác nhận thương vụ hoàn tất, gạo đã nhập kho của bên nhập khẩu.

Dữ liệu từ tất cả 27 quốc gia châu Âu sẽ dồn về Toà nhà Tổng cục Thuế và Hải quan thuộc Ủy ban châu Âu. Nếu số lượng đăng ký vượt quá hạn ngạch thuế quan cho từng giai đoạn, hai đơn vị này sẽ xác định một hệ số phân bổ theo cơ chế đăng ký trước được cấp hạn ngạch trước.

Tuy nhiên, theo nhận định từ giới chuyên gia, gạo Việt muốn được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào EU phải tuân thủ quy định của Ủy ban châu Âu về việc mở và tiếp nhận hạn ngạch thuế quan cho gạo có xuất xứ từ Việt Nam.

Điều đó có nghĩa là để xuất khẩu gạo sang EU phải có giấy chứng nhận xuất xứ hoặc là tự chứng nhận xuất xứ của Việt Nam, đăng ký của Việt Nam, sau đó phải có kèm theo các giấy kiểm dịch.

Bên cạnh đó, thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, đối với gạo thơm, thị trường EU yêu cầu phải có thêm xác nhận của nước ta. Do đó, quy trình xuất khẩu mặt hàng này sẽ phát sinh thêm một thủ tục hành chính. Trong khi đó, thủ tục hành chính thì phải quy định ở mức nghị định. Được biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành nghị định này.

"Thị trường EU có yêu cầu cao bậc nhất thế giới về hàng nhập khẩu, nhất là lương thực, thực phẩm nên thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta để bước chân vào thị trường này là rất lớn. Sản phẩm gạo buộc phải đáp ứng các vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường,…" - đại diện Cục Xuất nhập khẩu phân tích.

Làm gì để nâng chất cho gạo Việt Nam xuất khẩu?(VietQ.vn) - Bài học từ những loại gạo đã chinh phục thành công thị trường EU như gạo Campuchia, gạo Myanmar cho thấy, một trong những yếu tố tiên quyết để gạo Việt Nam chinh phục thị trường này là chất lượng.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang