9 tháng, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cao gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng chung

author 18:24 01/10/2020

(VietQ.vn) - Khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 với mức tăng mạnh, đến 20,2%, cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 4,2%), trong khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng âm, giảm 2,9%.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm, thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá. Tính đến hết tháng 9 năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,99 tỷ USD (tăng cao so với cùng kỳ năm trước- năm trước xuất siêu 7,27 tỷ USD).

 Xuất khẩu thủy sản sang EU tăng mạnh sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi từ 1/8/2020

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kết quả tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4,2% và duy trì cán cân thương mại thặng dư trong 9 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp cũng như sự điều hành linh hoạt của cơ quan quản lý nhà nước.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng hoạt động xuất khẩu cả nước khi kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 4,2%) và đặt trong bối cảnh xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng âm, giảm 2,9%.

Trong 9 tháng có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,8%.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, ước đạt 171,6 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,62% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 32,2 tỷ USD, tăng 25,9%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 8,5 tỷ USD, tăng 12,4%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 18,2 tỷ USD, tăng 39,8%.

Đạt được kết quả trên, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhất là Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam đã làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường đối tác, là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau gần 2 tháng EVFTA được thực thi. Điển hình, từ đầu tháng 8/2020 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay.

Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, cà phê… cũng đang được nhận định kỳ vọng lớn trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này thời gian tới.

Ngoài thị trường EU, trong 9 tháng năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 54,8 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 31,9 tỷ USD, tăng 12,7%. Thị trường ASEAN đạt 17 tỷ USD, giảm 12,5%. Hàn Quốc đạt 14,5 tỷ USD, giảm 2%. Nhật Bản đạt 14,1 tỷ USD, giảm 5,7%.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang