Xuất khẩu gạo: 'Một cổ hai tròng', nông dân bao giờ hết khổ?

author 06:58 13/09/2014

(VietQ.vn) - Xuất khẩu gạo được bổ sung thêm 'nhà độc quyền xuất khẩu thứ 2' - Vinafood1, khi những bê bối của Vinafood2 còn chưa lắng xuống.

Xuất khẩu gạo có thêm đầu mối mới

Mới đây, Bộ Công thương đã đề xuất xem xét, bổ sung Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cùng Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) làm đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung tại các thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia.

Lý do Bộ Công thương đưa ra là hiện chỉ có Vinafood 2 là doanh nghiệp đầu mối duy nhất tại các thị tập trung trọng điểm truyền thống nói trên. Vinafood 2 đang gặp phải một số khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp tới vai trò đầu mối cung cấp gạo theo hợp đồng Chính phủ tại các thị trường này.

Xuất khẩu gạo chịu cảnh một cổ hai tròng

Xuất khẩu gạo Việt Nam lại được đặt vào tay một doanh nghiệp nhà nước khác. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) , đây là một giải pháp an toàn của Bộ khi vẫn chọn người của nhà nước trong khi lẽ ra phải rà soát, đánh giá tất cả các doanh nghệp xuất khẩu gạo mà Bộ đã cấp phép từ trước đến giờ để chọn ra doanh nghiệp nào có tiềm lực, có khả năng tham gia cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Dù thành tích của hai tổng công ty có nhiều nhưng khiếm khuyết cơ bản từ xưa đến nay thì vẫn thế. Họ chỉ là những công ty nhà nước được độc quyền, chỉ bảo đảm phần lợi ích của họ chứ không quan tâm đầy đủ đến lợi ích của các doanh nghiệp khác, nhất là người trồng lúa.

Bản thân Vinafood 2 không phải là nhà kinh doanh đúng nghĩa, mà là doanh nghiệp nhà nước được nhận nhiệm vụ xuất khẩu gạo mà thôi. Họ lợi dụng vị thế độc tôn, độc quyền bỏ giá thấp để trúng thầu, thiệt hại của Vinafood 2 không đáng kể vì họ đã đẩy những thiệt hại đó sang các khâu khác. Vinafood 1 cũng chẳng khác gì Vinafood 2, đó là hai anh em sinh đôi

Xuất khẩu gạo – Một cổ hai tròng!

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Vũ Trọng Khải cho rằng, đề xuất trên sẽ chẳng thay đổi được gì bởi Vinafood 1 và Vinafod 2 đều đang hưởng lợi trên lưng nông dân.

"Họ có chăm lo gì đến chân hàng, đến nông dân, sản xuất đâu! Với tâm lý phải thắng thầu bằng mọi giá, hai tổng công ty này đã trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines hồi tháng 4 với cái giá rẻ mạt, thấp hơn so với các nhà thầu khác từ 28-32 USD/tấn, đến lúc lỗ rồi ai chịu?

Hay như tháng 8 vừa qua, Vinafood 2 tiếp tục bỏ thầu với mức giá thấp nhất (460 USD/tấn) khi tham gia đấu thầu cung cấp 500.000 tấn gạo cho Philippines. Thế nhưng Vinafood 2 cũng chẳng trúng thầu bởi mức giá trần mà Philippines đưa ra còn thấp hơn (456,6 USD/tấn).

Vinafood 1 và Vinafood 2 chỉ làm cho giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới ngày càng rẻ đi mà thôi. Họ thắng thầu giá thấp để rồi lại dìm giá của nông dân", ông Khải phân tích.

Xuất khẩu gạo và chuyện Vinafood 1 trở thành đầu mối bổ sung

Xuất khẩu gao trao tay doanh nghiệp nhà nước chỉ làm khổ người nông dân. Ảnh minh họa

Ông gay gắt chỉ rõ: "Vậy nên đề xuất kia không giải quyết được cái gì cả. Vinafood 1 và Vinafood 2 là hai đứa con sinh đôi giống nhau như hai giọt nước. Họ sẽ lại chia nhau thị phần, đàm phán với nhau mà chẳng cạnh tranh gì, chỉ "chết" nông dân" mà thôi".

PGS.TS Vũ Trọng Khải thẳng thắn cho rằng cần phải giải tán hai Tổng công ty lương thực để từng công ty con độc lập cạnh tranh với nhau, khi ấy nông dân mới hết khổ.

"Phải xóa bỏ các tổ chức kinh doanh không phù hợp với Luật Doanh nghiệp như Vinafood 1, Vinafood 2 bao gồm hàng chục công ty thành viên, trong đó thành viên nào cũng có đầy đủ quyền tự do kinh doanh", ông nói.

Giải pháp xuất khẩu gạo nào có lợi cho nông dân

Bày tỏ quan điểm về những giải pháp xuất khẩu gạo có lợi cho người nông dân, PGS.TS Nguyễn Văn Nam khẳng định, hiện có 3 giải pháp:

Một là, nông dân phải liên kết lại như dạng cánh đồng lớn, ruộng của nhiều người nhưng có một người quản lý, chỉ đạo sản xuất, nâng cao chất lượng rồi đại diện mua bán chứ không phải từng người nông dân đưa sản phẩm ra mua bán nữa. Cánh đồng lớn ấy phải đi liền với quản lý kinh doanh lớn, chứ ruộng ai nhà ấy làm rồi gạo thóc nhà ai người ấy bán thì vô nghĩa. Đây là hình thức Việt Nam đang làm nhưng người quản lý phải thực sự đại diện cho nông dân góp ruộng vào đấy.

Xuất khẩu gạo: Đâu là giải pháp lợi ích cho nông dân

Xuất khẩu gạo cần đi theo hướng có lợi cho nông dân. Ảnh minh họa

Thứ hai, doanh nghiệp kinh doanh và chế biến gạo cấp địa phương liên doanh, liên kết với hộ nông dân tạo thành liên hiệp, liên doanh. Doanh nghiệp này hỗ trợ cho nông dân về vốn, về giống và tiêu thụ sản phẩm nhưng hai bên làm hợp đồng cam kết chặt chẽ. Trước đây có tình trạng hai bên có hợp đồng nhưng không chặt chẽ, bên nào cũng sẵn sàng phá hợp đồng, nông dân khi thấy giá thị trường cao hơn thì phá hợp đồng, còn doanh nghiệp khi làm ăn khó khăn cũng lờ đi cũng chẳng mua sản phẩm của nông dân. Tuy nhiên, theo thực tế, hình thức này cũng chỉ có vài quy mô ở cấp huyện chứ chưa có ở cấp tỉnh.

Thứ ba, hình thức này bên Thái Lan đã làm, đó là chợ gạo. Nhà nước lập một trung tâm, trong đó có những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho, phơi, sấy, quạt, làm sạch, bảo quản thóc, và quan trọng là có ngân hàng. Đến mùa thóc gạo khó bán, giá bấp bênh, nông dân gặt xong là chở thóc đến chợ gạo ấy. Doanh nghiệp kinh doanh kho gạo sẽ làm sạch, phơi, sấy rồi phân loại. Hai bên xác nhận với nhau số gạo ấy sau đó ký gửi vào kho. Nông dân có giấy làm thế chấp sang vay ngân hàng để có tiền sản xuất kinh doanh tiếp chứ không phải chờ bán được hàng. Khi giá thị trường lên, nông dân thương lượng với doanh nghiệp quản lý kho để bán. Sau khi làm thủ tục bán, nông dân sang ngân hàng trả tiền luôn. Đây là hình thức mà Thái Lan đã làm rất tốt, nông dân có lợi và không bị bán tống bán tháo lúa gạo khi vào vụ gặp giá rẻ.

Phan Huyền (tổng hợp từ Baodatviet, VnExpress, Nhandan)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang