Xuất khẩu sắn tăng rất mạnh bất chấp dịch Covid-19

author 18:55 04/11/2020

(VietQ.vn) - Xuất khẩu sắn đạt 17,09 nghìn tấn; trị giá 4,43 triệu USD, tăng tới 63,4% về lượng và tăng 59,4% về trị giá so với tháng 9/2019.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2020, xuất khẩu sắn đạt 17,09 nghìn tấn; trị giá 4,43 triệu USD, tăng tới 63,4% về lượng và tăng 59,4% về trị giá so với tháng 9/2019.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sắn đạt 497,65 nghìn tấn; trị giá 113,07 triệu USD; tăng tới 85,1% về lượng và tăng 94,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

 Xuất khẩu sắn tăng mạnh. Ảnh minh họa

Xuất khẩu sắn tăng trưởng rất mạnh đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn. 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,92 triệu tấn; trị giá 677,83 triệu USD; tăng 11,2% về lượng và tăng 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Trước đó, năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,5 triệu tấn, kim ngạch 973 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng và tăng 1,6% về giá trị so với năm 2018. Về cơ cấu sản phẩm, tinh bột sắn chiếm 85% và sắn lát chiếm có 15% tổng khối lượng xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu sắn lát năm 2019 đạt 374 nghìn tấn, tương đương 78 triệu USD, giảm 47% về lượng và 48% về giá trị so với năm 2018. Xuất khẩu tinh bột sắn đạt 2,1 triệu tấn và 895 triệu USD, tăng 23% về lượng và 11% về giá trị. Trung Quốc chiếm tới 89,2% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắn Việt Nam. Theo sau là các thị trường Hàn Quốc (3,1%), Đài Loan (1,5%), Malaysia (1,2%), Philippines (1,2%).

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, có nhiều yếu tố đang có lợi cho xuất khẩu sắn như tồn kho sắn tại các doanh nghiệp của Trung Quốc thời điểm kết thúc năm 2019 gần như bằng không; nguồn cung nhập khẩu cồn từ Mỹ giảm do thuế nhập khẩu cao (45%). Mặt khác, Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch mở rộng sử dụng cồn ethanol, đạt 10 triệu tấn đến năm 2020, khiến nhu cầu nhập khẩu sắn lát tăng cao. ...

Còn theo TS. Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, nỗi lo lớn nhất của ngành sắn hiện nay là chất lượng và tiêu chuẩn thấp. Xuất khẩu quá nhiều theo đường tiểu ngạch khiến rủi ro thị trường lớn hơn. Sản phẩm sắn của Việt Nam thường bị thương nhân Trung Quốc ép giá, kìm giá... Các nhà xuất khẩu thì không liên kết, không đồng nhất về giá, thậm chí có doanh nghiệp chấp nhận phá giá để xuất tiểu ngạch.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội Sắn kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng các địa phương phối hợp để định hướng và quản lý quy hoạch ngành sắn, tránh phát triển nóng, chồng chéo dẫn tới cạnh tranh. Muốn giải quyết bệnh khảm lá trên cây sắn, trước hết phải chấn chỉnh và kiểm soát chặt chẽ khâu giống.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang