Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản: Hai lần khó!

author 07:51 21/08/2012

(VietQ.vn) - Tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản hiện phải đối mặt với hai khó khăn lớn là sự cạnh tranh về giá cả các sản phẩm cùng loại từ Ấn Độ và rào cản kiểm tra chỉ tiêu ethoxyquin.

Theo phản ánh của Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay giá tôm Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường đang giảm mạnh vì nguồn cung dồi dào và sức mua giảm. Giá tôm trên thế giới cũng giảm mạnh, tôm Việt Nam mất ưu thế về giá tại các thị trường xuất khẩu chính, nhiều rào cản và chi phí sản xuất tăng cao.

Thời gian gần đây, sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới tập trung vào các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc. Trong 4 thị trường nói trên, duy nhất có Nhật Bản giữ được mức tăng trưởng dương và vẫn duy trì mức tăng trưởng cao trong 6 tháng qua. Khi nhiều doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam đang coi trọng thị trường Nhật Bản và xác định là lối thoát duy nhất trong bối cảnh các thị trường còn lại liên tục sụt giảm, hoặc có tăng trưởng nhưng không ổn định, thì thị trường Nhật Bản lại xuất hiệu các nhân tố khó khăn.

Cụ thể, chỉ trong thời gian ngắn, tôm xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản liên tục vướng phải rào cản ethoxyquin. Sự cạnh tranh quyết liệt từ tôm giá rẻ Ấn Độ cũng dẫn đến thị phần tôm Việt Nam ở Nhật Bản thu hẹp lại. Thực tế đó khiến việc xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản vốn khó lại càng khó hơn.

Tôm xuất khẩu vào Nhật Bản khó khăn gấp hai lần. Ảnh: N. M
Tôm xuất khẩu vào Nhật Bản khó khăn gấp hai lần. Ảnh: N.M

Chỉ trong hai năm, từ cuối năm 2010 trở lại đây, sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản liên tục bị cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này tăng cường kiểm tra, kiểm soát dư lượng các loại hóa chất, kháng sinh. Năm 2010, Nhật Bản kiểm soát chất trifluralin, sau đó chất enrofloxacin với dư lượng cho phép thấp hơn 10 lần so với các nước trong khối EU. Gần nhất là ngày 18/5 vừa qua, Nhật Bản lại quyết định kiểm tra chỉ tiêu ethoxyquin đối với 30% các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam với mức giới hạn cho phép là 0,01ppm (10ppb).

Sáu tháng đầu năm 2012, theo Hệ thống Cảnh báo thực phẩm nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản, có tới 36 lô tôm của Việt Nam bị cảnh báo trong khi Ấn Độ chỉ có 2 lô tôm bị cảnh báo vì dư lượng kháng sinh AOZ.

Với cuộc cạnh tranh về giá tôm của Ấn Độ, vào thời điểm cuối tháng 6/2012, giá tôm sú Ấn Độ, loại tôm nhập khẩu chính vào Nhật Bản đã giảm 20%. Nhu cầu tôm sú trên thị trường đang thấp, trong khi nguồn cung tôm từ Ấn Độ dự kiến sẽ tăng khi nước này bước vào vụ thu hoạch chính từ giữa tháng 8 tới. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang chuyển sang sử dụng tôm chân trắng thay cho tôm sú cũng góp phần giảm giá bán mặt hàng này.

Tôm sú Ấn Độ thường được bán với số lượng lớn tại các siêu thị phía Tây Nhật Bản theo giá bán buôn và giảm khoảng 20% so với đầu năm nay. Trong khi đó, giá tôm xuất khẩu của Ấn Độ rẻ hơn tôm sú Việt Nam bình quân từ 20 – 25%.  Giá tôm sú từ Indonesia cũng giảm khoảng 10%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Nhật Bản đối đầu với tôm giá rẻ từ Ấn Độ. Ảnh: N. M
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Nhật Bản đối đầu với tôm giá rẻ từ Ấn Độ. Ảnh: N. M

Các nhà nhập khẩu tôm của Nhật Bản dự đoán, giá tôm sú sẽ giảm nữa trong tháng 7, 8 và các tháng tiếp theo khi Ấn Độ vào chính vụ thu hoạch. Theo các doanh nghiệp, giá tôm sú Ấn Độ rẻ hơn nhiều so với giá tôm sú Việt Nam có thể do kỹ thuật nuôi và một phần do lãi suất tiền vay thấp cộng với rủi ro trong nuôi tôm của nông dân Ấn Độ thấp dẫn đến tổng chi phí đầu vào của tôm sú Ấn Độ thấp hơn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chế biến Thuỷ sản Út Xi, cho biết tôm Việt Nam ngày càng bị tôm giá rẻ Ấn Độ cạnh tranh tại Nhật, đang gây lo ngại cho các doanh nghiệp, khi Nhật Bản so sánh giá bán tôm thành phẩm của Việt Nam và tôm nguyên liệu của Ấn Độ. Nếu có sự chênh lệch lớn, họ sẽ cho rằng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam quá cao và sẽ mua nguyên liệu của Ấn Độ về sản xuất tại Nhật. Khi đó, lợi thế tôm giá trị gia tăng của Việt Nam sẽ không còn.

Trong số 5 nước cung cấp tôm nhiều nhất cho thị trường Nhật Bản các tháng đầu năm nay là Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc (chiếm trên 79% tổng nguồn cung tôm cho Nhật Bản), Ấn Độ là nước duy nhất có mức tăng trưởng xuất khẩu trên 2 con số với 27,9%. xuất khẩu tôm Thái Lan sang Nhật Bản trong giai đoạn này giảm 5,1%, Trung Quốc giảm 11,5%, Việt Nam chỉ tăng 3,6% và Indonesia tăng 1,3%.

Các doanh nghiệp đang lo lắng, ngoài việc đẩy mạnh nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu, doanh nghiệp xuất khẩu còn phải hiểu các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Nhật Bản và cuộc cạnh tranh gay gắt về giá tôm giữa các nước xuất khẩu với nhau vào cùng một thị trường.

 

Xuân Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang