Xuất lậu xăng dầu

author 10:00 11/03/2013

Hiện giá xăng dầu phía Campuchia cao hơn nước ta nên tình trạng buôn lậu mặt hàng này trên tuyến biên giới Tây Nam đã bắt đầu gia tăng trở lại

Theo nhận định từ cơ quan chức năng, trong số các tỉnh thuộc tuyến biên giới Tây Nam thì An Giang thường xuất hiện các điểm “nóng” buôn lậu mỗi khi xăng dầu có biến động về giá. Trong đó, khu vực gần cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên được xem là “thủ phủ” của hoạt động này.

Bơm nước đầy kênh, kết bè chở hàng
 
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện mực nước trên các tuyến kênh nội đồng tiếp giáp Campuchia đang dần cạn kiệt là một trong những khó khăn mà dân buôn lậu gặp phải. Thế nhưng, không vì vậy mà “bó tay”, các đối tượng buôn lậu bỏ tiền ra để thuê người dùng máy bơm nước cho đầy con kênh dài hơn 1 km để vận chuyển hàng.
Chở xăng dầu lậu 
 
Ông N.V.H, có nhà gần khu vực cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, cho biết hiện các chủ đầu nậu, chủ thầu đai vác hàng lậu ở đây đều có sự phân chia địa bàn hoạt động. Trong đó, đoạn kênh Vĩnh Tế từ cầu sắt Hữu Nghị (thị trấn Tịnh Biên) đến chợ bò Tà Ngáo (xã An Phú, huyện Tịnh Biên) do ông C. đảm nhận việc gom hàng và thuê người vận chuyển qua biên giới. Ở đoạn kênh chính này có nhiều tuyến kênh phụ như Cây Dương, cống Tư Mèo, bọng Đình Nghĩa và cống 19. Kênh Cây Dương do bà T. độc quyền sử dụng để vận chuyển đường cát Thái Lan vào nội địa, ông C. thì thao túng tất cả các tuyến kênh còn lại và chịu trách nhiệm đưa xăng dầu xuất lậu qua biên giới.
 
Trong đó, cống Tư Mèo chỉ phục vụ cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu Đ.P, có bè xăng nằm dưới kênh Vĩnh Tế. Đặc biệt, do bọng Đình Nghĩa và cống 19 thường ít nước nên ông C. phải cho đàn em dùng dây kết các can xăng lại thành bè để kéo xuyên biên giới với mỗi đợt từ 100-200 can (30 lít/can). Tất cả các chuyến hàng được kéo đường vòng khoảng 5-7 km rồi tập kết tại bãi Bay Tà Mâu thuộc xã Khơmo (theo cách gọi của người dân địa phương), huyện Kirivong, tỉnh Tà Keo - Campuchia. Nếu vận chuyển càng sâu trong nội địa thì xăng dầu sẽ có giá bán khác nhau nhưng ít nhất là cao hơn Việt Nam khoảng 4.000 đồng/lít.
 
“Kiểu kết lại thành bè để vận chuyển xăng dầu tuy có tốn kém và mất thời gian nhưng rất an toàn vì không gây tiếng động so với ghe máy” - ông N.V.H cho biết.
 
Gia tăng từng ngày
 
Ông P.V.N (ngụ xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự - Đồng Tháp) cho biết tính đến thời điểm này, các chủ cây xăng gần khu vực cửa khẩu quốc tế Thường Phước vẫn chưa thuê người chở hàng qua biên giới tiêu thụ. Phần lớn các vụ xuất lậu xăng dầu chủ yếu do người dân địa phương dùng xe máy chở khoảng 2-3 can và đi theo đường chính ngạch.
 
Tuy nhiên, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì họ bảo rằng số xăng dầu này dùng để bơm tưới nước làm đất hoặc chạy nước cho ruộng lúa… “Mỗi ngày, con đường qua cửa khẩu quốc tế Thường Phước thường xuyên xuất hiện nhóm người vận chuyển xăng dầu nhỏ lẻ, chỉ vài chục can. Ai cũng biết đó là buôn lậu xăng dầu nhưng họ đưa ra lý do như vậy thì lực lượng chức năng cũng phải chịu thua” - ông N. nói. 
 
Tại khu vực biên giới thuộc xã Khánh An, huyện An Phú - An Giang, các bè dọc theo sông Bình Di (một nhánh sông Hậu) cũng đã vô sẵn xăng dầu vào các can để chờ vỏ lãi lấy hàng sang sông. Tại bờ sông đối diện thuộc khu vực ấp Mương Chùa, xã Bẹc Chạy, huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal - Campuchia, các đối tượng vận chuyển thuê cũng sẵn sàng chờ lấy hàng. Sau đó, số xăng dầu lậu này được đưa lên xe máy và băng theo các lối mòn vào sâu trong nước bạn. “Tình hình buôn lậu xăng dầu ở đây chỉ mới bước vào giai đoạn đầu nên chưa có sự ồ ạt như cao điểm của 2 năm trước. Tuy vậy, nó đang có dấu hiệu gia tăng theo từng ngày” - một người dân xã Khánh An nhận định.
 
Trong những ngày gần đây, hoạt động buôn lậu xăng dầu ở khu vực gần cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên có phần sôi động hơn, đặc biệt là tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu Đ.P do nơi đây có một bè xăng nằm dưới kênh Vĩnh Tế nên rất thuận lợi cho những chiếc vỏ lãi vào ra “ăn hàng”.
Gây thiệt hại lớn
 
Theo Cục Cảnh sát biển Việt Nam, xăng dầu buôn lậu trên biển ngày càng nhộn nhịp, gây thiệt hại kinh tế lớn. Khu vực biển Đông Bắc, Tây Nam và các cảng biển Vũng Tàu, Đà Nẵng là những điểm nóng về hoạt động này. “Các đối tượng buôn lậu xăng dầu thường dùng nhiều thủ đoạn khác nhau như thay đổi địa điểm lên xuống hàng, quay vòng hồ sơ xuất khẩu, tạo hồ sơ mua bán nội địa, thay đổi hành trình vượt tuyến sang nước ngoài… nên gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng” - thiếu tá Lê Văn Thụy, Phó trưởng Phòng Trinh sát - Cảnh sát biển vùng 1, cho biết.
 
Chỉ trong tháng 2-2013, cơ quan chức năng đã bắt quả tang 3 vụ buôn lậu xăng dầu trên biển với quy mô lớn. Đơn cử, ngày 2-3, tại vùng biển tỉnh Quảng Nam, Cảnh sát biển vùng 2 đã phát hiện tàu PVT Dragon của Công ty CP Vận tải Dầu khí, do ông Hồ Hoàng Tuấn (SN 1958, quê Quảng Bình) làm thuyền trưởng, bán dầu cho tàu Quảng Hà 09 thuộc Công ty Kinh doanh Xăng dầu Dung Quất, do ông Dương Xuân Mẫn (SN 1976) làm thuyền trưởng.
 
Kiểm tra tàu Quảng Hà 09, cơ quan chức năng phát hiện trong khoang hàng chứa 10.000 lít dầu diesel không có hóa đơn, chứng từ.
 

Thốt Nốt/nld

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang