Xung đột lợi ích nhóm khi kiện chống bán phá giá

author 16:56 25/07/2013

Các doanh nghiệp trong nhóm bị ảnh hưởng có thể tham gia vào quá trình điều tra bằng cách gửi tới cơ quan chức năng những thông tin xung quanh, liên quan đến vụ việc.

 Sáng 24-7, tại Hà Nội, Trung tâm WTO (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức hội thảo “Kiện chống bán phá giá ở Việt Nam- Đánh thức công cụ bị bỏ quên”.

Theo ông Lê Sỹ Giảng, Phó trưởng Ban phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, khi sức khỏe của doanh nghiệp riêng lẻ và của toàn ngành suy yếu thì doanh nghiệp cần tìm đến những công cụ bảo vệ phù hợp, trong đó có biện pháp kiện chống bán phá giá.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO cho biết, dường như nhiều hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đang bị bán phá giá. Hiện tượng nhập khẩu hàng hóa ồ ạt vào thị trường Việt Nam đã gây ảnh hưởng tới hàng hóa trong nước, gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp… “Vậy chúng ta phải sử dụng công cụ chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ làm sao cho hiệu quả, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trước hàng hóa nước ngoài.”

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải, Công ty luật Mayer Brown JSM, trong những vụ kiện chống bán phá giá thường có sự xung đột lợi ích giữa nhóm đi kiện và nhóm bị ảnh hưởng.

Tại buổi hội thảo, ông Đàm Quang Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà thể hiện sự quan ngại của các doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ trước vụ việc hai doanh nghiệp thép không gỉ khởi kiện chống bán phá giá sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ một số nước. Ngày 4-7 vừa qua, Bộ Công Thương đã ký quyết định thông báo về việc điều tra theo đơn kiện.

Theo ông Hùng, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm thép không gỉ cán nguội trong trường hợp này sẽ dẫn tới rất nhiều hệ quả ảnh hưởng xấu tới thị trường ngành thép không gỉ tại Việt Nam. Cụ thể, trong ngành sản xuất thép tại Việt Nam hiện nay, Công ty POSCO VST và Hòa Bình Inox (2 doanh nghiệp khởi kiện) đang giữ vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm khoảng 30% thị phần).

 “Nếu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ một số nước theo đơn kiện sẽ dẫn tới thực tế hai Công ty POSCO VST và Hòa Bình Inox có thể sử dụng lợi thế thị phần để đẩy giá mặt hàng thép lên cao, vì không có sự cạnh tranh ngang bằng và quan trọng nhất là người tiêu dùng sẽ phải trả giá cao cho các sản phẩm từ thép”- ông Hùng cho biết.

Đưa ra lời  khuyên chung cho các doanh nghiệp thuộc nhóm bị ảnh hưởng trong vụ kiện bán phá giá, ông Nguyễn Hải, Công ty luật Mayer Brown JSM cho rằng, các doanh nghiệp trong nhóm bị ảnh hưởng có thể tham gia vào quá trình điều tra bằng cách gửi tới cơ quan chức năng những thông tin xung quanh, liên quan đến vụ việc cũng như đưa ra các quan điểm, lập luận của mình trong những phiên tham vấn.

Đỗ Huệ/HQ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang