Yên Tử tưởng niệm 707 năm ngày Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn

author 11:16 10/12/2015

(VietQ.vn) - Tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông: "Phật không phải ở đâu xa xăm, bí ẩn, mà ở chính trong tâm, tâm trong sáng chính là chân Phật"

Lễ hội Hoằng pháp toàn quốc 2015, hội thảo Phật giáo Trúc Lâm Hội tụ và Lan toả, tưởng niệm 707 năm Ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn sẽ được tổ chức trong 2 ngày 10 và 11-12, tại Khu Di tích - Danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) và Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng (TX Quảng Yên)                   .

đức phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn

Tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Yên Tử

Lễ hội bao gồm: Hội thảo khoa học Phật giáo Trúc Lâm Hội tụ và Lan toả; Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng tử trận Bạch Đằng; lễ hội Hoằng pháp toàn quốc 2015 và tưởng niệm 707 năm Ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn; pháp hội Dược sư cầu nguyện Quốc thái dân an và lễ đúc 108 pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn; lễ hội truyền đăng... Đây là sự kiện chào mừng Đại hội đại biểu các cấp của GHPG Việt Nam trong năm nay, dự kiến sẽ thu hút 2 vạn đại biểu, tăng, ni, tín đồ, công chúng tham gia.

Cách đây hơn 700 năm, vua Trần Nhân Tông, anh hùng dân tộc thời Trần đến Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng Thiền mang bản sắc Việt Nam và xây dựng lên khu văn hóa Yên Tử nổi tiếng. Cho đến nay, những di sản tư tưởng và văn hóa mà ông để lại cho đời, cho dân tộc vẫn còn ý nghĩa và giá trị to lớn. Bởi vậy, tên tuổi Trần Nhân Tông gắn liền với Yên Tử suốt hơn 700 năm nay, làm cho ông không chỉ lừng danh trong sự nghiệp chống ngoại xâm, mà còn được ngưỡng mộ, kính phục ở sự nghiệp dựng nước vẻ vang.

Trần Nhân Tông là con vua Trần Thánh Tông, sinh năm 1258 và mất năm 1308. Năm 21 tuổi, Trần Nhân Tông lên ngôi vua, trong chiến dịch Bạch Đằng ông cùng cha chỉ đạo thủy binh nhà Trần đóng dưới núi Kinh Chủ làm hậu thuẫn đắc lực cho bộ binh xung trận. Khi cuộc kháng chiến thứ ba kết thúc, đất nước sạch bóng quân thù, trong buổi lễ trang nghiêm mừng thắng trận, trước anh linh các Vua Trần ở phủ Long Hưng (Thái Bình), Trần Nhân Tông đã cảm khái đọc hai câu thơ đầy khí phách hào hùng:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu

Dịch là:

Đất nước hai phen chồn ngựa đá

Non sông muôn thuở vững âu vàng

Từ kinh nghiệm lịch sử của ba cuộc kháng chiến thắng lợi ông đã rút ra bài học, là muốn bảo vệ và xây dựng đất nước, giữ gìn nền đọc lập dân tộc, điều cốt lõi là phải thống nhất, đoàn kết dân tộc thành một khối, phải điều hòa quyền lợi các giai cấp, quan lại phải liên chính, trong sạch, làm gương cho thiên hạ.

Xuất phát từ lợi ích cao cả của dân tộc và triều đại nhà Trần, năm 1293 lúc Trần Nhân Tông mới 35 tuổi, đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, tự nguyện rời ngai vàng bệ ngọc, lui về phủ Thiên Trường (Nam Định) chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật, soạn kinh truyền giáo. Đến năm Hưng Long thứ bảy, tức năm 1299, Trần Nhân Tông chính thức đến Yên Tử đi tu, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, trở thành Đệ Nhất Tổ Thiền phái Trúc Lâm.

đỉnh thiêng Yên Tử

Du khách hành hương đến Yên Tử

Thời đoạn mà Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành không dài, chỉ 9 năm từ 1299 đến 1308, nhưng ông đã để lại những di sản to lớn, quý báu cho dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, làm phong phú thêm, sâu sắc thêm bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành từ hàng ngàn năm lịch sử.

Những di sản mà Trần Nhân Tông để lại trong thời kỳ tu hành ở Yên Tử có thể khái quát thành mấy điểm chủ yếu sau:

1. Một là: Trần Nhân Tông là người đặt nền móng và phát triển giáo lý Thiền phái Trúc Lâm, một Thiền phái mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Hạt nhân giáo lý của Trúc Lâm Tam Tổ là: Phật không phải ở đâu xa xăm, bí ẩn, mà ở chính trong tâm, tâm trong sáng chính là chân Phật. Thiền phái Trúc Lâm khuyên người đời hãy tu tại tâm, tức là tự tu dưỡng, rèn luyện thành người có ích cho đời, cho dân, cho nước. Vì vậy, với Thiền phái Trúc Lâm, Phật tức Đời. Mà điều thiêng, cao cả của Đời là sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước.

2. Hai là: Trong thời gian tu hành tại Yên Tử, Trần Nhân Tông và những người kế tục sự nghiệp của ông đã xây dựng lên ở Yên tử một trung tâm văn hóa rực rỡ của đất nước với hàng trăm công trình chùa, tháp, gác chuông, lầu trống, bia tượng nguy nga và vốn văn hóa phi vật thể: kinh, kệ, thơ văn, hoành phi, câu đối, minh, ký... phong phú. Thời kỳ huy hoàng của Yên Tử có tới 800 chùa, tháp, trong đó có những chùa nổi tiếng như: Viện Quỳnh Lâm, Am Hồ Thiên, chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai... với tổng số tượng thờ lên tới 1.300 pho. Số chư tăng đông đến 15.000 người. Cũng trong thời gian tu hành tại Yên Tử, Trần Nhân Tông và những người kế tục sự nghiệp của ông đã chăm chú điểm tô khu Danh sơn Yên Tử ngày càng thêm tươi đẹp với thảm thực vật đa dạng và quý hiếm mà nổi bật là đường tùng, đại cổ thụ và rừng trúc bạt ngàn.

Mỗi di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được tạo dựng ở Yên Tử là kết tinh tài năng trí tuệ của dân tộc Việt Nam ở từng giai đoạn lịch sử, là hình ảnh sinh động về sự hội tụ văn hóa các thời đại được phát triển liên tục suốt hơn 700 năm.

3. Ba là: Bản thân Trần Nhân Tông trong chiến đấu chống ngoại xâm là một anh hùng dân tộc, khi tu hành là một vị Vô Lượng Đại Thế Chí Bồ Tát. Lúc ông làm vua cũng như khi trở thành nhà sư, Trần Nhân Tông lúc nào cũng đặt quyền lợi của dân tộc, Tổ quốc và triều đại lên trên hết. Ông luôn sống xả thân vì sự nghiệp cao cả, không hề gợn một chút riêng tư. Mới 35 tuổi ông đã nhường ngôi cho con, từ bỏ cuộc sống giàu sang, quyền quý để làm một nhà sư khổ hạnh chốn rừng núi thâm u. Khi làm vua ông xông pha mũi tên hòn đạn, lúc đi tu ông chích máu mình làm mực viết kinh, bôn ba trong Nam ngoài Bắc để truyền giáo. Mục đích cao cả của đời ông khi đứng ở đỉnh cao của quyền lực cũng như khi trở thành một vị cao tăng, là nhân dân được sống thanh bình, nền độc lập của quốc gia được bảo vệ, chế độ nhà Trần được duy trì. Cả cuộc đời ông hy sinh vì nghĩa lớn. Ông là tấm gương sáng không chỉ cho thời đại mà cả cho những thế hệ mai sau./.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang