Zing, Báo Mới, Thanh Niên… gặp sự cố ảnh hưởng đến an ninh truyền thông ra sao?

author 11:53 24/09/2018

Trưa ngày 23/9, hàng loạt tờ báo lớn tại Việt Nam gặp sự cố khi không thể truy cập. Điều này khiến nhiều người băn khoăn không biết sự cố này ảnh hưởng thế nào đến an ninh truyền thông?

Khoảng 10h50 trưa ngày 23/9, trang tin tổng hợp Báo mới và hàng loạt tờ báo điện tử Việt Nam như: Zing, Thanh Niên, Tiền Phong, Pháp luật TP.HCM, VOV, An Ninh Thủ Đô… bất ngờ không truy cập được.

Phải mất vài giờ đồng hồ sau, người dùng mới có thể truy cập được vào các trang báo này. Nguyên nhân của sự cố này được đưa ra là do mất điện tại trung tâm dữ liệu.

Trước câu hỏi việc hàng loạt tờ báo lớn gặp sự cố ảnh hưởng thế nào đến an ninh truyền thông, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với một số chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, an ninh mạng.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm Đào tạo quản trị và An ninh mạng ATHENA cho biết: “Khi hàng loạt các trang báo lớn bị ngưng trệ như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh thông tin, an ninh truyền thông.

Đối với các báo điện tử, về nguyên tắc phải hoạt động 24/24, nếu có down time thì cũng chỉ trong khoảng từ 5-30 phút. Khi trang báo bị down time quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến vấn đề truy cập thông tin, tìm kiếm thông tin của khách hàng. Ảnh hưởng đến tốc độ truy cập, sự mong muốn của khách hàng.

Ngoài ra, có những trang báo để đọc tin phải trả tiền, nên khi bị gặp sự cố như vậy cũng gặp vấn đề ảnh hưởng đến doanh thu của trang báo đó”.

Cũng trao đổi thêm với PV, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho hay: “Nguyên nhân sự cố hệ thống VNG đã được đưa ra là do mất điện, còn có liên quan đến an ninh hay không thì chưa xác minh được. Theo tôi, việc hàng loạt các trang báo gặp sự cố vào trưa nay nó thuộc về chất lượng. Còn muốn biết liên quan đến an ninh truyền thông hay không thì phải có những đánh giá, báo cáo cụ thể”.

Đánh giá về sự cố lần này của VNG, ông Vũ Hoàng Liên cũng cho biết: “Nguyên nhân mà VNG nói ra là do mất điện, đây là nguyên nhân thuộc về yếu tố hạ tầng. Liên quan đến hạ tầng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng truyền thông của các nhà cung cấp dịch vụ. Nếu có sự chuẩn bị chu đáo, xác suất xảy ra những sự cố như vậy sẽ hạn chế được. Nhưng, khi đã bị ảnh hưởng bởi bất cứ lý do gì thì tin tức, các dịch vụ công ty đang cung cấp bị ảnh hưởng”.

Để hạn chế tối đa hệ thống không bị ảnh hưởng quá nhiều, ông Liên nói: “Để đảm bảo hệ thống công nghệ thì đầu tiên là phải đảm bảo hạ tầng như: Đường kết nối, đường truyền kết nối, các hotsting, sever, điện, nhà trạm, điều hòa… môi trường để duy trì thiết bị. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo vấn đề bảo mật, chống virus…”.

Liên quan đến sự cố mà VNG gặp phải vào trưa nay, Ths.Luật sư Đặng Văn Cường (văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định: “Có thể nói rằng, đây là sự cố ngoài ý muốn của VNG. Tuy nhiên, việc này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới các đơn vị sử dụng dịch vụ.

Về nguyên tắc mà Bộ luật Dân sự và luật Thương mại quy định: Việc thực hiện hợp đồng dịch vụ bị ngưng trệ do lỗi của một bên mà gây thiệt hại đến quyền lợi của bên kia thì bên gây ra thiệt hại phải bồi thường (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc đó là trường hợp bất khả kháng).

Thông thường, với các đơn vị cung cấp dịch vụ bị mất điện thường có máy phát điện ứng trước để thay thế, đảm bảo nguồn điện luôn được duy trì. Theo quy định của pháp luật thì trường hợp bất khả kháng là trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, do chủ quan của con người, con người không thể kiểm soát được. Còn những tình huống, sự kiện mà con người có thể kiểm soát, khắc phục được thì không được gọi là tình huống bất khả kháng.

Ngoài ra, đối với ngành điện lực, pháp luật quy định việc cắt điện bắt buộc phải thông báo cho người sử dụng điện biết biết để có kế hoạch xử lý sự cố. Việc đơn vị cung cấp điện không thông báo trước về lịch cắt điện, gây thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ điện thì bên cung cấp điện cũng phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Trong vụ việc này, để xác định trách nhiệm phải căn cứ vào hợp đồng dịch vụ giữa các bên. Nếu một bên vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho bên kia, thì bên vi phạm hợp đồng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo nội dung đã thỏa thuận. Thiệt hại ở đây là những thiệt hại về vật chất, thực tế có thể xác định được bằng các đơn vị đo lường”.

Cũng theo Ths.Luật sư Cường, cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận đó gọi là hợp đồng dịch vụ.

Điều 513, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng dịch vụ như sau: Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Trong đó, bộ luật này quy định rất rõ Quyền và nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ tại Điều 515; 516; Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ quy định tại Điều 517;518.

Căn cứ vào các quy định pháp luật, hợp đồng dịch vụ điện và dịch vụ viễn thông giữa các bên sẽ được soạn thảo và ký kết bằng văn bản.

“Trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu một bên có lỗi gây thiệt hại cho bên kia, thì bên bị gây thiệt hại có quyền căn cứ vào các quy định của hợp đồng và các quy định của pháp luật để yêu cầu bồi thường thiệt hại”, Ths.Luật sư Cường nhấn mạnh.

Theo Người đưa tin

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang