‘Phơi bày’ loạt thủ đoạn gian lận thương mại điện tử

author 07:16 20/12/2019

(VietQ.vn) - Song hành cùng với tốc độ phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử (TMĐT) cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan. Việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường Internet, không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp nơi trên thế giới.

Việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng trở nên tinh vi. Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, TMĐT tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là từ 25-30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam đạt mức 30% với tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (B2C) đạt 8,06 tỷ USD. Dự báo của Google và Temasek (19/11/2018) chỉ ra, nền kinh tế Internet Đông Nam Á có thể vượt mốc 240 tỷ USD vào năm 2025. Nền kinh tế Internet tại Việt Nam được dự báo đóng góp vào con số trên 33 tỷ USD. Tuy nhiên, việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường Internet, không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp nơi trên thế giới.

Thủ đoạn lách luật ngày càng tinh vi

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, “nhiều đối tượng là người bán trên các Sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của Sàn. Cụ thể, đối tượng cố tình thay đổi tên sản phẩm là N.I.K.E thay vì NIKE. Thậm chí, có những đối tượng bán lá cây cần sa nhưng rao bán “Lá cây đu đủ”, “cỏ mỹ” ông Hải minh chứng. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài, trả tiền thông qua thẻ tín dụng mà không thông qua công ty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam hoặc chỉ thiết lập fanpage để chạy quảng cáo. Các đối tượng này cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay bất kỳ thông tin liên lạc gì.

Cũng theo ông Hải, rất khó nhận biết được hàng hóa thật – giả trên mạng bởi “Thông tin lên mạng thì là hình ảnh và thông tin của hàng thật nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện”. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp “người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng”, ông Hải băn khoăn.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương. 

Chia sẻ về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, hiện nay có 03 loại hình TMĐT cần quan tâm đó là: Sàn giao dịch TMĐT; bán hàng trên mạng xã hội; bán hàng trên website TMĐT. “Nếu không có kiểm soát chắc thì đây sẽ là mối nguy đối với tình hình gian lận thương mại tại Việt Nam", Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Hiện nay, hầu hết hành vi vi phạm do chủ thể bán hàng không thực hiện đúng trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch điện tử. Chủ thể bán hàng là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân, sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau gây khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý vi phạm.

Một khó khăn nữa được Tổng cục trưởng nêu ra đó là hầu hết các giao dịch hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể.

“Đối với TMĐT khi xử lý phải có chứng cứ cụ thể. 99% các giao dịch trên mạng hiện nay không có hóa đơn chứng từ. Chính vì vậy, công tác phát hiện, quản lý và xử lý đối với hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ càng trở nên khó khăn” ông Linh chia sẻ.

Bên cạnh đó, kinh doanh qua mạng xã hội như facebook chưa được kiểm soát hiệu quả, nhất là đối với các mạng xã hội chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam. Đi cùng với đó, kiến thức, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực thương mại điện tử của công chức thực thi còn nhiều hạn chế. Các website và trang mạng xã hội dễ dàng đươc tạo ra và đóng lại gây khó khăn cho công tác kiểm soát.

Cam kết bán hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ

Từ thực tiễn trên, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng giả trong TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT giai đoạn 2018-2020.

Trong đó, Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT là một trong 6 nhóm giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu trên. “Đây là Cổng dịch vụ công mức độ 4 giúp kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu và phối hợp quản lý, giám sát thực thi và hỗ trợ giải quyết phản ánh, khiếu nại của các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ Công Thương như: Cục TMĐT và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các Sở Công Thương...

Đặc biệt cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu website TMĐT và các nhãn hàng trong việc bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời cam kết bán hàng hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử(VietQ.vn) - Bộ Công Thương đã chọn chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” nhằm triển khai sự kiện Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2020.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang