Bài 2: 'Bác sĩ' online ngang nhiên khẳng định: 'Thực phẩm chức năng là thuốc điều trị'

author 07:37 24/07/2021

(VietQ.vn) - Thời gian qua, Chất lượng Việt Nam (VietQ) đã có nhiều bài viết phản ánh quá trình lật tẩy nhiều tổ chức, cá nhân… kinh doanh thực phẩm chức năng "bẩn".

PV nhận thấy một phương thức, hiện tượng mới đó là “tổ chức xin công bố một đằng, tổ chức kinh doanh lại một nẻo”. Phương thức kinh doanh này được hiểu là, một tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm theo đúng quy định của pháp luật, sau đó sẽ có tổ chức, cá nhân khác chịu trách nhiệm phân phối, thậm chí bất chấp quy định của pháp luật nhằm đạt được doanh số.

Khi xảy ra tranh chấp hoặc sai phạm bị phanh phui… thì công ty phân phối dường như “mất hình”, “biến dạng”… không thể truy cứu, còn công ty chịu trách nhiệm công bố “phủi” trách nhiệm, đổ lỗi cho đơn vị thứ 3, đại lý, đơn vị phân phối không thực hiện theo quy định pháp luật.

 Ảnh minh họa

Quá trình điều tra từ nhiều trang website mà tổ chức kinh doanh đã quảng cáo, giới thiệu TPBVSK có công dụng như thuốc: Viên thuốc điều trị tiểu đêm; điều trị dứt điểm bệnh u xơ phì đại tuyến tiền liệt, tiểu khó, tiểu són; hỗ trợ đưa phì đại tuyến tiền liệt về kích thước ban đầu sau 3 tháng.

Để người tiêu dùng tin vào những lời quảng cáo có “cánh” trên, tổ chức kinh doanh đã “bồi” thêm số lượng hơn 100.000 bệnh nhân đã điều trị thành công.

Ngoài ra, trong các quảng cáo đã sử dụng hình ảnh của các bác sĩ và nhiều tâm thư của bệnh nhân để “khoác lác” công dụng thật của sản phẩm nhằm lấy niềm tin của người tiêu dùng

Trước phản ánh về những quảng cáo “lố bịch” trên, PV đã liên hệ tới webiste quảng cáo sản phẩm để tư vấn với phương diện là bệnh nhân.

Sau đó, PV được một người giới thiệu đang gọi tại nhà thuốc  tư vấn, bán thuốc. Giao tiếp qua điện thoại, PV nhận thấy nhân viên này còn trẻ tuổi, nhưng giọng nói, biểu cảm nhấn nhá rất “cứng”. Đặc biệt, vọng theo là rất nhiều tiếng nói oang oang: “tôi gọi cho anh/chị; tôi gửi thuốc về cho mình; để ý điện thoại để nhận thuốc...” xen lẫn vào cuộc hội thoại mà vị “bác sĩ” kia đang tư vấn.

Sau khi ổn định đường truyền giữa 2 bên, người này bắt đầu khai thác thông tin từ khách hàng: “Chị bị làm sao chị cứ nói hết đi; chị hay đi tiểu nhiều ban ngày hay đêm; bàng quang của chị có hay bị tức không; vấn đề sinh lý của mình có bị suy giảm không; chị đã sử dụng thuốc gì điều trị chưa...”.

Kinh nghiệm khai thác thông tin của người này rất “chuyên nghiệp”, khiến PV nghĩ có thể hàng ngày vị “bác sĩ” online đã gọi cho rất nhiều người để hỏi bệnh và bán thuốc nên những câu này giường như đã học thuộc lưu loát. Sau những câu trả lời của PV thì người này đều đáp lại “Ừ! Tôi biết rồi; ừ thế à...”.

Vòng vo một lúc thì cuối cùng “bác sĩ” online cũng kết luận: “Tôi hiểu cái tình trạng bệnh của chị rồi nhé. Hiện nay bàng quang của chị đang bị chèn ép hệ niệu đạo gây ra co bóp nhiều lần khiến mình đi tiểu nhiều, còn chị đau ở thắt lưng thì thận cũng đang ảnh hưởng rồi. Ngoài ra chị bị u xơ thì cũng ảnh hưởng đến đường tiểu. Chị kiên trì điều trị từ 1- 2 tháng sẽ điều trị dứt điểm bệnh u xơ... Vì chị đang còn trẻ thì điều trị nhanh thôi chị nhé”.

Khi PV thắc mắc thuốc này có chắc chắn chữa được bệnh không và bày tỏ muốn qua nhà thuốc thăm khám thì “bác sĩ” online vội vàng từ chối, đổ lỗi do dịch bệnh Covid-19: “Tôi bảo chị rồi, thuốc này chắc chắn điều trị khỏi cho chị, đây là thuốc chứ không phải TPBVSK. Thuốc này điều trị cho chị khỏi lâu dài chứ không phải chức năng hỗ trợ. Đợt trước nhà thuốc cho bệnh nhân đến khám, nhưng giờ dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà thuốc không tiếp bệnh nhân. Còn chị yên tâm, thuốc sẽ được gửi đi từ địa chỉ nhà thuốc và giá theo Bộ Y tế...”.

Theo đó, người này cũng khẳng định thông tin đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân khỏi rồi. Nên căn dặn PV sau khi nhận được thuốc thì gọi điện lại báo để người này hướng dẫn dùng thuốc.

 PVĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang