Chia sẻ 'bí kíp' chữa khỏi nám, tàn nhang: Dấu hiệu lừa dối khách hàng?

author 09:32 31/12/2021

(VietQ.vn) - Nhiều video, bài viết lợi dụng hình ảnh khách hàng được đăng tải giới thiệu đã thoát khỏi nám, tàn nhang nhờ sử dụng bộ sản phẩm là trái quy định pháp luật.

Loạt video quảng cáo dối trá?

Sản phẩm được tư vấn, bán rộng rãi là thuốc chữa bệnh, bất chấp quy định pháp luật nhằm lừa dối người tiêu dùng để thu lợi bất chính.

Tổ chức kinh doanh không chỉ đăng đàn quảng cáo, loan tin là thuốc trên internet mà còn có đội ngũ bác sĩ tư vấn online, bán hàng và cam kết điều trị dứt điểm nám, tàng nhang không tái phát. Quá trình tìm hiểu, PV còn ghi nhận, đơn vị này đã lợi dụng hình ảnh, dựng video giới thiệu là khách hàng chia sẻ bí kíp thoát khỏi nám tàn nhang mà không có căn cứ là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ví dụ, video của diễn viên L.T.T thể hiện bị nám, tàn nhang, nội tiết thay đổi... Mặc dù đã sử dụng rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng đều không khỏi, thế nhưng chỉ khi T.T. dùng sản phẩmđặc trị nám, tàn nhang tình trạng mới thay đổi rõ rệt.

“Sau 1 tháng sử dụng bộ sản phẩm nám da tàn nhang, mình cảm thấy sắc tố da đồng đều, nám, tàn nhang mờ đi trông thấy, vết loang lổ không còn. Sau 3 tháng da của T. đã cải thiện đến 90%, rất hài lòng về làn da của mình hiện tại”, diễn viên này khẳng định.

Tương tự là video đăng tải về trường hợp hot mom chia sẻ, chị bị nám tàn nhang 2 gò má đen đặc khiến ai gặp cũng xót xa, dù chị đã sử dụng nhiều sản phẩm nhưng đều không có hiệu quả, tình cờ chị Đ. biết đến sản phẩm nên mua về điều trị. Trong video chia sẻ, người này liên tục dành nhiều lời khen cho bộ sản phẩm này, thậm chí còn gọi viên uống là thuốc.

Trường hợp chị Hồng Vân (47 tuổi) bị nám chân sâu từng mảng to khiến chị tự ti, bởi vậy, mỗi khi đi ra ngoài chị Vân đều phải đeo khẩu trang. Mặc dù chị Vân đã chữa trị rất nhiều nơi như laser nhưng tình trạng da không thuyên giảm, thậm chí còn nặng hơn. Tuy nhiên, chỉ sử dụng sản phẩm, tình trạng đã cải thiện, nám, tàn nhang đã chữa khỏi đến 80%.

Lộ bản chất

Những video nêu trên chỉ là số ít trong hàng chục trường hợp khác được đăng tải công khai trên mạng để quảng cáo cho sản phẩm. Hầu hết video được đăng tải cùng chung một kịch bản, nội dung đều chia sẻ sai công dụng sản phẩm. Đó là, những người bị nám, tàn nhang di truyền, sau sinh, nám mảng, nám chân sâu... tuy đã sử dụng nhiều phương pháp để điều trị nhưng tình trạng da vẫn không thuyên giảm, chỉ khi dùng sản phẩm mới thoát khỏi tình trạng nám da.

Ngoài ra, cuối video nào tổ chức kinh doanh cũng không quên khẳng định: “Bệnh nhân của chúng tôi đã chữa khỏi nám, tàn nhang di truyền bằng, còn bạn thì sao? Sản phẩm đã chữa khỏi cho hàng nghìn trường hợp bị nám an toàn và bền vững, sản phẩm kế thừa bí kíp trị nám tàn nhang của mỹ nữ hoàng triều. Bộ sản phẩm điều chế 100% từ thảo dược thiên nhiên phát huy hiệu quả điều trị tận gốc từ trong ra ngoài...”.

Theo ghi nhận, những video được quay dựng rất chuyên nghiệp, nhân vật thể hiện từ bác sĩ tới bệnh nhân đều gọi sản phẩm là thuốc điều trị nám, tàn nhang, trong khi không hề có công dụng như vậy. Bởi, theo giấy tờ pháp lý, sản phẩm chỉ có tác dụng bổ khí, bổ huyết, điều hòa kinh nguyệt, giúp da trắng sáng chứ không phải thuốc và không có tác dụng điều trị bệnh như những gì video đăng tải.

Tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, việc đăng tải hình ảnh, dựng video với danh nghĩa bệnh nhân để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là không phù hợp quy định của pháp luật.

 NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang