Khách hàng tố sản phẩm bảo hiểm “Tâm An Đầu Tư” của Manulife, chuyên gia khuyến cáo gì?

author 14:30 24/04/2023

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây có rất nhiều khách hàng gửi đơn tố nhân viên Ngân hàng SCB và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife đưa ra các thông tin tư vấn không chính xác khiến họ mất tiền.

Hàng loạt đơn tố cáo hãng bảo hiểm Manulife về gói sản phẩm "Tâm an Đầu tư"

Thông tin với VTC News, bà Phùng Thị Kim Thanh (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, bà là khách hàng thân thiết lâu năm của Ngân hàng SCB. Vào tháng 6/2021, khi giao dịch tại chi nhánh SCB Bảy Hiền và SCB Bàu Cát, nhân viên ngân hàng cũng như nhân viên Manulife cùng tư vấn cho bà về sản phẩm “Tâm An Đầu Tư” - sản phẩm liên kết giữa SCB và Manulife.

Khi nghe tư vấn, bà Thanh phân trần là mình đã mua 2 gói bảo hiểm nhân thọ nên không có nhu cầu mua thêm. Tuy nhiên, các nhân viên trấn an rằng sản phẩm Tâm An Đầu Tư là sản phẩm mới, giống như gửi tiết kiệm 12 tháng, không phải như những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ truyền thống trước đây. Người mua chỉ mất một khoản phí rất ít để duy trì hợp đồng bảo hiểm còn lại là đem đi đầu tư sinh lời.

Các nhân viên diễn giải cho bà Thanh rằng, lãi gửi sổ tiết kiệm thời điểm tháng 6/2021 khoảng 6,8%/năm (12 tháng), lãi gửi chứng chỉ tiền gửi 24 tháng là 7,05%/năm (12 tháng). Tuy nhiên, sản phẩm Tâm An Đầu Tư cam kết lãi suất thấp nhất lên đến 8,7%/năm (12 tháng). Sản phẩm đầu tư này chỉ có thời hạn 5 năm là kết thúc hợp đồng.

 Nhiều khách hàng tố cáo sản phẩm “Tâm An Đầu Tư” - sản phẩm liên kết giữa SCB và Manulife. Ảnh: VTC News

Theo bà Thanh, trong năm 2021 và 2022 bà đã nhiều lần đóng tiền vào sản phẩm Tâm An Đầu Tư với tổng trị giá 572 triệu đồng. Trong đó, phần tiền nộp ở phần đầu tư là 512 triệu đồng, phần tiền nộp ở bảo hiểm là 60 triệu đồng.

Cuối năm 2022, sau khi những lùm xùm xảy ra tại ngân hàng SCB, bà Thanh thấy nhiều người cảnh báo việc “mất trắng” tiền khi đầu tư vào sản phẩm Tâm An Đầu Tư nên sốt sắng tìm hiểu sự việc. Bà tá hỏa khi nhân viên chăm sóc khách hàng của Manulife thông báo, số tiền trong mục bảo hiểm của bà đã được mua BHNT (coi như không còn), số tiền trong mục đầu tư đã được đem đi đầu tư chứng chỉ quỹ.

Khi bà Thanh hỏi “chứng chỉ quỹ là gì?”, bà được nhân viên Manulife trả lời đó là một dạng cổ phiếu. Bà Thanh cũng chia sẻ về việc bà đã được trả lãi 8,7% trong năm đầu tiên, nhân viên Manulife cho biết, không có chuyện trả lãi, đó chỉ là tiền bà Thanh rút từ hợp đồng của bà. Nhân viên này cũng cho hay, hợp đồng của bà Thanh có thời hạn 44 năm, không phải là 5 năm như bà nghĩ.

Khi đó, bà Thanh mới biết mình đã bị nhân viên tư vấn sai sự thật. Kể từ khi mua sản phẩm Tâm An Đầu Tư, bà Thanh đã thiệt hại khoảng hơn 168 triệu đồng so với số tiền gốc ban đầu (572 triệu đồng).

Chị Nguyễn Thị Hân (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, tháng 5/2021, chị đến Ngân hàng SCB chi nhánh Lê Văn Quới thì được nhân viên tại đây tư vấn tham gia mua sản phẩm Tâm An Đầu Tư. Nếu đầu tư vào sản phẩm này 300 triệu đồng thì sau 5 năm sẽ lãi 81 triệu đồng. Ngoài ra, khi tham gia sản phẩm Tâm An Đầu Tư sẽ được tặng bảo hiểm trong năm đầu tiên. Vì nghĩ là bảo hiểm được tặng nên chị Hân không để ý và không coi kỹ hợp đồng và “rót” vào sản phẩm Tâm An Đầu Tư 320 triệu đồng.

“Đến cuối năm 2022, tôi thấy mọi người xôn xao về sản phẩm Tâm An Đầu Tư có vấn đề thì tôi mới cầm hợp đồng ra ngân hàng và lên công ty bảo hiểm để hỏi rõ sự tình. Lúc đó tôi mới biết là tiền của mình được mua bảo hiểm nhân thọ và trái phiếu”, chị Hân nói.

Theo chị Hân, chị được thuê làm quản lý nhà trọ với thu nhập thực tế chỉ 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong phần “Cam kết của khách hàng” hợp đồng bảo hiểm, các nhân viên đã khai thu nhập của chị là 80 triệu đồng/tháng, tức gấp 8 lần thu nhập thực tế. Nghề nghiệp của chị Hân được khai là kinh doanh bất động sản và đầu tư. Chữ ký của chị trong hợp đồng cũng nghi là bị làm giả.

Anh Trương Minh Tiến (ngụ quận 10) chia sẻ, anh và mẹ của mình là bà Trịnh Thị Thúy Loan cũng là những người mua sản phẩm Tâm An Đầu Tư khi làm việc với nhân viên tại phòng giao dịch Ngân hàng SCB Ba tháng Hai.

Thời gian đầu, anh Tiến và mẹ cũng đinh ninh rằng Tâm An Đầu tư là sản phẩm để tích lũy, tiết kiệm. Thế nhưng, sau này anh phát hiện gia đình mình đã tham gia sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Các nhân viên đã tự ý khai thu nhập của anh là 50 triệu đồng/tháng, thu nhập của mẹ anh là 100 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, bà Loan đã về hưu và chỉ ở nhà trông giữ cháu. Anh Tiến cũng hoàn toàn không được hỏi về tình trạng sức khỏe hay yêu cầu khám sức khỏe. Tất cả thông tin kê khai sức khỏe đều do nhân viên tự ý điền.

Cũng theo đơn tố cáo của khách hàng, phía Manulife chấp nhận toàn bộ hồ sơ từ phía đại lý và nhân viên mà không có động thái yêu cầu, hay xác thực đối với những khách hàng có nhiều điểm bất thường trong hợp đồng, như chữ ký, chữ viết trong cùng một tờ đơn hoàn toàn khác nhau, thu nhập cao bất thường lên đến 150-170 triệu đồng một tháng, kể cả người già đã về hưu.

Người dân cần làm gì khi quyết định ký mua bảo hiểm?

Chia sẻ với Báo điện tử VOV, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, thời gian qua, có rất nhiều trường hợp khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ đã khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm.

Theo ông Đức, bảo hiểm nhân thọ có độ phức tạp cao, hợp đồng gần 100 trang nhưng nhiều khi dân tài chính, giáo sư, tiến sĩ đọc chưa chắc hiểu được hết. Trong khi họ thường không đọc, không hiểu hết các điều khoản trong hợp đồng mà chỉ nghe tư vấn là ký. Do đó, chỉ cần một từ "lắt léo" trong hợp đồng đến khi xảy ra tranh chấp ở tòa thì khách hàng cũng thua.

"Người mua yếu thế, do không nắm thông tin, chuyên môn nên dù sao lỗi cũng ít hơn. Còn các công ty, ngân hàng là những đơn vị chuyên môn, khi khách hàng ký vào hợp đồng mà họ soạn sẵn, đặc biệt ký những hợp đồng có giá trị lớn thì cũng cần kiểm tra lại lần nữa xem khách hàng đã được tư vấn đúng chưa. Thông thường khách hàng chỉ nhận được tư vấn một phần sự thật, những điều tốt đẹp thì chỉ ra, còn xấu thì nói ít hoặc không đề cập.

Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, “bảo hiểm bán giấy lấy tiền” nên khác với các doanh nghiệp khác bán hàng đổi tiền, vì bán hàng đổi tiền chỉ có trường hợp hàng tốt - xấu còn đây sơ sểnh là mất, bỏ ra 1 tỷ mang về 500 triệu. Do đó, đối với doanh nghiệp bảo hiểm quan trọng nhất là sự tử tế, đứng đắn chuyên nghiệp của người thực thi chứ không thể bất chấp hết, doanh nghiệp bất chấp, đại lý bất chấp, khách hàng đôi khi cũng à ơi, thậm chí là gian lận, trục lợi.

“Doanh nghiệp bảo hiểm cần phải làm việc bài bản, chuyên nghiệp. Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã đòi hỏi rất chặt chẽ, giám sát hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải tự nâng mình lên, chuyên nghiệp, tử tế, có đạo đức, văn hóa kinh doanh thì mới bền được”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Chia sẻ với báo chí xung quanh sự việc này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nêu thực tế, khi mua bảo hiểm, đa số người mua thường chỉ quan tâm tới quyền lợi mà đôi khi không để ý tìm hiểu những điều khoản, điều kiện ràng buộc. Trong khi đó những điều khoản này sẽ quyết định việc người tham gia có được nhận quyền lợi hay không khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Do đó việc quyết định mua bao nhiêu, thời gian bao nhiều năm, được hưởng quyền lợi, trách nhiệm gì trước khi ký hợp đồng khách hàng phải tìm hiểu kỹ trước. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại trách nhiệm của nhân viên tư vấn trong trường hợp này. Họ đã mắc lỗi nghiêm trọng, có thể xếp vào lỗi lừa đảo. Với vai trò một tư vấn viên, là người phải tư vấn đầy đủ, đúng với loại bảo hiểm, các chi phí, số tiền liên quan nhưng họ không đủ tâm, đủ tầm khi tư vấn cho khách hàng. Còn về phía doanh nghiệp bảo hiểm cũng có lỗi nghiêm trọng khi không chăm sóc, kiểm tra lại hợp của khách hàng.

Ngoài ra khách hàng cũng cần tìm hiểu kỹ các điều khoản loại trừ không thanh toán của công ty bảo hiểm. Hãy tìm hiểu về các biến chứng sức khỏe mà công ty bảo hiểm có thể từ chối thanh toán. Điều này để phòng tránh rủi ro tham gia bảo hiểm nhưng không được bảo vệ.  

Liên quan đến vụ việc này, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Công ty MVI yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp. Ngay sau đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm. Đồng thời, nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang