Lật tẩy ‘chiêu’ thổi phồng chất lượng sản phẩm Khang Cốt Đơn, gài bẫy người dùng?

author 06:59 18/11/2020

(VietQ.vn) - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng bức xúc cho biết, việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh là hành vi bất chấp luân thường đạo lý…

Quảng cáo lừa dối, người tiêu dùng chịu thiệt?

Thực phẩm chức năng bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng những năm 2000. Chỉ sau khoảng 20 năm, hiện nay đã có gần 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, với hơn 70% sản phẩm thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường Việt Nam là do các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng trong nước sản xuất, còn hơn 20% là thực phẩm chức năng nhập khẩu. 

Thị trường thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe bùng nổ bên cạnh việc người tiêu dùng được hưởng lợi cũng bộc lộ những hạn chế. Thời gian gần đây, vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang diễn ra theo những chiều hướng phức tạp.

Trả lời báo chí, PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) bức xúc: Việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. "Đây là nỗi bức xúc không chỉ của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng", ông Phong nhấn mạnh.

Trong một diễn biến có liên quan, vừa qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam Online có ghi nhận trường hợp nổi cộm- sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khang Cốt Đơn do Công ty TNHH Kinh doanh Dược phẩm Bảo An (địa chỉ tại Tầng 9 toà nhà văn phòng Intracom, Số 33 đường Cầu Diễn, Phường Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phân phối có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khang Cốt Đơn có nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng.

Theo xác minh của phóng viên, sản phẩm Khang Cốt Đơn do Công ty cổ phần liên doanh dược mỹ phẩm Diamond Pháp (địa chỉ tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2, thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) sản xuất. Thực chất đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên, thời gian qua, trên hàng loạt website (điển hình như các website: khangcotdon.net; khangcotdon.vn; khangcotdon.infor; suckhoe24h.net.vn; v.v…) sản phẩm Khang Cốt Đơn đang được quảng cáo giống với thuốc chữa bệnh.

Khang Cốt Đơn được quảng cáo về công dụng với nhiều từ ngữ như: “đặc trị” bệnh xương khớp; Kháng viêm, giảm đau nhanh, ức chế các tác nhân phá hủy sụn khớp, phục hồi chức năng xương khớp; Hỗ trợ điều trị tận gốc căn nguyên gây bệnh nhờ vậy mà sẽ không có tình trạng tái phát; Giải pháp hỗ trợ điều trị tận gốc các bệnh xương khớp - số 1 hiện nay…”. Tuy nhiên, theo nội dung Giấy phép quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp, Khang Cốt Đơn không có những công dụng này.

Trên website khangcotdon.com, quảng cáo sản phẩm Khang Cốt Đơn "tự phong" số 1 hiện nay về giải pháp hỗ trợ điều trị tận gốc các bệnh xương khớp. 
 
Khang Cốt Đơn được thần thánh với công dụng "điều trị" các vấn đề về xương khớp.
 
Khang Cốt Đơn được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, gây hoang mang cho người dùng. 
 
 
Sử dụng hình ảnh các bác sĩ để quảng cáo cho sản phẩm Khang Cốt Đơn.

Một số website còn ngang nhiên quảng cáo sản phẩm Khang Cốt Đơn đã được “Bộ Y tế cấp phép lưu hành và đảm bảo chất lượng”. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện Bộ Y tế mới chỉ cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho sản phẩm Khang Cốt Đơn. Kết quả thực tế của sản phẩm ra sao thì cần thanh tra, hậu kiểm mới có thể kết luận. Do vậy, việc quảng cáo này là thiếu cơ sở và có dấu hiệu mạo danh cơ quan y tế.

Việc quảng cáo sản phẩm được "Bộ Y tế cấp phép lưu hành và đảm bảo chất lượng" là thiếu cơ sở và có dấu hiệu mạo danh cơ quan y tế.
 
Trên website suckhoe24h.net.vn liệt kê từng thành phần của sản phẩm- hành vi bị cấm, nhiều doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng xử phạt. 

Chưa dừng lại ở đó, các trang website điện tử còn quảng cáo sản phẩm bằng cách sử dụng hình ảnh, thư tín của bệnh nhân, hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, liệt kê từng thành phần của sản phẩm (hành vi bị cấm, rất nhiều doanh nghiệp đã bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt).

Ai chịu trách nhiệm?

Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Căn cứ những quy định trên, có thể thấy, việc quảng cáo sản phẩm Khang Cốt Đơn hiện nay đang có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng về công dụng, chất lượng thực sự của sản phẩm này.

Đối với những thông tin liên quan việc sản phẩm Khang Cốt Đơn quảng cáo có dấu hiệu sai quy định pháp luật, dư luận không khỏi thắc mắc Công ty TNHH Kinh doanh Dược phẩm Bảo An (đơn vị phân phối, công bố sản phẩm) có chịu trách nhiệm về những nội dung quảng cáo sai lệch nói trên? Trường hợp chất lượng sản phẩm Khang Cốt Đơn không đảm bảo như quảng cáo, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?

Chất lượng Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết tiếp theo!

Xử phạt công ty CP Dược Trung ương 3 sản xuất thuốc Ceteco Melocen 7,5 không đạt tiêu chuẩn(VietQ.vn) - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ra quyết định số 532 ngày 4/11/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất thuốc đối với Công ty Cổ phần Dược Trung ương 3.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang