Chất lượng sống

Ẩm thực

Những đặc sản đáng nhớ của phố núi Gia Lai

author 07:05 07/07/2016

(VietQ.vn) - Gia Lai cuốn hút du khách khắp nơi không chỉ bởi không khí tuyệt vời sơn cước mà còn bởi văn hóa ẩm thực khác lạ, đậm chất Tây Nguyên hoang dã.

Sự kiện: Đặc sản các vùng miền Việt Nam

Ai đã từng được thưởng thức cơm lam Tây nguyên hẳn khó lòng quên được hương nếp dẻo thơm đậm đà hòa quyện với muối é cay xé, nức mũi. É là lá của hạt é trong các ly chè giải khát vẫn được bày bán khắp chốn trên cả nước, có vị thơm rất dễ chịu. Lá é, ớt hiểm xanh giã cùng với muối hạt tạo ra một vị đặc trưng. Món chủ đạo gà nướng, nguyên liệu là “gà leo cây” (những con gà của người đồng bào với dáng nhỏ, ngày lân la kiếm ăn, tối phi lên cây ngủ nên thịt rất chắc, thơm). Ngoài công thức ướp gà riêng của quán, lò nướng gà khá lạ khiến khách tò mò. Bếp nướng lộ thiên là một đống than rừng rực cháy đỏ. Xung quanh đống than là những con gà đã làm sạch, ướp gia vị đầy đủ.  Gà được banh thân sao cho có tiết diện lớn nhất, được người nướng cắm từng cặp vào những thanh tre theo chiều thẳng đứng.
  
Để làm món bò một nắng này không quá cầu kỳ nhưng phải chọn được loại thịt bò ngon. Đó là loại được chăn thả tự nhiên trên các cánh đồng, thịt săn chắc.  Thịt được thái thành từng miếng to cỡ bằng bàn tay rồi tẩm ướp gia vị. Đây là khâu quan trọng quyết định đến độ ngon của thịt bò vì nếu đậm hay nhạt quá khi nướng sẽ không ngon và không bảo quản được lâu. Gia vị để ướp thịt bò gồm một chút đường, muối, bột nêm và không thể thiếu được ớt giã nhuyễn.
Bún mắm cua nổi tiếng ở Gia Lai nhưng nghe nói, lại do người Bình Định lên đây định cư sáng tạo ra. Bún được nấu từ cua đồng. Thay vì làm ngay ăn liền như bún riêu bình thường, nước lọc từ thịt cua cho món này phải được ủ khoảng một ngày đêm cho đến khi lên men, tạo mùi… khó ngửi.  Sau đó, cho thịt ba chỉ xào săn, gia vị vào, nước sôi lên thì thêm măng là xong phần nước dùng. Lúc ăn, chan bún với nước dùng, bên trên bỏ vài miếng bì heo hoặc phồng tôm giòn tan, vắt chút chanh vào cho vị dễ ăn hơn.
Người dân nơi miền đất đỏ bazan, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã tìm ra vô vàn loại cây lá lạ lùng có vị đặc biệt. Lắm khi, chẳng nơi đâu có được ngoài rừng núi ở đây. Một trong số những rau rừng được biết đến nhiều nhất suốt những năm tháng chiến tranh cho đến ngày nay khi nhắc đến Gia Lai là lá bép  Loại lá rừng kỳ lạ có vị ngọt lợ nên được người dân gọi với cái tên dân giã: lá mì chính. Nếu vội, chỉ cần hái lá bép, rửa sạch nấu nồi canh suông cùng muối, nước lã là đã có cái chan chan, húp húp ngon lành.
Khi thưởng thức món bò né ở Gia Lai, bạn sẽ có cảm giác nó giống món bò bít tết chảo gang nhưng có mùi vị đặc trưng và theo cảm nhận là ngon hơn. Bánh mỳ ở đây ngon, giòn nóng, ăn kèm rất hợp với món ăn. Quán đông nhưng nhân viên phục vụ nhiệt tình và nhanh nhẹn.
Rủ nhau lên núi ăn cá thì quả lạ tai, nhưng đúng thật, cá nơi này khác hẳn phía đồng bằng, nhất là cá chốt vùng sông Ba, sông Ayun phía Nam Gia Lai. Loài cá này thích bơi ngược dòng nên cơ thể săn chắc, cho thứ thịt dai, ngon, lại thơm. Nhưng còn nguyên vị hoang dã phải là cá chốt nướng. Không cần tẩm ướp gia vị, cứ cá tươi làm sạch đưa lên than hồng, nướng đều hai mặt, cho chín từ từ là đã đủ làm điêu đứng bao cái dạ dày.
Chẳng rõ có đúng hay không, nhưng người dân Tây Nguyên vào rừng nếu gặp tổ kiến này sẽ lấy cả tổ xuống, bắt cả kiến to lẫn trứng kiến. Họ rang chúng với muối hạt và ớt rừng. Khi muối đã khô nỏ, kiến đã chín thơm, họ đổ vào cối giã. Muối rang bị giã thành muối bột, kiến rang giã nhỏ, những bọng kiến vỡ ra trộn với muối và ớt quánh lại thành từng hạt nhỏ. Những bọng kiến không vỡ vẫn nằm nguyên tròn vo.
Dân sành ăn Sài Gòn không mấy ai không biết món “phở hai tô”. Đây chính là tên gọi khác của phở khô, xuất xứ từ Gia Lai. Đã từng là một trong 10 món ăn xác lập kỷ lục châu Á, phở khô như một nét duyên dáng xứ núi góp phần vào ẩm thực Việt.  Gọi là phở nhưng bánh phở của món này thật khác biệt, không to bản và dễ bở mà giống sợi hủ tiếu dai mềm hơn. Thay vì phục vụ chung nước và cái, phở khô đặc biệt bởi cách chia riêng phần nước dùng và sợi phở thành hai tô.
  
Người ta khẽ cuốn nhẹ những chiếc lá thành hình chiếc phễu. Gắp thêm miếng xoài xanh cắt nhỏ, lát ớt, tép tỏi rồi gắp miếng thịt lợn ba chỉ thái nhỏ, cùng con tép nhỏ. Khi tất cả đã đủ mới dùng chiếc thìa nhỏ múc thứ nước xốt sền sệt vào rồi thêm hạt tiêu tươi. Thứ nước xốt đó được chế biến từ lòng cá, trứng cá xay nhuyễn, rồi chưng lên với gia vị, mắm muối. Đây là thứ quyết định để dẫn tất cả các loại lá rừng kia thành một món ăn “Gỏi lá rừng”.
Với khí hậu hơi se se lạnh của Pleiku thì chẳng có món lai rai nào phù hợp hơn là lụi nướng. Lụi nướng thường có 2 loại là lụi bánh tráng và lụi thịt nướng. Lụi bánh tráng thì được làm từ thịt xay, bún khô sau đó được cuốn vào lớp bánh tráng mỏng rồi nướng lên. Ăn lụi bánh tráng thấy độ giòn, thơm đặc trưng, món này thường được ăn kèm với tương me chua ngọt đi kèm với chút xíu ớt. Còn lụi thịt nướng thì được làm từ thịt heo hoặc thịt bò, được dùng kèm với tương đậu hay tương me, tùy người ăn.
“Tiếng lành đồn xa”, cá sông Sê San đã đến với nhiều vùng miền khác. Nếu tìm trên google với những cụm từ “đặc sản Gia Lai” hay “những món ngon của Gia Lai” chắc chắn sẽ có phần nhắc đến món cá lăng đặc sản sông Sê San. Bởi vậy, hiện nay, hễ đến nhà hàng to, nhỏ trên địa bàn TP. Pleiku hỏi món cá lăng, có lẽ khó có nhà hàng nào nói không với thực khách. Khách phương xa, ai từng được thưởng thức món cá lăng hẳn sẽ chẳng dễ quên bởi hương vị thơm ngon đặc trưng của loài cá ưa ngược sông, ngược thác ghềnh ấy. Cá lăng qua đôi bàn tay tài hoa của những người đầu bếp nhà hàng có thể được nấu với măng hoặc dưa cải muối chua, nấu lẩu, nấu canh khổ qua hay đơn giản là nướng chấm muối ớt, làm chả cá, bóp gỏi…

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

bình luận ()

Bình luận

tin liên quan

video hot

Về đầu trang