Chất lượng sống

Ẩm thực

Những đặc sản nổi tiếng của miền quê lúa Thái Bình

author 14:28 22/07/2016

(VietQ.vn) - Thái Bình không chỉ thu hút du khách bởi các lễ hội truyền thống hay những điểm tham quan du lịch hấp dẫn mà còn nhờ văn hóa ẩm thực phong phú.

Sự kiện: Đặc sản các vùng miền Việt Nam

Với người dân ở hai xã Canh Nậu, Dị Nậu – Thạch Thất – Hà Nội, thịt chuột là món khoái khẩu như chó, gà, vịt… Bữa cỗ ngon sẽ thêm sang nếu có thêm món chuột đồng. Nhiều người dân nơi đây nói đùa: “Đám cưới không có thịt chuột chưa phải là to”.
Nộm sứa từ lâu đã trở thành món ăn dân dã và giàu giá trị dinh dưỡng. Mỗi vùng quê lại tạo ra được hương vị riêng vốn có và nộm sứa Thái Thụy – Thái Bình chắc chắn sẽ khiến ai đã từng thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên. Vì vậy mà người dân Thái Thụy từng có câu: “Tới Thái Thụy mà chưa thưởng thức nộm sứa coi như chưa về”. Vì vậy đừng quên thưởng thức món ăn này khi đến Thái Bình.
Bánh cáy - đặc sản Thái Bình - ăn vào thấy dẻo thơm quyện nếp, lại có hương gừng ấm, vị ngọt của đường mía, mạch nha, thỉnh thoảng chộn rộn chút bỏng nếp hoa vàng hay mỡ lợn khẩu muối đường giòn trong…  Bánh cáy là thức quà ngon có thể để dành lâu thật lâu. Nhằm buổi chiều chiều cắt bánh cáy thành từng miếng mỏng, pha ấm trà thơm rồi ngồi nhâm nhi cùng bạn hữu, gia đình sẽ cảm nhận hết cái ngon và độc đáo của món quý tiến vua.
Đặc biệt từ cái tên gọi, canh cá Quỳnh Côi là món ăn không thể không nhắc đến hay nếm thử khi qua “quê hương của chị Hai 5 tấn”. Gọi canh cá nhưng đây lại là món ăn như bún, phở chứ không phải món kèm cơm. Món ăn nhìn tưởng đơn giản mà khá tốn công với nhiều bước đòi hỏi sự khéo léo của đầu bếp.  Cá được làm sạch, lóc xương, thái miếng dày vừa ăn, ướp ngấm gia vị rồi đem nướng chín tới. Tiếp đến, lại chiên cá đã nướng cho đến khi vàng ruộm. Còn phần cá gần vây được băm nhuyễn với hành khô, tiêu, ớt thật kỹ rồi nặn thành viên đem chiên vàng giòn. Đầu, xương sống cá không bỏ đi mà đem ninh làm nước dùng.
Làng Thanh Hương, xã Đồng Thanh có loại cốm nổi tiếng khắp xa gần. Khi xưa, người ta làm cốm như kết tinh của công sức lao động con cháu thắp hương tiên tổ. Sau này, cốm Thanh Hương dần nổi tiếng, dân làm để bán cho khách khắp nơi, quảng bá một món đặc sản quê lúa.  Cũng như làng cốm khác, người làm cốm nơi đây chọn nhặt từ lúa nếp không non quá mà cũng không già quá, qua quá trình gặt, tuốt, sàng sẩy, giã… cho ra từng hạt cốm nõn nà, trăm hạt như một. Ngay màu xanh mát của cốm cũng từ thiên nhiên xung quanh. Nước cốt lá nếp, lá lúa, lá gừng hoặc lá cau cho ra màu tươi đẹp mà tuyệt đối an toàn.
Nhệch là tên một loại cá có hình dáng tương tự như lươn. Người ta cũng dùng tro để làm sạch nhớt trên mình nó rồi mới làm thành món ăn như kho, nấu canh chua, om... Đặc biệt là gỏi nhệch.  Sau khi sơ chế, cá được cắt lát mỏng, trộn thính. Phần da cũng cắt thành miếng chiên giòn. Còn xương cá được giã nhuyễn, nấu thành thứ nước chấm có tên đặc biệt không kém tên cá - chẻo. Chẻo nấu xong, pha với gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, sả băm nhỏ. Gỏi nhệch ăn kèm rau chanh, lá sung, rau húng, tía tô. Cứ cầm lá sung gắp miếng gỏi, cho thêm tí da, cuốn lại chặt tay rồi chấm vào chẻo là đủ thấy món ăn dân giã đến độ nào. Vị bùi bùi của lá sung cùng với thịt cá ngon, béo béo da, thơm lừng thính từ gạo rang, quyện đậm đà với chẻo cay cay nồng nồng khiến gỏi nhệch ngày càng được ưa chuộng.
Nhắc đến Thái Bình, chúng ta không thể quên một loại trái cây vô cùng hấp dẫn và có rất ít hạt mang tên ổi bo. Với hương vị ngon, ngọt, giòn, mát, chua chát dịu nhẹ làm nên loại ổi có một không hai này. Thưởng thức một miếng ổi bo mà nhớ cả đời. Tuy nhiên ổi bo hiện nay đang bị thu hẹp dần diện tích nên để thưởng thức loại trái cây này không phải ai cũng có cơ may.
Ở Thái Bình, mùa cá khoai bắt đầu từ tháng 9 cho đến tháng 2 âm lịch, đặc biệt là vào những ngày trời nhiều sương mù là thời điểm có nhiều cá khoai nhất. Cá khoai có nhiều nhất ở vùng cửa biển Thái Thụy và Tiền Hải. Cá khoai có thể chế biến thành nhiều món ăn đơn giản mà lại bổ dưỡng và hấp dẫn như cháo cá khoai, lẩu cá khoai,... nhưng có lẽ canh cá khoai lại là món ăn khoái khẩu hấp dẫn hơn cả bởi vị ngọt thanh, thơm mát.  Cá khoai mua về phải rửa sạch bằng nước muối pha loãng, cắt bỏ đầu, bỏ ruột nhưng nhớ giữ lại dạ dày vì dạ dày cá khoai ăn rất giòn, béo ngậy.
Đến Thái Bình đừng quên thưởng thức canh cá Quỳnh Côi bởi cũng làm từ những nguyên liệu đơn giản nhưng món canh cá ở đây tạo được hương vị riêng độc đáo, cuốn hút. Điểm khác biệt ở đây là việc sử dụng bánh đa thay cho bún như nhiều món canh cá khác và có lẽ vì thế mà canh cá Quỳnh Côi thu hút mọi người, khiến ai đã ăn một lần đều nhớ mãi.
Bún bung còn có tên gọi khác là bún hoa chuối. Bún bung thường được làm từ các nguyên liệu: chân giò, mọc, mùng, lá xương sông,... và tất nhiên không thể thiếu được hoa chuối. Vị chát của hoa chuối, vị thơm của lá xương sông, vị béo ngậy của thịt hòa quyện với hương vị của nhiều loại rau sống sẽ cho ta những hương vị tuyệt vời.
Bánh giò không còn xa lạ với nhiều người nhưng Bến Hiệp được coi là thứ bánh giò cực ngon và cực hấp dẫn khiến nhiều người ăn một lần rồi nhớ mãi. Đặc biệt loại bánh giò này bạn có ăn nhiều cũng không cảm thấy ngán, có thể ăn thay cơm, ăn lót dạ, ăn đổi bữa được,...  Hiện nay với mẫu mã đẹp mắt, chất lượng tuyệt vời nên bánh giò Bến Hiệp hiện đang khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Bánh nghệ Thái Bình được làm từ gạo tẻ nên ăn không ngán và không lo sợ béo phì hay tăng cân. Với màu vàng nghệ đẹp mắt, thơm bùi lại được kết hợp với nghệ nên rất giàu giá trị và tốt cho sức khỏe.  Bánh nghệ ăn ngon nhất khi còn nóng, nếu nguội hương vị sẽ không được hấp dẫn.
Làng Đại Đồng - xã Tân Hòa - huyện Vũ Thư có thể được coi là quê hương của những món ăn dân dã, nhưng không kém phần độc đáo như bún ốc, bánh dẻo, bánh ú, bánh tráng, riêng bánh gai đã trở thành đặc sản.  Bánh gai nơi đây đã có trên dưới 400 năm. Trước kia, chưa hẳn bánh gai Đại Đồng đã là một loại hàng hóa như bây giờ, người dân miền quê này làm bánh chỉ vào dịp Tết. Trước hết là thờ cúng tổ tiên, sau mới thưởng thức trong ngày xuân hoặc dùng làm quà thăm thú bạn bè nơi xa.Chất liệu tạo thành bánh gai chẳng có gì cao xa, khó kiếm, toàn sản phẩm đồng quê đâu đâu cũng sẵn như lá cây gai, gạo nếp, vừng, lạc, đậu xanh, bí đao, cùi dừa, đường, thịt lợn...
Nem chạo hay còn gọi là nem sống – món ăn không thể thiếu trong các mâm cỗ ngày cưới, ngày lễ tại làng Vị Thủy, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Nem được làm từ thịt sống, nên chỉ những người có kinh nghiệm chế biến thì khi ăn mới không bị đau bụng.  Nét độc đáo của món nem ở đây là thịt lợn xẻ ra còn nóng hổi, không đem rửa lại với nước mà băm nhuyễn luôn khoảng 1h thì phần xương, thịt lợn, tủy hòa vào nhau tạo nên độ dẻo, dính. Phần bì lợn được cạo sạch lông, luộc chín, thái mỏng. Sau đó các nguyên liệu được trộn với nhau cùng với tỏi, ớt, nước mắm, mì chính và thính gạo rang.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

bình luận ()

Bình luận

tin liên quan

video hot

Về đầu trang