Chất lượng sống

Ẩm thực

Những sản vật thân thương của xứ dừa Bến Tre

author 10:38 30/06/2016

(VietQ.vn) - Nếu ai đã một lần về thăm mảnh đất Bến Tre thì sẽ nhớ mãi mùi vị tuyệt vời trong từng món ăn đặc sản.

Sự kiện: Đặc sản các vùng miền Việt Nam

Bến Tre là miền sông nước có rất nhiều cá bống dừa tự nhiên. Thịt cá bống dừa có thớ thịt mịn, dai, vị ngọt, ít xương, ít mỡ, không có mùi tanh hoặc mùi hôi cỏ, hôi bùn như nhiều loại cá khác. Cá bống dừa đem chà sạch vảy, kho bằng nước màu dừa. Khi cá vừa thấm gia vị, vắt nước cốt dừa cho săm sấp, để lửa riu riu. Nước cốt dừa sắc xuống, thấm vào cá thơm lựng. Sau khi nấu chín thì phần thịt và xương tách rời nhau dễ dàng nên khi ăn ít khi bị hóc xương.
Món ăn vô cùng đặc trưng của xứ dừa này không những là món khoái khẩu của các cô cậu thích ăn vặt mà còn là nỗi nhớ nhung của những người xa quê. Chuối đập khá khó tìm, thường chỉ bán ở những hàng gánh rong ngoài lề đường. Chuối được lựa chọn phải là chuối xiêm vỏ còn xanh vừa chuyển vàng, người miền Tây hay gọi là “chín hường hường”. Nếu lựa chuối chín quá thì nướng lên bị nhão, không ngon.
Đuông là một loại sâu trong thân cây dừa, thân tròn. Người ta có thể chế biến con đuông thành nhiều cách khác nhau, như: nướng, chiên, hấp lá chanh,… nhưng “đuông tắm mắm” lại được xem là món ăn phổ biến và ngon nhất vì theo người dân miền Tây, đuông được ăn khi còn sống sẽ giữ nguyên được hương vị béo, ngọt, thơm, thịt dai. Thực khách sẽ được tận hưởng trọn vẹn mùi vị của món “đuông tắm mắm” này, nếu đủ can đảm ăn con đuông trong tình trạng mập mạp, trắng nõn nà, đang ngọ nguậy thân mình trong chén nước mắm ớt hấp dẫn.
Bánh xèo không còn là món xa lạ với người Nam Bộ nhưng bánh xèo ốc gạo lại là món đặc sản của cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách - Bến Tre). Cồn này là một trong những nơi hiếm hoi ở miền Tây có số lượng sinh sản của ốc gạo đông đảo nhất. Hàng năm, ốc gạo sinh sôi nhiều nhất vào tháng 4-5 âm lịch, nhưng con ốc gạo đạt đỉnh điểm về số lượng phải vào Tết Đoan Ngọ.
Cua đồng sinh sống khá nhiều trên các đồng ruộng Bến Tre. Sau khi rửa sạch bùn đất, bỏ mai thì đem giã nhuyễn, lọc lấy tinh chất, bỏ phần xác. Phần tinh chất này đun cùng nước cốt dừa tới khi thấy nổi váng đông thì hớt bỏ. Sau đó thêm sả, vài lát ớt, nêm nếm gia vị cho đậm đà rồi kho trong lửa nhỏ. Món này có mùi thơm của sả quyện cùng vị béo nước dừa, ngọt thanh trong từng miếng cua. Bạn nên ăn cùng cơm nóng để cảm nhận rõ nhất hương vị.
Chuột dừa có hình dạng giống như chuột đồng, nhưng có bộ răng sắc nhọn hơn, chuyên phá hoại cây dừa. Chúng ăn, hút chất ngọt từ tất cả các trái dừa tươi, khô. Thịt chuột dừa được chuộng hơn chuột đồng, bởi thơm như thịt gà, lại phảng phất độ béo, độ thơm sạch của nước dừa. Chuột được chế biến thành nhiều món: nướng, hấp, nấu cà ri. Thịt chuột dừa trắng phau và có một mùi thơm đặc biệt, nếu bạn được một lần ghé thăm mảnh đất Bến Tre thì đừng quên thưởng thức món ăn độc đáo, mang đậm hương vị đặc trưng của xứ dừa này nhé.
Ốc xào nước cốt dừa có thể dùng ốc len, ốc bươu , ốc hút,… có hương vị rất độc đáo.Vị béo của dừa kết hợp với vị thanh ngọt của ốc làm cho món ăn càng thêm hấp dẫn. Để chế biến món này, khâu ướp gia vị cực kỳ quan trọng, phải đảm bảo có đủ các loại gia vị như: ớt, sả, tỏi, muối, đường, nước mắm để tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn. Ăn xong con ốc phải thưởng thức qua nước sốt trong đĩa, vị vừa béo, vừa ngọt, vừa thơm, vừa chua cay, đậm đà, tạo thành một thứ hương vị không lẫn vào đâu được.
Mỹ Lồng, Bến Tre trứ danh nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với loại bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, vừa đặt lên lò than đã tỏa hương thơm lừng. Bánh tráng nướng trên bếp than cho vừa chín hai mặt, dậy mùi của dừa quyện với bột, lấy ra ăn nóng là ngon nhất. Giòn giòn như bất cứ loại bánh tráng nào nhưng dừa đem lại cho nó vị thơm ngọt không bánh tráng ở đâu sánh bằng.
Bánh phồng là niềm tự hào của người dân Sơn Đốc, Bến Tre. Mùi hương gạo nếp, hương dừa phảng phất trong từng chiếc bánh phồng nhỏ nhắn luôn khiến những người xa quê nhớ hoài. Bánh phồng ở đây còn có tên gọi dân gian là bánh phồng chuồi. Miếng bánh nhỏ nhưng dày hơn nơi khác, khi nướng sẽ phồng to. Nướng bánh tráng lẫn bánh phồng ngon nhất là trên ngọn lửa rơm hoặc lửa than. Người Nam Bộ thường chẻ một đoạn sống lá dừa xòe ra như nan quạt để nướng bánh. Người nướng phải nhanh tay lăn trở để bánh nóng chín và giòn đều.
Miền Tây là xứ sở của bánh canh bột xắt, những vùng khác còn gọi là bánh canh bột gạo. Tựu chung, nguyên liệu chính của món bánh canh này là bột gạo, tùy vào cách chế biến mà có tên gọi khác nhau. Để làm bánh canh bột xắt, người nấu phải cán bột ra thớt rồi xắt từng thanh mỏng bỏ vào nồi nên có tên gọi là bánh canh bột xắt.
Về xứ ruộng mà không ăn cua đồng thì coi như chưa về ruộng. Vùng đồng bằng sông Cửu Long ruộng lúa bao la, cua đồng là sản vật thiên nhiên ban tặng cho người dân miệt ruộng. Cháo cua đồng phải nấu trong nồi đất mới bài bản, theo như cách của lưu dân phương Nam từ xưa tới đây đã biết cách dùng nồi đất nấu nướng để giữ nguyên hương vị của món ăn.
Món cơm dừa ngày nay hiếm có người nấu vì món ăn này rất cầu kỳ và tốn thời gian. Nếu muốn ăn, Quý khách phải đặt trước (với số lượng đủ theo yêu cầu) hoặc ngỏ ý với chủ nhà trước mới được. Để làm cơm dừa, người ta dùng gạo ngon và phải vo sạch bằng nước dừa, để cho ráo rồi cho vào trái dừa đem chưng cách thủy. Trái dừa dùng nấu cơm phải là dừa xiêm. Chọn trái dừa ngon, người ta để nguyên trái mà không động chạm gì đến phần bên trong quả dừa, chỉ gọt cho quả dừa có hình dáng bắt mắt. Sau đó, họ cắt ngang một phần trên quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy ''nồi cơm dừa''. Tiếp theo là cho gạo vào trái dừa, sau đó đổ nước dừa tươi vào vừa đủ rồi đậy nắp lại.
Củ hũ dừa được xem là “trái tim” của dừa. Củ hũ dừa là phần non nhất trên đọt cây dừa. Nó ngọt, mát dịu, là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe. Từ rất xa xưa, người Nam Bộ đã biết tận dụng củ hũ dừa để đưa vào chế biến các món ăn trong bữa cơm hằng ngày. Họ đã lột vỏ ngoài để lấy phần ngon lành nhất này để chế biến nhiều món ăn ngon hấp dẫn như củ hũ dừa xào lòng gà, củ hũ dừa chiên bánh xèo, củ hũ dừa xào tôm, củ hũ dừa bóp xổi, củ hũ dừa nấu tôm thịt, gỏi củ hũ dừa, canh củ hũ dừa nấu thịt viên, củ hũ dừa làm chua, hoặc có khi chỉ cần rửa sạch, thái mỏng rồi ăn sống.
Miền Tây là xứ của các món cuốn. Bì cuốn cũng là tinh túy nằm một trong số đó. Món ngon vặt miền Tây này được chính xứ sở sản sinh ra nó đưa lên hàng đặc sản. Ngoài những thành phần phụ trợ cơ bản như rau, bún, thì bì cuốn không có thịt với tôm mà cuốn bằng “bì” – hỗn hợp của thịt ba rọi với da heo cắt nhỏ.
Nếu đến Bến Tre mà chưa thưởng thức món lẩu cháo cua đồng thì quả là chuyến đi mất đi một phần “hương vị”. Chỉ mới nghe qua thôi đã thấy thèm vì món lẩu này nằm trong danh sách các món lẩu trứ danh của miền Tây Nam Bộ. Để nấu lẩu cua đồng, người nấu cũng phải bỏ công ra nhiều không kém gì các món lẩu khác. Cua đồng rửa sạch, tách mai và yếm bỏ. Gạch cua lấy từ yếm ra, trộn với một số gia vị, để riêng. Phần còn lại của cua xay nhuyễn, hòa nước lạnh, quậy đều, lược lấy nước cốt.
Để làm món thịt gà nấu canh lá cách cần chuẩn bị gà, lá cách và sả ớt. Gà phải chọn gà ta đem về làm sạch, để ráo. Chặt gà thành những miếng ăn và ướp gia vị gồm muối, đường, bột ngọt, sả, ớt bằm. Để thịt gà khoảng 15 phút cho thấm gia vị. Bắc chảo lên bếp, đổ một ít dầu vào để phi tỏi, nghe dậy mùi thơm thì cho thịt gà vào, dùng đũa trở đều, xào cho săn lại. Cho thịt gà (đã xào) vào nồi cùng với nước lã nấu sôi đến khi thịt gà chín hẳn. Nêm nếm cho vừa khẩu vị.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

bình luận ()

Bình luận

tin liên quan

video hot

Về đầu trang