Vì sao tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ không vượt quá mức 12,4%?

author 17:55 19/04/2016

(VietQ.vn) - Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân dự báo, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 chắc chắn sẽ thấp hơn con số 12,4% của năm 2016.

Trao đổi với báo Vietnamplus ngày 19/4, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân dự báo: “Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 chắc chắn sẽ thấp hơn năm 2016.” Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đang tiến hành chuẩn bị cho các phiên thương lượng tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.

Theo dự báo, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 sẽ không vượt quá con số 12,4% của năm 2016

Theo dự báo, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 sẽ không vượt quá con số 12,4% của năm 2016

Năm nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đang tính toán các phương án tăng lương nhưng sẽ lắng nghe các doanh nghiệp báo cáo về tác động chính sách tiền lương, bảo hiểm đến doanh nghiệp như thế nào. Đặc biệt, năm nay bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia phải chuẩn bị nhiều phương án và quan trọng nhất là phân tích cơ sở các phương án đưa ra.

“Mọi năm đại diện các bên xây dựng phương án gửi lên cho thành viên hội đồng đưa ra thảo luận nhưng năm nay, bộ phận kỹ thuật sẽ phân tích phương án của các bên để thấy yếu tố hợp lý của các bên để lựa chọn tư vấn. Năm nay phải chuẩn bị kỹ hơn, tôi mong muốn huy động thêm các nhà quản lý, các nhà khoa học nhìn ở góc độ khác nhau để cân nhắc lựa chọn phương án có cơ sở hơn,” Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng lưu ý, tăng lương tối thiểu là “bài toán lớn” với doanh nghiệp khi áp lực cạnh tranh lớn ngày càng lớn. Hiện nay, so với trong khu vực thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có năng suất lao động thấp, nếu chi phí cho người lao động quá lớn doanh nghiệp sẽ không còn năng lực để đổi mới công nghệ, đưa thiết bị vào tăng năng suất lao động.

Đây là thách thức rất lớn của quá trình tưng lương tối thiểu. Do đó, Thứ trưởng Phạm Minh Huân dự báo mức tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ thấp hơn mức hơn 12,4% của năm 2016.

Lý do cho mức tăng lương tối thiểu thấp hơn 12,4% là nhằm giảm áp lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn

Lý do cho mức tăng lương tối thiểu thấp hơn 12,4% là nhằm giảm áp lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn

Trước đó, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn gửi tới các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và các Tổng công ty về việc tăng cường giám sát việc thực hiện việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016, báo Zing News đưa tin.

Theo đó, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động, nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động... Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định.

Đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện chủ sở hữu lao động cho biết cũng đang dự định khảo sát trong tháng 4 để chuẩn bị cho đối thoại tăng lương 2017. Trước đó, cuối năm 2015, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2016 đã phải trải qua rất nhiều cuộc họp bàn với nhiều ý kiến trái chiều giữa Tổng liên đoàn Lao động và VCCI. Theo đó, mức đề xuất tăng lương tối thiểu VCCI đưa ra thường thấp hơn nhiều với bên đại diện lao động.

Trong khi đó, một số chuyên gia về lao động lại không ủng hộ ý kiến của Thứ trưởng Phạm Minh Huân và lập luận rằng, chỉ khi mức lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động mới có thể tính tới chuyện tăng suất suất lao động. Cuối cùng, mức tăng lương tối thiểu 2016 chốt ở 12,4% so với năm 2015.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mức tăng lương tối thiểu 2017 như vậy là không hợp lý

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mức tăng lương tối thiểu 2017 như vậy là không hợp lý

Như vậy, đầu năm 2016, ngoài thực hiện tăng lương tối thiểu, các đơn vị doanh nghiệp phải điều chỉnh cả thay đổi quy định về việc đóng BHXH. Có thể thấy, việc thực hiện kép hai điều chỉnh này làm tăng sức ép cho doanh nghiệp khi cùng lúc phải gia tăng chi phí vận hành, sản xuất. Song theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc điều chỉnh là phù hợp với thực tế bởi có thể bù đắp sự trượt giá của đồng tiền, phù hợp với tỷ lệ tăng năng suất lao động và bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động.

Được biết từ ngày 1/1/2016, mức lương tối thiểu vùng 2016 (Nghị định số 122/2015/NĐ-CP) và BHXH bắt buộc theo Luật BHXH (số 58/2014/QH13)chính thức được áp dụng.

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng 2016 là:

- Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng;

- Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng;

- Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng;

- Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng.

Mức đóng BHXH xã hội bắt buộc như sau:

- Người lao động đóng BHXH bằng 8% tiền lương tháng (đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất).

- Người sử dụng lao động đóng bằng 18% tiền lương tháng (14% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản).

- Tổng tỷ lệ đóng BHXH là 26% tiền lương tháng.

>> Lùng bắt cá sấu 70kg ‘làm loạn’ sông Soài Rạp: Đã bác phương án dùng súng

Vân Anh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang