Từng bị phạt vì bán hàng không rõ nguồn gốc, hệ thống siêu thị vẫn ‘chứng nào tật nấy’?

author 06:35 27/09/2020

(VietQ.vn) - Từng bị cơ quan chức năng xử phạt và thu giữ hàng loạt sản phẩm vì vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc nhưng hiện tại không ít hệ thống siêu thị vẫn “chứng nào tật nấy”?

Cụ thể, hồi tháng 6/2019, Cục QLTT TP.Hà Nội có văn bản số 612/QLTT-KT-PHLN về việc xác minh theo phản ánh của báo chí về thông tin chuỗi siêu thị bán hàng không rõ nguồn gốc. 

Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành số 01 của Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 3 cơ sở trên địa bàn quận Thanh Xuân (2 cơ sở), Hoàn Kiếm (1 cơ sở). Đoàn kiểm tra liên ngành đã xử phạt hành chính 03 cơ sở này tổng số tiền 20 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Đồng thời tịch thu hàng hóa vi phạm của cả 03 cơ sở trên gồm 357 sản phẩm kẹo dẻo Motts, 420 sản phẩm bánh pía Flowing Yolk, 104 sản phẩm hộp kem Snail Moisture Cover hand cream 80ml tổng trị giá hàng vi phạm là 28,455 triệu đồng.

Ảnh minh họa. 

Trước đó, ngày 11/09/2018, Đội QLTT số 03 – Cục QLTT TP Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại Ba Đình, Hà Nội và xử xử phạt hành chính 8 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Đồng thời, tịch thu 14 hộp trà sâm Hàn Quốc nhãn hiệu Korean Ginseng tea và 32 gói bột hoa quả nghiền ăn dặm cho trẻ em nhãn hiệu Fructo với tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 8,6 triệu đồng.

Phần lớn các sản phẩm bán tại cơ sở này không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. 

 

Trước đó, như Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) phản ánh, sau khi tiếp nhận thông tin từ người tiêu dùng về việc một số hệ thống siêu thị bán hàng không rõ nguồn gốc, PV đã ghi nhận thực tế tại 2 cơ sở bán hàng của hệ thống siêu thị này ở địa chỉ Ba Đình và Nam Từ Liêm – Hà Nội, phát hiện phần lớn các sản phẩm “xách tay” được bày bán tại đây trên bao bì không có nhãn phụ tiếng Việt để người mua hàng có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, thành phầm và cách sử dụng.

Chưa kể, ở đây còn bán nhiều loại thực phẩm không có nhãn mác. Đơn cử như sản phẩm được nhân viên giới thiệu là thịt bò khô không có nhãn mác, không có thông tin trọng lượng bao nhiêu kg, hạn sử dụng và sản xuất ở đâu. Cùng với đó, nhân viên còn tư vấn sử dụng thực phẩm chức năng không nhất quán, không xuất hóa đơn VAT với đơn hàng trên 200.000 đồng khi khách hàng yêu cầu theo quy định.

PV đã liên hệ với Cục QLTT TP Hà Nội tiếp tục thông tin về sự việc, đại diện của Cục cho biết chiều 24/9/2020 cơ quan này đang tiến hành kiểm tra sản phẩm, bước đầu đã có kết quả. Tuy nhiên, do hệ thống siêu thị trên có nhiều cơ sở nên chưa kiểm tra hết hàng hóa tại toàn bộ cơ sở, do đó chưa có thông tin chính thức. Cục QLTT TP Hà Nội sẽ thông tin sớm nhất về vụ việc để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Cũng theo tìm hiểu, năm 2019 hệ thống siêu thị này chỉ có 4 cơ sở nhưng đến nay, hệ thống kinh doanh của thương hiệu này đã có tới 7 cơ sở phân bố ở hầu khắp địa bàn Hà Nội. Câu hỏi đặt ra, liệu các sản phẩm dành cho trẻ em, các loại thực phẩm chức năng, đồ ăn như bò khô cháy tỏi… không rõ nguồn gốc được bán tại hệ thống này có đảm bảo chất lượng và không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng?

Chất lượng Việt Nam online sẽ tiếp tục thông tin!

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang