(VietQ.vn) - Để có được góc nhìn mới mẻ, khách quan về công tác xúc tiến thương mại, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.

 

Hoạt động xúc tiến thương mại được đánh giá như “bà mối” góp phần tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bà nhìn nhận như thế nào về đóng góp của ngành Công Thương nói chung và hoạt động xúc tiến thương mại nói riêng trong thời gian qua, đặc biệt trong thời gian hơn 2 năm Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19?

Trong hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn tới công tác xúc tiến thương mại, nhiều hoạt động giao thương như hội chợ, triển lãm trực tiếp trong và ngoài nước... bị gián đoạn do dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ tích cực, tôi cho rằng, các cơ quan xúc tiến thương mại từ trung ương đến địa phương, từ các đơn vị Công và Tư đã rất nỗ lực để thích ứng và linh hoạt trong bối cảnh dịch Covid-19.

Về một số điểm sáng trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tiên phải kể đến sự đổi mới, đa dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại. Nếu như trước đây, công tác xúc tiến thương mại vẫn thường chỉ làm theo phương thức truyền thống thông qua việc tổ chức các hội chợ, hội nghị, triển lãm… thì hiện đã được triển khai đa dạng, kết hợp linh hoạt trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số dưới dạng số hóa. Đây là một yếu tố rất quan trọng giúp cho hoạt động xúc tiến thương mại không bị gián đoạn. Doanh nghiệp tìm được những thị trường mới, đối tác mới để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh.

 

Thứ hai, công tác xúc tiến thương mại đã được đẩy mạnh ở thị trường mà Việt Nam đã ký kết các FTA. Do đó, các doanh nghiệp có thông tin nhiều chiều hơn, mở rộng phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ nông sản, thực phẩm đã qua chế biến đến các mặt hàng cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giày, logistics… Điều này giúp doanh nghiệp vừa duy trì và phát huy được các thị trường chủ lực, đồng thời mở ra được những thị trường mới.

Thứ ba, đặc điểm tiêu thụ nông sản của Việt Nam chủ yếu là mặt hàng tươi, các mặt hàng qua chế biến vẫn còn hạn chế. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, việc tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn và có tính mùa vụ cao được quan tâm tháo gỡ.

 

Ngoài ra, theo Công ty Tư vấn Chiến lược và Định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới Brand Finance, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới không duy trì được giá trị thương hiệu quốc gia, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí thứ 33/100 Top giá trị thương hiệu mạnh. Giá trị thương hiệu năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020.

 

Dù đây chỉ là đánh giá của tổ chức độc lập và có thể chưa bao hàm toàn diện hết các vấn đề, tuy nhiên, kết quả trên cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng quảng bá, thương hiệu và nòng cốt là Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Đó chính là một phần công sức của những người đã và đang làm hoạt động xúc tiến thương mại.

Hiện, dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, Việt Nam đang trong giai đoạn bình thường mới với những tín hiệu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, vậy bài toán đặt ra hiện nay đối với công tác xúc tiến thương mại là gì, thưa bà?

Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp mong muốn các cơ quan nhà nước có thể đồng hành và đánh giá được những xu hướng mới hình thành sau đại dịch do thói quen tiêu dùng, các chuỗi cung ứng và nhu cầu đơn hàng thay đổi. Trong đó, những thay đổi về mặt hành vi bao gồm việc người tiêu dùng sử dụng nền tảng số đã tăng vọt. Tất cả những sự chuyển dịch đòi hỏi phải đánh giá lại thị trường, có như vậy công tác xúc tiến thương mại mới đạt được hiệu quả.

Thứ hai, bên cạnh việc duy trì các thị trường truyền thống, chúng ta cần đánh giá các thị trường ngách, bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch sẽ tạo ra cả thách thức và cơ hội.

 

Cơ hội ở đây là gì? Đó có thể là các thị trường rất ngách, là những thị trường rất tiềm năng mà chúng ta chưa biết rõ. Do đó, doanh nghiệp mong muốn công tác xúc tiến thương mại cần có sự phối hợp chặt chẽ ở cả khối Công và khối Tư để tìm xem đâu thực sự là lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam.

Với công tác xúc tiến thương mại, câu chuyện của nền tảng số giải quyết được rất nhiều bài toán trong bối cảnh dịch Covid-19 như thời gian, sự linh hoạt, tốc độ… nhưng có những ngành hàng vẫn cần hoạt động xúc tiến dưới dạng hình thức truyền thống như hội chợ, triển lãm thương mại chuyên đề... tuy nhiên doanh nghiệp cho rằng phải đổi mới ngay trong chính những hình thức đã hết sức quen thuộc này.

 

Điển hình như ngành chế biến gỗ, hiện một số doanh nghiệp tự tin cho biết họ có thể là người dẫn dắt chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, ngoài việc doanh nghiệp nỗ lực thể hiện năng lực của mình với đối tác thì đây phải là bài toán của quốc gia. Ngành chế biến gỗ cần những khu triển lãm theo chuyên đề đặc biệt lớn, để có thể trưng bày không chỉ sản phẩm mà còn là nơi thể hiện được năng lực trong nhiều khâu khác nhau, minh chứng cho khả năng đáp ứng của ngành gỗ Việt trong nhiều khâu quan trọng của chuỗi.

Tương tự, đối với ngành dệt may - da giày, chúng ta phải nhìn ở góc độ công nghiệp thời trang và cần những khu triển lãm chuyên nghiệp để tiếp cận theo tư duy này, có như vậy, tiếng nói và sức mạnh trong việc trao đổi, đàm phán, xúc tiến thương mại sẽ khác với việc từng ngành dệt may hay da giày đi chào hàng riêng.

 

Năm 2022, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ phục hồi, nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Đây là cơ hội cho sản xuất và xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng. Để tận dụng tốt cơ hội này, hoạt động xúc tiến thương mại cần tiếp tục được đổi mới như thế nào, nhất là đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động này, thưa bà?

Trước khi trả lời câu hỏi này tôi xin chia sẻ một câu chuyện thực tế. Có một tham tán thương mại gọi về cho tôi và cho biết khi họ muốn hỗ trợ cho doanh nghiệp nước bạn – ở thị trường mà họ đang chịu trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ - tìm hiểu các đối tác trong nước để triển khai các hoạt động xúc tiến thì gặp trục trặc. Bởi lẽ, họ có thể tìm đầu mối doanh nghiệp nông nghiệp hay doanh nghiệp sản xuất hạt điều, tuy nhiên, họ lại “tắc” thông tin khi tìm kiếm doanh nghiệp sản xuất hạt điều hữu cơ.

 

Điều này cho thấy chúng ta đang thiếu các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để giúp cho các hoạt động xúc tiến thương mại đi vào trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, chi tiết cụ thể.

Chuyển đổi số được đánh giá là cầu nối giao thương không thể thiếu trong thời gian qua. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc này không còn là lựa chọn “nên hay không” mà là bắt buộc phải làm. Tuy nhiên, trong công tác triển khai thực hiện thì vẫn “mạnh ai nấy làm” và doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, bế tắc.

Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước phải làm đầu mối và tính đến xây dựng nền tảng chung đồng bộ hoặc kết hợp với các đối tác tư nhân đã và đang có sẵn nền tảng để có thể phát triển thành nền tảng chung, đồng bộ. Từ đó, các doanh nghiệp gắn kết những nền tảng đặc thù, chuyên ngành của họ vào đó thay vì từng mảnh ghép rời rạc như hiện tại.

Bên cạnh những platform (nền tảng) như vậy thì phải có cơ sở dữ liệu chuyên ngành như đã đề cập ở trên. Xây dựng cơ sở dữ liệu là bài toán không dễ, đòi hỏi phải chuyên tâm và thực sự nghiêm túc nhưng nếu không làm thì chúng ta sẽ khó mà có sự bứt phá.

Chúng ta cũng cần hiểu rằng các đối tác nước ngoài sẽ không chờ đợi mình thay đổi. Và ở các nước họ luôn sẵn sàng các loại thông tin để hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại dưới hình thức trả phí hoặc miễn phí. Do vậy, nếu mình không có thông tin mà đối tác cần thì chắc chắn sức cạnh tranh, khả năng thu hút nhà mua hàng sẽ bị đánh giá thấp so với các đối thủ cạnh tranh.

Vì thế, bên cạnh việc nhìn nhận sự cần và bức thiết trong chuyển đổi số thì cần phải định hướng chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại phải đi kèm với những yêu cầu nhất định như vậy để có mục tiêu rõ ràng hướng đích.

 

Như bà vừa chia sẻ, làm cơ sở dữ liệu là bài toán rất vất vả, vậy giải pháp cần triển khai là gì, thưa bà?

Đúng là việc này không dễ, do đó, song song với việc thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống, các cơ quan xúc tiến thương mại cần phải tính toán một cách nghiêm túc, bài bản về việc đẩy mạnh chuyển đổi số.

Qua quan sát thực tế, nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã và đang tự ứng dụng công nghệ số và hoạt động xúc tiến thương mại khá tốt. Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) là một trong những hiệp hội, ngành hàng sản xuất nỗ lực, đi đầu trong xây dựng, vận hành các nền tảng số, xây dựng hệ dữ liệu của doanh nghiệp thành viên... Nhưng câu hỏi đặt ra là chúng ta muốn thông tin dữ liệu của cả ngành gỗ thì sẽ như thế nào? Thông tin của các doanh nghiệp phụ trợ ngành gỗ ở đâu? Tôi cho rằng, việc này phải cần vai của các cơ quan Trung ương chứ từng hiệp hội, từng doanh nghiệp không đủ sức để thực hiện.

Để làm được sẽ cần sự tham gia của rất nhiều Bộ ngành, địa phương, trong đó rất cần một “nhạc trưởng” và ngành Công Thương là đơn vị phù hợp, giống như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà Bộ Công an đang là đơn vị chủ trì. Từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ quan chức năng liên quan đang triển khai kết nối rất nhiều hoạt động khác trên nền tảng, dữ liệu đấy và với mảng thương mại, xúc tiến thương mại, doanh nghiệp cũng kì vọng như thế với vai trò của ngành Công Thương. Phải có cơ quan đầu mối, chủ trì hoạch định bài toán chung thì mọi việc mới dần rõ nét.

 

Phát huy vai trò ‘cầu nối’ giao thương từ xúc tiến thương mại, theo bà, yếu tố quan trọng nhất là gì?

Thực ra xúc tiến thương mại chúng ta vẫn chủ yếu làm theo mô hình, cách thức thói quen cũ. Việc này bắt nguồn từ ngân sách nhà nước thường không dễ để chi tiêu linh hoạt. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, doanh nghiệp không hoàn toàn dựa vào nguồn lực của nhà nước mà họ có thể tự làm, song điều họ mong chờ nhất là cơ quan xúc tiến thương mại hỗ trợ thiết kế các chương trình thực sự phù hợp, cũng như là cầu nối gắn kết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với nhà mua hàng quốc tế một cách thường xuyên, liên tục thay vì làm dàn trải.

Trong đó, công tác xúc tiến thương mại cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng, đi vào các thị trường ngách, thị trường trọng tâm, trọng điểm giúp doanh nghiệp thấy rõ sự chuyển đổi tiêu dùng, thị trường trong và sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh các hoạt động đang thực hiện, cơ quan xúc tiến thương mại có thể điều chỉnh để dồn lực nhiều hơn, đáp ứng các mục tiêu mà doanh nghiệp kỳ vọng, trọng tâm.

Đặc biệt, tôi kỳ vọng sự hợp tác của khối Công - Tư sẽ chặt chẽ hơn, từ đó tìm ra bài toán trọng tâm xúc tiến thương mại là gì, ưu tiên nào cần thực hiện trước khi mà nguồn lực còn hạn hẹp. Xúc tiến thương mại cần phải bắt đầu đổi mới từ những câu chuyện này, thay vì chỉ dựa trên kế hoạch và thói quen cũ.

Xin cảm ơn bà!

Theo Báo Công thương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang