(VietQ.vn) - Đổi mới sáng tạo là gốc để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Nhờ áp dụng tiêu chuẩn và hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp dễ dàng thích ứng với những thay đổi từ môi trường, đây cũng là yếu tố quyết định sự thành công khi doanh nghiệp Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu. Để hiểu rõ hơn vai trò và tầm quan trọng của tiêu chuẩn và hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo trong thực hiện hiệu quả các mục tiêu chiến lược, bảo đảm sự tồn tại thịnh vượng lâu dài của doanh nghiệp trong tương lai, TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có những chia sẻ với Chất lượng Việt Nam Online.

Thưa ông, hiện nay thuật ngữ “đổi mới sáng tạo” xuất hiện và nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Vậy quản lý đổi mới sáng tạo có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của doanh nghiệp?

Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp tạo nền tảng cho quá trình tăng trưởng với lợi nhuận cao, giúp doanh nghiệp giành lợi thế với các chương trình kinh doanh liên tục, định hình thị trường, nhu cầu của khách hàng, các công nghệ mới, đột phá… Đặc điểm của quá trình đổi mới sáng tạo là chấp nhận sự rủi ro. Mức độ rủi ro liên quan đến đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp có thể được quản lý thông qua thực hiện Danh mục đầu tư đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, không phải tất cả quá trình đổi mới sáng tạo đều yêu cầu được quản lý nhưng doanh nghiệp nào chủ động quản lý sẽ nắm bắt các cơ hội nhanh hơn, phản ứng kịp thời với các thách thức và rủi ro có liên quan, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Có thể nói, quản lý đổi mới sáng tạo là nền tảng thiết lập các chính sách, mục tiêu, chiến lược, quá trình… nhằm hỗ trợ để đạt được các mục tiêu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp thông qua các hoạt động như lập kế hoạch, vận hành, đánh giá hiệu suất…

 

Theo quan điểm của tôi, quản lý đổi mới sáng tạo là một yêu cầu mới, có tính cần thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam, giống như giai đoạn trước đây, chúng ta tiếp cận với hệ thống tiêu chuẩn ISO 9001. Hoạt động đổi mới sáng tạo có thể xảy ra trong tất cả các tổ chức và quá trình của doanh nghiệp như: chiến lược, bán hàng, tiếp thị, nghiên cứu và phát triển, tìm nguồn cung ứng, dịch vụ, hỗ trợ và các hoạt động khác; trong tất cả các giai đoạn của vòng đời sản phẩm như: nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, phân phối, tiếp thị, hỗ trợ, bảo trì, thu hồi, tái chế… hay trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp như: nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà sản xuất, đơn vị vận chuyển, đơn vị đối tác, khách hàng, người tiêu dùng. Do đó, triển khai các hoạt động quản lý đổi mới sáng tạo là cách thức mới để một doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, bảo đảm sự tồn tại thịnh vượng lâu dài của doanh nghiệp trong tương lai.

Vậy hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo sẽ thực hiện như thế nào để doanh nghiệp đảm bảo đạt được các mục tiêu, thưa ông?

Các quá trình và hoạt động hỗ trợ đối với hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp có thể được quản lý trong một hệ thống thống nhất. Trong đó, các yếu tố của hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo có thể tương tác hiệu quả với nhau. Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thường được gọi là hệ thống IMS (Innovation Management System- IMS) bao gồm tất cả các yếu tố và tương tác cần thiết để thiết lập khả năng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhằm mục tiêu đạt được đổi mới sáng tạo hiệu quả và bền vững.

Một IMS hiệu quả có thể bị tác động bởi các hệ thống quản lý khác trong doanh nghiệp. Do đó, IMS có thể được tích hợp ở nhiều cấp độ khác nhau. IMS có thể được tích hợp với các tiêu chuẩn hệ thống quản lý khác, giúp doanh nghiệp cân bằng việc khai thác các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động hiện có với việc thăm dò và tìm kiến các sản phẩm, dịch vụ mới thông qua hoạt động đổi mới sáng tạo.

Việc áp dụng và triển khai các IMS trong doanh nghiệp phụ thuộc vào mức độ thích ứng nhất định của doanh nghiệp. Điều này đặt ra thách thức đối với việc áp dụng thành công hệ thống tiêu chuẩn hóa đối với sự đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, không có mô hình, hệ thống công việc nào đảm bảo sự thành công, mà chỉ làm tăng xác suất thành công cho doanh nghiệp. IMS tập trung xem xét các cấp độ tác động khác nhau của hoạt động đổi mới sáng tạo, không xem xét vào cách thức triển khai cụ thể trong từng doanh nghiệp. IMS hướng dẫn cho các doanh nghiệp những kiến thức cần thiết, một số nguyên tắc chính để hướng dẫn xây dựng hệ thống làm việc hiệu quả.

Việc tuân thủ đúng theo hướng dẫn của IMS cho phép doanh nghiệp thực hiện quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo, coi đổi mới sáng tạo vừa là động lực phát triển, vừa là phương tiện để tiếp tục thúc đẩy kinh doanh, đồng thời cũng là công cụ giúp doanh nghiệp ứng phó với sự thay đổi thị trường và cạnh tranh “khốc liệt” về công nghệ.

Các tiêu chuẩn được sử dụng để cung cấp, hướng dẫn doanh nghiệp nền tảng, quy trình, hệ thống cần thiết, nguồn lực con người và các mối quan hệ đối tác… để đảm bảo hoạt động đổi mới sáng tạo thành công trong doanh nghiệp. Hơn nữa, IMS cũng là nền tảng quan trong để thực hiện những sự thay đổi khác trong doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết.

Ông có thể chia sẻ một số tiêu chuẩn về quản lý đổi mới sáng tạo để các doanh nghiệp tham khảo nếu quan tâm. Chương trình 712 có đề cập đến nội dung này không?

Hiện nay, có nhiều tổ chức công bố các tiêu chuẩn về quản lý đổi mới sáng tạo. Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã xây dựng bộ tiêu chuẩn ISO 56000 cho IMS. Bộ tiêu chuẩn hướng dẫn ISO 56000 mới về quản lý đổi mới sáng tạo đã được phát triển bởi các chuyên gia đổi mới sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới. Bộ tiêu chuẩn cung cấp thông tin về quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi loại hình, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách tổng thể, có hệ thống. Cụ thể như:

Tiêu chuẩn ISO/CD 56000 Quản lý đổi mới sáng tạo - Nguyên tắc cơ bản và từ vựng

Tiêu chuẩn ISO 56000 định nghĩa từ vựng và thuật ngữ được sử dụng thống nhất trong quản lý đổi mới sáng tạo. Tiêu chuẩn ISO 56000 cũng giải thích các nguyên tắc cốt lõi về đổi mới sáng tạo. Tiêu chuẩn ISO 56000 cung cấp các khái niệm cơ bản và nguyên tắc quản lý đổi mới sáng tạo; mô tả lý do tại sao các tổ chức, doanh nghiệp nên tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo; giới thiệu các khái niệm chính liên quan đến đổi mới sáng tạo; đưa ra các nguyên tắc, cơ sở để quản lý hiệu quả các hoạt động đổi mới sáng tạo và nền tảng của IMS trong tổ chức, doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn ISO/FDIS 56002 Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo

Tiêu chuẩn ISO 56002 cung cấp hướng dẫn về việc thiết lập, triển khai, bảo trì và cải tiến liên tục IMS để áp dụng trong tất cả các tổ chức, doanh nghiệp. Hướng dẫn chung này dự kiến sẽ được áp dụng cho tất cả các loại tổ chức, doanh nghiệp với các loại hình đổi mới sáng tạo.

Tiêu chuẩn ISO 56003 Quản lý đổi mới sáng tạo - Công cụ và phương pháp đối với quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo

Tiêu chuẩn ISO 56003 cung cấp các khuyến nghị để tham gia vào quan hệ đối tác với các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài để hiện thực hóa sự đổi mới sáng tạo. Tiêu chuẩn ISO 56003 mô tả khuôn khổ hợp tác đổi mới sáng tạo và các công cụ tương ứng để giúp tổ chức, doanh nghiệp. Tiêu chuẩn ISO 56003 hướng dẫn đối với các loại hình đối tác và hợp tác được áp dụng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp với các loại, kích cỡ, sản phẩm, dịch vụ khác nhau.

Tiêu chuẩn ISO/TR 56004 Đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo

Tiêu chuẩn ISO/TR 56004 cung cấp hướng dẫn về lý do tại sao triển khai đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo (Innovation Management Assessment, IMA); những kết quả mong đợi từ IMA; kế hoạch hành động, cách thức triển khai thực hiện theo kết quả của IMA. Tiêu chuẩn ISO/TR 56004 được áp dụng để đánh giá đối với các tổ chức, doanh nghiệp, có thể áp dụng cho tất cả các loại hình tổ chức, doanh nghiệp với ngành nghề, độ tuổi, quy mô, quốc gia… khác nhau.

Tiêu chuẩn ISO/AWI 56005 Quản lý đổi mới sáng tạo - Quản lý tài sản trí tuệ

ISO 56005 đề xuất các hướng dẫn để quản lý IP hiệu quả trong một IMS. Tiêu chuẩn này nhằm mục đích giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý IP ở cả cấp chiến lược và triển khai thực tiễn. Tiêu chuẩn này được áp dụng cho các loại hoạt động đổi mới sáng tạo.

Tiêu chuẩn ISO/AWI 56006 Quản lý đổi mới sáng tạo - Quản lý chiến lược thông minh

Tiêu chuẩn ISO 56006 cung cấp hướng dẫn cho Lãnh đạo và Quản lý cấp cao về cách triển khai quản lý chiến lược thông minh trong việc đưa ra các quyết định tác động đến tầm nhìn, sứ mệnh và các hoạt động đổi mới sáng tạo trong tổ chức, doanh nghiệp. Quản lý chiến lược thông minh là một phần của IMS. Hướng dẫn chung trong tiêu chuẩn ISO 56006 có thể áp dụng cho tất cả các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến việc thiết lập văn hóa nội bộ về quản lý chiến lược thông minh, đòi hỏi phải lập kế hoạch, triển khai, đo lường và cải tiến liên tục, có thể áp dụng cho tất cả các loại hình tổ chức, doanh nghiệp với ngành nghề, độ tuổi, quy mô, quốc gia… khác nhau.

 

Tiêu chuẩn ISO 56007 cung cấp các hướng dẫn để quản lý ý tưởng và lợi ích mang lại

Tiêu chuẩn ISO 56007 được áp dụng cho tất cả các tổ chức, doanh nghiệp bất kể quy mô và hoạt động. Tiêu chuẩn ISO 56007 hỗ trợ hiệu quả hơn đối với các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng IMS theo Tiêu chuẩn ISO/FDIS 56002 Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo.

Ở Chương trình 712 đã hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng tài liệu phổ biến các tiêu chuẩn ISO 56000 và Chương trình năng suất chất lượng giai đoạn 2030 sắp tới sẽ hỗ trợ đào tạo để các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng ISO 56000.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Nghĩa

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang