(VietQ.vn) - Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những hậu quả tiêu cực hết sức nghiêm trọng về cả tính chất lẫn quy mô, khiến các hoạt động của con người và sinh vật trên trái đất bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu không có biện pháp hữu ích để ứng phó kịp thời với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, nguy cơ đe dọa sự sống của con người cũng như các sinh vật trên hành tinh chúng ta sẽ hiện hữu trong tương lai không xa.

Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc, trái đất đã nóng lên 1 độ C và thế giới đang đi chệch hướng đến mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C, trong khi đó các nhà khoa học nhận định, chênh lệch 0,5 độ C đã tạo ra sự khác biệt đáng kể cho trái đất.

Năm 2019, thông điệp về sự chênh lệch này đã được nhấn mạnh và cảnh báo trên toàn cầu. Báo cáo của IPCC cũng kết luận: Phát thải CO2 toàn cầu phải giảm 45% vào năm 2030 và đạt mức cân bằng giữa lượng “phát thải” và “hấp thu” vào năm 2050 để nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C.

Như vậy, nhân loại phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là tập trung làm giảm phát thải khí nhà kính.

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia hàng đầu về biến đổi khí hậu đã đề xuất hàng loạt giải pháp mang tính thực tiễn để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu. Những giải pháp này bao gồm cả các tiêu chuẩn kỹ thuật. Tiêu chuẩn hóa nhằm tạo ra sự khác biệt đối với các sản phẩm và dịch vụ thông thường, nâng cao năng suất chất lượng và bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn còn là những công cụ hữu hiệu đối với các tổ chức nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện nay.

Trước những thách thức nghiêm trọng về môi trường đang đe dọa trái đất, việc gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến cho các nhà khoa học trên toàn cầu hết sức lo ngại về những tác động to lớn của sự phát triển kinh tế, xã hội quá nóng đến hành tinh. Ba tổ chức tiêu chuẩn thế giới là ISO, IEC và ITU đã lần đầu tiên phát đi thông điệp “Tiêu chuẩn khắc phục biến đổi khí hậu” nhân ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10/2009, nhằm nhấn mạnh vai trò của hoạt động tiêu chuẩn hóa trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, các tổ chức này đã đưa ra một hệ thống tiêu chuẩn nhằm khắc phục biến đổi khí hậu bao gồm những khía cạnh như: Đo và giám sát khí nhà kính; Thiết kế, xây dựng nhà ở và nơi làm việc sử dụng năng lượng hiệu quả; Nhãn môi trường và hiệu suất năng lượng; Thiết kế môi trường cho các sản phẩm; Công nghệ mới để góp phần làm giảm tác động của biến đổi khí hậu… Đồng thời, nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của tiêu chuẩn hóa trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cho đến nay đã có rất nhiều tiêu chuẩn liên quan đến biến đổi khí hậu được các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế công bố và áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia, khẳng định tiềm năng trong quá trình cải thiện chất lượng khí hậu, đóng góp vào việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, trong số đó là các tiêu chuẩn do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ISO/TC207 “Quản lý môi trường” (Cụ thể là Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn ISO/TC207/ SC7, Quản lý khí nhà kính và các hoạt động liên quan) đã xây dựng và công bố trong thời gian, bao gồm: Các tiêu chuẩn yêu cầu về định lượng, thẩm định, kiểm tra xác nhận Khí nhà kính (ISO 14064-1/2/3, ISO 14065:2013, ISO 14066:2011); Tiêu chuẩn về truy vết cacbon trong sản phẩm CFP (ISO 14067:2018); Thiết lập nguyên lý và khuôn khổ về các hoạt động liên quan đến khí hậu (ISO 14080:2018);

Các tiêu chuẩn về thích ứng với Biến đổi khí hậu & Đánh giá tính dễ bị tổn thương (ISO 14090:2019, ISO/FDIS 14091, ISO/TS 14092:2020, ISO/WD 14093 đang xây dựng); Các tiêu chuẩn này được xây dựng nhằm mục đích hỗ trợ tốt nhất cho các tổ chức trong việc phân tích, định lượng sự phát thải khí nhà kính, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đưa ra biện pháp thích ứng phù hợp, đồng thời giúp tổ chức xác định và quản lý các rủi ro, cơ hội để xem xét và đưa ra quyết định phù hợp khi thiết kế và thực thi các chính sách, kế hoạch hành động.

Năm nay, nhân sự kiện đặc biệt kỷ niệm 50 năm ngày Tiêu chuẩn thế giới (14/10/1970 – 14/10/2020), một lần nữa các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế IEC, ISO & ITU lại tái khẳng định vai trò của tiêu chuẩn trong việc cung cấp các công cụ và giải pháp giúp giảm thiểu các tác động về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả... với thông điệp đầy ý nghĩa “Protecting the planet with standards” (Tiêu chuẩn giúp bảo vệ hành tinh). Đây cũng là dịp để tôn vinh các nhà khoa học, những người làm công tác tiêu chuẩn hóa trên toàn thế giới, đã và đang góp phần không nhỏ vào chiến lược phát triển bền vững chung của toàn nhân loại.

Thiết kế: Doãn Trung

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang