(VietQ.vn) - Khép lại một thập kỷ triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, với vai trò là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, triển khai Chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã thể hiện vai trò “Người lĩnh xướng” cho các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy Phong trào Năng suất chất lượng tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đã có những đánh giá tổng quan về Chương trình và gợi ý một số nội dung quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình ở giai đoạn tiếp theo.

Thưa Thứ trưởng, một thập kỷ triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã khép lại, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện mục tiêu của Chương trình?

Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã kết thúc sau 10 năm triển khai. Có thể đánh giá kết quả của Chương trình qua hai nhóm mục tiêu như sau:

Về Nhóm mục tiêu phát triển hệ thống tiêu chuẩn (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) và đánh giá sự phù hợp:

Trong khuôn khổ Chương trình, Bộ KH&CN và các Bộ ngành đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng trên 6000 TCVN; đến nay, hệ thống TCVN có khoảng 13.000 TCVN với mức độ hài hòa TCQT, TCKV đạt khoảng 60%, đạt mục tiêu đề ra. Hệ thống QCVN hiện có khoảng 800 QCVN do 14 Bộ quản lý chuyên ngành/lĩnh vực ban hành.

Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh việc rà soát, xây dựng các QCVN theo hướng QCVN cần quy định cụ thể biện pháp quản lý bảo đảm không gây cản trở đối với thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ chế hậu kiểm. Do đó, hệ thống QCVN càng được hoàn thiện, đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

 

Về Nhóm mục tiêu về thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng:

58/63 địa phương đã có dự án năng suất chất lượng được phê duyệt. Một số địa phương không xây dựng dự án năng suất chất lượng riêng nhưng đã triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng trong khuôn khổ các Chương trình, đề án, dự án KH&CN.

Thông qua việc đẩy mạnh hoạt động phổ biến, đào tạo, tư vấn, hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp; triển khai phối hợp, lồng ghép giữa các chương trình, đề án KH&CN; một số dự án năng suất chất lượng ngành, địa phương đã được phê duyệt và triển khai hiệu quả; số doanh nghiệp được phổ biến, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng đã tăng lên đáng kể. Có thể thấy rằng, mục tiêu hỗ trợ một số lượng lớn doanh nghiệp là thách thức đối với Chương trình trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều khó khăn như: đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn mỏng; kinh phí NSNN chi cho các dự án năng suất chất lượng ở địa phương còn hạn hẹp...

Mục tiêu “Góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên 35% vào năm 2020” được đánh giá là vượt chỉ tiêu đề ra của Chương trình khi số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP đạt 43,5%, bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt 43,29%. Năm 2019, GDP tăng 6,81%, ước đóng góp của tăng TFP vào tăng GDP khoảng 42.7%. Giai đoạn 2016- 2019, đóng góp của tăng TFP vào GDP khoảng 40,4% và dự kiến 2016-2020 đạt 40,5% .

Có thể khẳng định, về cơ bản Chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Bên cạnh một số mục tiêu vượt kế hoạch, một số mục tiêu không đạt được như kỳ vọng, qua đó phác họa rõ nét chặng đường 10 năm năng suất chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam.

Với những kết quả trên, Chương trình đã có những tác động đối với KH&CN cũng như KT-XH như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Tác động đối với khoa học và công nghệ:

Chương trình đã góp phần đáng kể giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo lập “nền tảng hạ tầng” cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng bao gồm hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cụ thể áp dụng trong doanh nghiệp.

Hệ thống TCVN với tỷ lệ hài hòa với quốc tế khá cao đã đáp ứng kịp thời nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, yêu cầu quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn vệ sinh sức khỏe con người và môi trường.

Hệ thống quy chuẩn quốc gia trở thành công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ các hoạt động quản lý nhà nước, nhằm kiểm soát các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn.

Bên cạnh đó, Chương trình đã góp phần dần hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn, các tổ chức tư vấn về năng suất chất lượng có am hiểu sâu về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng có khả năng hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cải tiến hoạt động quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Hệ thống tài liệu, cơ sở dữ liệu về năng suất chất lượng từng bước được xây dựng, bổ sung cập nhật tạo cơ sở quan trọng cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu, nâng cao trình độ hiểu biết và khả năng triển khai áp dụng các biện pháp cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa trong thời gian tới.

Đặc biệt, Chương trình giúp nâng cao năng lực, thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức KH&CN, tổ chức tư vấn năng suất chất lượng, tăng cường năng lực nghiên cứu, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam và các đơn vị thụ hưởng kết quả của Chương trình.

Tác động đối với kinh tế - xã hội:

Thông qua Chương trình, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, người tiêu dùng về năng suất chất lượng từng bước được nâng cao. Vấn đề về năng suất, cải tiến năng suất được xuất hiện nhiều hơn trong tư duy và hành động của các nhà lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp. Thông qua hoạt động áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận và từng bước làm chủ các công nghệ quản lý tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Năng lực quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam được nâng lên rõ rệt đang dần thu hẹp khoảng cách về trình độ quản lý giữa doanh nghiệp Việt Nam so với trình độ quản lý của các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. 

Chương trình đã hình thành, thúc đẩy được phong trào năng suất chất lượng rộng rãi trong phạm vi cả nước, huy động được nguồn lực của xã hội tập trung cho mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm hàng hoá chủ lực của nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hoá Việt Nam trên thị trường trong, ngoài nước.

Chương trình đã tạo được sự gắn kết hơn giữa khoa học và sản xuất, đời sống... đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.

Xin Thứ trưởng chia sẻ về một số nội dung mới của Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 1322/QĐ-TTg? 

Chương trình đề ra nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy, nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng. Cụ thể là đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố.

Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P). thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh...

Bên cạnh đó, Chương trình tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng.

Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua tăng cường hợp tác, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án năng suất của Tổ chức Năng suất Châu Á; tăng cương phối hợp với Tổ chức Năng suất Châu Á hình thành và triển khai hoạt động của Trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất tại Việt Nam.

Với vai trò điều phối chung hoạt động của Chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, điều hành hoạt động của Chương trình; hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.

Đặc biệt, trong năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, xây dựng các mô hình điểm về năng suất chất lượng; xây dựng, ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên gia năng suất chất lượng; tổ chức các hoạt động đào tạo về năng suất chất lượng cho các Bộ, ngành và địa phương. 

Để phát huy hiệu quả của hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, trong thời gian tới cần phải chú trọng và các vào các vấn đề gì, thưa Thứ trưởng?

Có 4 vấn đề cần chú trọng để hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng phát huy tốt tính hiệu quả của Chương trình.

Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền liên tục, sâu rộng với nội dung thiết thực, cụ thể về năng suất chất lượng, đặc biệt tập trung vào đối tượng doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đã thực sự hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất chất lượng, doanh nghiệp sẽ chủ động tiếp thu và thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất chất lượng một cách có hiệu quả. Phong trào năng suất chất lượng cần bắt đầu trước hết ở doanh nghiệp.

Thứ hai, để thúc đẩy phong trào năng suất chất lượng, cần thiết phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát và động viên, khuyến khích kịp thời của Lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương. Thực tế cho thấy những địa phương, doanh nghiệp có được thành công trong phong trào năng suất chất lượng, thì cấp lãnh đạo cao nhất của địa phương, doanh nghiệp đó thực sự đã quan tâm đến vấn đề năng suất chất lượng và gương mẫu thực thi trách nhiệm, sự cam kết của mình đối với hoạt động nâng cao năng suất chất lượng.

Thứ ba, Nhà nước một mặt hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tiếp tục khởi xướng, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng các mô hình, phương pháp và công cụ quản lý, đổi mới công nghệ..., đồng thời tăng tường công tác quản lý đối với những nội dung bảo vệ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia… tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần thiết phải được tổ chức theo nguyên tắc đúng nội dung, đúng đối tượng, nhưng phải kịp thời, đơn giản.

Thứ tư, hợp tác quốc tế đã trở thành một trong các nguồn lực quan trọng, góp phần nâng cao năng lực của hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng suất chất lượng. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế sâu rộng với khu vực và thế giới, hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ nói chung và năng suất chất lượng nói riêng đòi hỏi phải được đẩy mạnh. 

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nội dung: Hà Thủy

Thiết kế: Doãn Trung

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang