(VietQ.vn) - Theo ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, GTCLQG với các tiêu chí chặt chẽ, khoa học sẽ là thước đo giúp doanh nghiệp hiện thực hoá khát vọng hội nhập.

Trải qua hơn 25 năm hoạt động, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) ngày càng khẳng định vị thế, uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, đóng góp tích cực cho phong trào năng suất chất lượng trong hai thập niên vừa qua, góp phần nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững, giúp nâng tầm hội nhập với khu vực và thế giới của doanh nghiệp Việt Nam.

Để hình dung rõ hơn về giá trị, ý nghĩa và vai trò của Giải thưởng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

Xin ông cho biết lợi ích thiết thực của việc tham gia GTCLQG? Giải thưởng có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp trong quá trình phát triển?

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) là hoạt động tôn vinh, khen thưởng hằng năm ở cấp quốc gia của Thủ tướng Chính phủ đối với doanh nghiệp được đánh giá đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam, tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập trên thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng văn hoá doanh nghiệp, thực hiện cải thiện chất lượng, nâng cao năng suất, chất lượng trong tổ chức, doanh nghiệp nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế-xã hội đất nước.

Bên cạnh đó, bản thân bộ tài liệu Giải thưởng cũng là công cụ quản lý giúp doanh nghiệp rà soát và nhận diện rõ những điểm mạnh và hạn chế so với yêu cầu đặt ra và đặc biệt là cơ hội để doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động hướng tới sự phát triển bền vững trong quá trình tham gia Giải thưởng. Các tiêu chí của Giải thưởng giúp doanh nghiệp tiếp cận những xu hướng quản trị tiên tiến của thế giới và khu vực, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập của chính mình.

Theo ông, việc thực hiện theo 7 tiêu chí của GTCLQG đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế?

GTCLQG được thiết lập và triển khai trên cơ sở áp dụng mô hình và 7 tiêu chí của Giải thưởng Malcolm Baldrige đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng, tham khảo và áp dung như mô hình chuẩn để nghiên cứu, học tập khi xây dựng Giải thưởng chất lượng của mình.

Các tiêu chí GTCLQG bao gồm: Vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp; Chiến lược hoạt động của doanh nghiệp; Chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường; Đo lường, phân tích và quản lý tri thức; Quản lý, phát triển nguồn nhân lực; Quản lý quá trình hoạt động của doanh nghiệp; Kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Trước tiên, chúng ta phải khẳng định 7 tiêu chí của GTCLQG rất khoa học và chặt chẽ, giúp mỗi doanh nghiệp có thể rà soát quy trình quản trị và tự đánh giá toàn diện về các quá trình quan trọng trong nội bộ doanh nghiệp và trong quan hệ của doanh nghiệp với thị trường và khách hàng, có tính chất quyết định đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, tiêu chí của Giải thưởng cũng giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về quản trị và tạo lợi thế cạnh tranh, khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường nếu tổ chức thực hiện và tuân thủ tốt.

Việc áp dụng 7 tiêu chí GTCLQG không chỉ đảm bảo, tạo niềm tin cho người tiêu dùng mà còn là động lực để doanh nghiệp hoàn thiện hơn về mọi lĩnh vực quản trị cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nếu thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu 7 tiêu chí chắc chắn sẽ từng bước gia tăng năng lực cạnh tranh của mình thông qua việc cung cấp ổn định và bền vững những sản phẩm tốt, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với việc tham gia ký kết, thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do và có hợp tác với nhiều quốc gia trên giới, doanh nghiệp nếu như có được nền tảng quản trị tốt, hướng vào khách hàng, sản xuất sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu thị trường thì có nhiều cơ hội để mở rộng, giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế. GTCLQG với các tiêu chí chặt chẽ, khoa học cũng sẽ là thước đo giúp doanh nghiệp hiện thực hoá khát vọng hội nhập. 

Ông đánh giá như thế nào về hoạt động áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Tại Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp đều chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nhất là tại các doanh nghiệp lớn. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, các tiêu chuẩn sản phẩm và dịch vụ và hoạt động cải tiến năng suất được đặc biệt chú trọng. 

Nhờ có hệ thống quản lý, các công cụ mà quá trình sản xuất của doanh nghiệp có hiệu quả hơn, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Doanh nghiệp cũng hạn chế rủi ro và lãng phí trong quá trình sản xuất, giúp tối ưu hoá lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh. Thực tế, những doanh nghiệp có hệ thống quản lý chất lượng và thực hiện tuân thủ tốt quy trình về quản trị đều có sức chống chịu tốt hơn trước tác động của đại dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua.

Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp vẫn còn hài lòng với kết quả hoạt động của mình và chưa thực sự chú trọng đầu tư cho cải tiến hoạt động, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến năng suất của doanh nghiệp. 

Đó là những doanh nghiệp còn có tư duy ngại thay đổi, không muốn làm xáo trộn hoạt động đang được coi là hiệu quả; chưa sẵn sàng tin vào sự hỗ trợ của các tổ chức của Nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ để cải tiến doanh nghiệp; chưa quan tâm bố trí nhân lực cũng như thời gian để triển khai các hoạt động nhằm cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng.

Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan quản lý và tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường truyền thông, đào tạo, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chinh phục thị trường, khách hàng, gia tăng lợi nhuận và củng cố thương hiệu.

Xu hướng hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức với doanh nghiệp Việt đặc biệt là vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng như các cơ chế hợp tác quốc tế khác, thường sẽ xuất hiện một số quy định hay các tiêu chuẩn mới về sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, hệ thống quản lý hay các quy tắc ứng xử mà quy trình sản xuất ra sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khi được cung cấp tại các thị trường này buộc phải đáp ứng hoặc tuân thủ. Nhìn chung các tiêu chuẩn hay quy định liên quan đến vấn đề về môi trường, xã hội, lao động, nguồn gốc nguyên liệu và an toàn cho người sử dụng. 

Ngoài việc phải đảm bảo về chất lượng, giá cả… việc thích ứng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường quốc tế theo hướng bền vững là một trong những điều kiện bắt buộc giúp hàng hoá Việt Nam ngày càng phổ biến hơn trên thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế, thương hiệu hàng hoá, sản phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 Phỏng vấn: Việt Hà - Hán Hiển

Thiết kế: Doãn Trung

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

Về đầu trang