(VietQ.vn) - Doanh nhân Nguyễn Trọng Phi cho hay, bên cạnh chính sách từ Chính phủ, nội tại các doanh nghiệp cần thấu hiểu, chia sẻ khó khăn mới có thể giữ chân được người lao động để phục hồi sản xuất hậu COVID-19.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Phóng viên đã có cuộc trao đổi với doanh nhân Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Giovanni Group – thương hiệu thời trang cao cấp phong cách Ý.

PV: Thưa ông, 9 tháng vừa qua, Giovanni kinh doanh ra sao giữa tác động tiêu cực của nhiều đợt bùng phát dịch COVID-19?

Thị trường Việt Nam từ đầu năm đến giờ, qua mấy lần lockdown, nhưng tình hình kinh tế đầu năm vẫn khá ổn định. Tuy nhiên, việc liên tục đóng cửa rồi lại mở cửa đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh. Việc kinh doanh không được liền mạch, ảnh hưởng tâm lý tới người tiêu dùng cũng như đội ngũ sản xuất, kinh doanh.

Giovanni là doanh nghiệp đặc thù nắm cả chuỗi giá trị từ việc phát triển thương hiệu đến nghiên cứu phát triển sản phẩm và cả chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu, sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn tới việc sản xuất kinh doanh của Giovanni. Điển hình như việc đi lại, vận chuyển, xuất nhập khẩu…

Đặc biệt, trong làn sóng COVID-19 thứ tư, từ tháng 7 đến nay, có thể nói rằng hoạt động của doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Khó khăn từ khâu cung cấp nguyên liệu cho tới duy trì sản xuất. Việc đóng cửa các chuỗi cung ứng, phân phối đã ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp bán lẻ như Giovanni.

Thị trường lớn nhất của Giovanni là TP.HCM vài tháng qua đã đóng băng, đến nay vẫn chưa thể mở cửa trở lại. Gần đây nhất, ở miền Bắc, toàn bộ chuỗi cung ứng của Giovanni tại Hà Nội cũng phải đóng cửa để phục vụ công tác chống dịch. Chính vì vậy, hoạt động của doanh nghiệp gần như phải dừng lại toàn bộ.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi người lao động, Giovanni vẫn phải tìm cách để duy trì mức thu nhập tối thiểu, đặc biệt là khối sản xuất. Giovanni đã phối hợp với phường, quận nơi đặt nhà máy vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, chăm lo đời sống người lao động.

Trong thời gian này, Giovanni cũng tổ chức diễn tập, lường trước các tình huống dịch bệnh, kể cả xuất hiện F0 tại nơi sản xuất. Tuy nhiên, rất may mắn là điều đó không xảy ra với chúng tôi.

Chúng tôi luôn nâng cao sự đoàn kết, đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau giữa cán bộ, công nhân viên. Chính vì vậy, mặc dù dịch bệnh nhưng tinh thần của người lao động rất là tốt. Khi thành phố nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại, họ vẫn sẵn sàng tham gia sản xuất tới tận thời điểm này.

Chúng tôi rất hy vọng, Quý IV này, khi việc tiêm phủ vắc xin được hoàn thiện, thị trường mở cửa trở lại sẽ kéo đà tăng trưởng kinh tế bù đắp lại những tháng đầu năm.

PV: Về mặt vĩ mô, những chính sách được ban hành thời gian qua đã có những tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp. Ông có góc nhìn như thế nào về vấn đề này?

Có thể thấy, dịch bệnh đã tác động rất lớn tới đầu ra của các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là ngành thời trang. Đó là nguồn thu, là dòng tiền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng nhờ chính sách của Chính phủ, nghị quyết của Ngân hàng Nhà nước giúp tái cơ cấu các khoản vay cho doanh nghiệp. Đồng thời, đơn vị cho thuê mặt bằng cũng có những chính sách giảm giá khá tốt trong giai đoạn giãn cách xã hội. Qua đó giảm đi các áp lực cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh COVID-19 như hiện nay, nói chung, cả nền kinh tế của chúng ta đều bị ảnh hưởng. Trong đó, một số ngành như dệt may, da giày, thủy sản… và một số ngành công nghiệp xuất khẩu đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Bên cạnh những điều tích cực, trên thực tế, có nhiều chính sách chưa được nhất quán giữa Trung ương và các địa phương, gây ra các cản trở trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình chống dịch, chúng ta đã làm rất tốt giai đoạn 1. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát mạnh, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, mỗi tỉnh lại áp dụng chính sách chống dịch khác nhau. Điều này dẫn tới việc lưu thông hàng hóa, con người và toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Hệ lụy là toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng của Việt Nam bị đứt gãy.

Kể cả, sau khi quy định hàng hóa “luồng xanh” hay một cung đường hai điểm đến, nhưng trong quá trình vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp vẫn gặp trở ngại, khó khăn.

Tới đây, khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, khối doanh nghiệp chúng tôi rất mong những chính sách lưu thông hàng hóa này được cải thiện. Hàng hóa cần phải được tạo điều kiện tố nhất để lưu thông, khôi phục lại chuỗi hàng hóa đã bị đứt gãy.

Theo tôi, Nhà nước cần thống nhất các chính sách trong toàn quốc liên quan các quy định về đảm bảo lưu thông hàng hóa. Các địa phương cũng cần phải thay đổi các quy định để nhất quán, đáp ứng tình hình mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh giai đoạn hậu COVID-19. Đây là sẽ yếu tố quyết định giúp chúng ta đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn, việc triển khai chính sách được đồng nhất giữa các vùng, các tỉnh. Bởi nền kinh tế khổng thể bị bó hẹp, tỉnh nào biết tỉnh đó, mà phải có sự giao thương với nhau.

Thậm chí, cả Việt Nam cũng chỉ là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là lúc để thị trường, bạn hàng quốc tế thấy được tên tuổi, vị thế của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam sẽ chứng minh cho họ thấy, chúng ta hoàn toàn có thể phục hồi kinh tế sau đại dịch. Những chính sách đưa ra lúc này, chứng minh cho thế giới thấy, chúng ta đang thay đổi, chúng ta đang mở cửa trở lại, chúng ta đang sống cùng với COVID-19.

PV: Nhiều chuyên gia nhận định, sau bão COVID-19 tiếp theo sẽ là cơn bão của những thách thức đang đón đợi doanh nghiệp trong giai đoạn tới. Là chủ một doanh nghiệp, ông có nhận định như thế nào về việc này?

Theo tôi, ngoài khó khăn về mặt lưu thông như đã nói ở trên, thì doanh nghiệp đang phải đối mặt với thách thức to lớn về cơ cấu nguồn vốn. Ngay lúc này, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng, cũng như sự sát sao của chính quyền địa phương trong việc song hành, chia sẻ khó khăn.

Mỗi một doanh nghiệp có một đặc thù sản xuất kinh doanh khác nhau. Việc thấu hiểu, chia sẻ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương cực kì quan trọng. Đây là cái bắt tay cần thiết để vực lại nền kinh tế sau gần một năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Thêm một khó khăn doanh nghiệp đang phải đối phó đó là thiếu lao động sản xuất. Sau nhiều làn sóng hồi hương của người lao động, nhiều doanh nghiệp gần như mất đi nguồn lực sản xuất.

Trong lúc khó khăn này, doanh nghiệp rất cần sự nhanh của Chính phủ, cam kết hỗ trợ người lao động. Để làm thế nào đó, những chính sách đến sớm nhất với người lao động.

Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động chăm lo người lao động. Các doanh nghiệp phải có chính sách quan tâm, song hành cùng họ. Doanh nghiệp khó khăn, họ cũng khó khăn chứ. Cả hai cần phải chia sẻ lẫn nhau. Tôi nghĩ rằng, ngoài chính sách của Nhà nước, chính nội tại các doanh nghiệp cũng cần phải ngồi lại, nhìn nhận và làm những điều thiết thực nhất cho người lao động. Như vậy, họ mới có thể cùng doanh nghiệp chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn này.

PV: Trong phát triển kinh tế, đặc biệt là giai đoạn dịch bệnh, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng rõ nét khi chung tay cùng đất nước chống dịch. Cảm nhận của ông như thế nào về việc này?

Ở Việt Nam, trong thế kỷ 21 này, vai trò, đóng góp của doanh nhân là vô cùng quan trọng. Doanh nhân là đầu tàu của nền kinh tế, là người tổ chức sản xuất, tạo ra giá trị cho nền kinh tế. Chính vì vậy, vai trò của doanh nhân là một trong những yếu tố sống còn của nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn dịch bệnh như hiện nay.

Tôi nghĩ rằng, đây là thời điểm Nhà nước cần nhìn nhận lại vai trò của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Trong các trụ cột của nền kinh tế, đánh giá đúng thì doanh nghiệp tư nhân phải là trụ cột số một. Tất cả các chính sách làm thế nào đó để vực dậy trụ cột này sẽ là chìa khóa quyết định thành công của nền kinh tế trong thời gian tới.

Tôi hy vọng rằng, hơn lúc nào, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần phải đoàn kết. Chúng ta phải hợp lực cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tôi tin chắc, với sức mạnh to lớn, đây sẽ là yếu tố cốt lõi trong việc chúng ta phục hồi thế nào sau đại dịch.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành sau 30 năm. Và đã trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn, đặc biệt là liên tục 2 năm bùng phát dịch COVID-19, doanh nghiệp đã đúc rút được vô vàn kinh nghiệm. Cùng với những chính sách nhanh, đúng của Nhà nước, đây sẽ là nền móng để chúng ta có thể tin tưởng rằng, kinh tế sẽ vượt qua khó khăn và nhanh chóng phục hồi. Từ đó sớm trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam đã mất rất nhiều năm gây dựng.

PV: Thời điểm cuối năm luôn là dịp bùng nổ mua sắm bán lẻ. Vậy Giovanni đã có kế hoạch ngắn hạn cũng như chiến lược kinh doanh dài hơi khi nền kinh tế trở lại trạng thái “bình thường mới”, thưa ông?

Đối với ngành bán lẻ, đặc biệt là thời trang, Quý IV thường là thời gian kinh doanh tốt nhất trong cả năm. Chúng tôi rất kì vọng, trong giai đoạn này, dịch bệnh sớm được khống chế, kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Chúng ta sẽ phải chấp nhận một điều là sống chung với dịch bệnh, mở cửa trở lại nền kinh tế.

Trong đó, nỗ lực rất lớn của Chính phủ là triển khai tiêm vắc xin cho toàn dân. Khi người dân được tiêm vắc xin và hiểu cách sống chung, ứng xử với dịch bệnh, kinh tế xã hội sẽ vận hành trở lại trạng thái trước đây. Từ đó, kinh tế của doanh nghiệp sẽ phục hồi theo. Tôi tin chắc là như vậy.

Sau thời gian vừa qua, Tập đoàn Giovanni cũng rút ra được rất nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi cũng sẽ tái cấu trúc lại hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động kinh doanh. Chúng tôi sẽ tập trung nhiều vào các nền tảng công nghệ để chuyển sang giai đoạn hậu COVDI-19 khi mà nền kinh tế mở cửa trở lại.

 
Tôi luôn tin rằng, mỗi cá nhân, mỗi ngành nghề đều có cách cống hiến cho xã hội. Không có nghề cao quý, chỉ có người cao quý. Người cao quý thì dù làm nghề gì, trong đó có nghề “doanh nhân” cũng đều cố gắng giữ gìn phẩm giá cao quý của mình.
 
Hôm nay, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi xin chúc những đồng nghiệp của mình thật nhiều sức khỏe bởi những ngày tháng hậu đại dịch sắp tới, chính các bạn sẽ là lực lượng chủ chốt thực hiện vai trò kinh bang tế thế - phát triển đất nước, giúp ích cho xã hội - vốn là nghĩa gốc của chữ Kinh - Tế mà ra.
 

COVID-19 cũng giúp chúng ta nhìn nhận lại rất nhiều điều, đặc biệt là chuỗi giá trị đang theo đuổi. Điển hình như Giovanni đang làm chủ cả chuỗi từ thiết kế, sáng tạo, phát triển sản phẩm cho tới sản xuất, cung ứng tới tay người tiêu dùng.

Tôi cho rằng, việc cung ứng sản phẩm thông qua các nền tảng công nghệ là xu thế tất yếu không chỉ của Giovanni mà chung của các doanh nghiệp Việt muốn đưa sản phẩm của mình ra thế giới. Không có cách nào và lúc nào tốt hơn là giai đoạn hậu COVID-19 này.

Do đó, chúng ta cần phải tập trung vào chuyển đổi số, chuỗi giá trị, phân phối sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải xác định, khách hàng ngày nay là khách hàng toàn cầu. Mà để tiếp cận khách hàng toàn cầu, rõ ràng chúng ta phải có các nền tảng công nghệ. Tôi cho rằng, đây là thời cơ số một để phát triển kinh tế nếu các doanh nghiệp tập trung chú trọng việc chuyển đổi số. Đây cũng là hướng đi Giovanni sẽ kiên định phát triển trong năm 2022.

PV: Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông có chia sẻ, gửi gắm gì tới giới doanh nhân cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong một năm đầy sóng gió hay không?

Có thể tự hào nói, doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự trưởng thành sau 30 năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm trở lại đây. Khối doanh nghiệp đã trải qua rất nhiều quá trình phát triển của nền kinh tế. Cộng với việc, đất nước đã hội nhập toàn cầu, doanh nghiệp đã học hỏi rất nhiều từ bạn bè quốc tế.

Tôi tin rằng, 2021 là một năm vô cùng khó khăn, nhưng cũng là động lực để cộng đồng doanh nghiệp nhìn lại quá trình phát triển suốt một thời kỳ dài đã qua. Chúng ta sẽ nhận ra điểm mạnh, điểm yếu để phát triển đúng hướng, bền vững hơn.

Cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, tôi tin rằng, sự khó khăn chỉ là nhất thời. Chúng ta học hỏi được rất nhiều thứ từ trong khó khăn này.

Sau đại dịch, kinh tế cũng sẽ sàng lọc tự nhiên, doanh nghiệp nào thích ứng thì sẽ tồn tại. Doanh nghiệp nào vượt qua được khó khăn thì chắc chắn sẽ phát triển trong giai đoạn tới.

Ứng xử với COVID-19, chúng ta vừa phải trả giá, vừa phải học hỏi tìm ra bước tiến để phát triển doanh nghiệp.

Tôi chắc rằng, khối doanh nghiệp cũng như giới doanh nghiệp luôn luôn sẵn sàng chung tay, chia sẻ khó khăn cùng Chính phủ để đưa kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn này. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi xin chúc cộng đồng doanh nghiệp, tất cả các doanh nhân luôn luôn mạnh khỏe, đoàn kết vượt lên khó khăn. Từ đó tiếp tục đóng góp xây dựng đất nước, sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng.

Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn!

Kim Anh (thực hiện)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang