(VietQ.vn) - Với 7 tiêu chí khắt khe, GTCLQG đã được nhiều doanh nghiệp tiếp cận áp dụng và chính những tiêu chí này trở thành công cụ giúp DN củng cố vững chắc cho hệ thống quản trị DN, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, từ đó đạt được những kết quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh một cách ấn tượng.

Hiện nay, chất lượng đang trở thành yếu tố quan trọng tạo dựng sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) được triển khai đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để các DN bước vào giai đoạn hội nhập tích cực với thị trường khu vực và quốc tế. 

Với 7 tiêu chí khắt khe, GTCLQG đã được nhiều doanh nghiệp tiếp cận áp dụng và chính những tiêu chí này trở thành công cụ giúp DN củng cố vững chắc thêm cho hệ thống quản trị DN, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, từ đó đạt được những kết quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh một cách ấn tượng.

Nhằm tôn vinh những DN tiêu biểu đạt GTCLQG, đồng thời chia sẻ kết quả triển khai Giải thưởng năm 2020 cùng ý nghĩa của Giải thưởng và con đường chinh phục Giải thưởng này của DN Việt Nam trong bối cảnh mới, Chất lượng Việt Nam Online đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Thưa ông, GTCLQG năm 2020 đánh dấu điểm nhấn quan trọng trong việc triển khai Thông tư 27/2019/TT-BKHCN Quy định chi tiết thi hành một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ về GTCLQG. Xin ông cho biết những điểm mới về giải thưởng tại quy định này?

Thông tư 27/2019/TT-BKHCN Quy định chi tiết thi hành một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ về GTCLQG được xem là sự đổi mới đáng kể giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tham gia Giải thưởng, đồng thời đẩy mạnh vai trò đồng hành của các bộ, ngành, địa phương trong phát triển hoạt động này.

Các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 3 Điều 27a Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, tiến hành các bước sau: Chỉ định cơ quan thường trực GTCLQG để chủ trì tổ chức triển khai GTCLQG hàng năm trong phạm vi quản lý theo Kế hoạch tổ chức GTCLQG của Bộ Khoa học và Công nghệ; Thành lập hội đồng sơ tuyển cấp bộ, ngành, có sự thống nhất bằng văn bản của Bộ Khoa học và Công nghệ để tổ chức xem xét, đánh giá các tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành.

Thành phần, nhiệm vụ của Hội đồng sơ tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 27b Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng sơ tuyển cấp bộ, ngành là đại diện Lãnh đạo bộ, ngành tổ chức sơ tuyển. Thư ký Hội đồng sơ tuyển cấp bộ, ngành là đại diện cơ quan thường trực GTCLQG của bộ, ngành có tên trong danh sách các Ủy viên Hội đồng sơ tuyển được bộ, ngành thành lập.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 4 Điều 27a Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP. Cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn là cơ quan thường trực GTCLQG tại địa phương.

Tổ chức, DN tham gia và đạt giải GTCLQG sẽ nhận được các quyền lợi như: Được phép thông báo, tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức giới thiệu khác về đơn vị mình, được sử dụng biểu tượng của GTCLQG trên sản phẩm, ấn phẩm của tổ chức, DN; được ưu tiên vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành, địa phương và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; ưu tiên tham gia các chương trình, dự án cấp quốc gia về phát triển, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng. Ngoài ra, các tổ chức, DN đạt giải được các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khen thưởng theo quy định từ nguồn quỹ khen thưởng hằng năm.

Như vậy có thể thấy, Thông tư 27/2019/TT-BKHCN đã quy định chi tiết hơn trách nhiệm của các bên tham gia, trong đó nhấn mạnh vai trò chủ động của các bộ ngành, địa phương trong việc đề xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia giải thưởng. Đồng thời, quy định rõ hơn về quyền lợi, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp khi tham gia giải thưởng. Những điểm mới này góp phần khích lệ doanh nghiệp tham gia giải thưởng nhiều hơn.

GTCLQG những năm gần đây tôn vinh rất nhiều DN nghìn tỷ, đó là những mô hình tiêu biểu về ứng dụng KHCN, áp dụng các HTQL, công cụ cải tiến NSCL. Theo ông, nền tảng từ 7 tiêu chí GTCLQG có vai trò như thế nào đối với thành công của các DN này?

GTCLQG của Việt Nam nói riêng và các giải thưởng ở quy mô quốc tế nói chung đều không phân biệt đối tượng tham dự. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có quy mô nhỏ hay vừa, lớn đều có thể tham dự.

Tuy nhiên, khi triển khai GTCLQG có phân loại để việc tham dự phù hợp với tất cả các đối tượng doanh nghiệp, xét trên đặc thù riêng biệt của mỗi doanh nghiệp. Ví dụ như doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn thì điều kiện sản xuất sẽ khác sau. Do đó, khi xét qua “lăng kính” 7 tiêu chí GTCLQG cũng thể hiện khác nhau, doanh nghiệp lớn khi đánh giá qua 7 tiêu chí sẽ thể hiện rõ nét hơn. Quá trình tiếp cận 7 tiêu chí của doanh nghiệp nhỏ khó khăn hơn doanh nghiệp lớn chứ chưa nói đến việc vận hành, duy trì thực hiện theo 7 tiêu chí.

Khi áp dụng 7 tiêu chí, chúng tôi thấy rằng, 7 tiêu chí giống như tấm gương phản chiếu để doanh nghiệp tự soi lại mình, tự hoàn thiện mình. Lợi ích đầu tiên doanh nghiệp nhận được khi tham gia giải thưởng chính là thông qua hoạt động kiểm tra, đánh giá của các hội đồng, chuyên gia. Thông qua quá trình đánh giá, doanh nghiệp có thể nhận thấy điểm mạnh và điểm yếu của mình để từ đó hoàn thiện mình.

Tóm lại, 7 tiêu chí là chuẩn mực, mục tiêu để doanh nghiệp hướng tới. Đây là chặng đường lâu dài và doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp lớn) có thể sẽ mất cả đời để hoàn thiện và chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn.

Năm 2020 là năm đặc biệt bởi diễn biến dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Ông nhận định như thế nào về những thách thức và khả năng ứng biến của DN Việt Nam trước bối cảnh này, đăc biệt là các DN đạt GTCLQG năm nay?

Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhìn chung, các doanh nghiệp của Việt Nam tham dự Giải thưởng CLQG đều bị ảnh hưởng, tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp Việt vẫn duy trì được hiệu quả hoạt động (dựa trên con số báo cáo kết quả kinh doanh 3 tháng gần nhất). Có một số doanh nghiệp bị chững lại, tuy nhiên, mức tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp vẫn ở mức tốt.

Thông qua khó khăn mà đại dịch gây ra, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp vẫn nhìn thấy niềm tin vào hệ thống quản trị mà họ triển khai, vận hành. Đây là vấn đề cốt lõi. Và đa số doanh nghiệp có thể có sự chuẩn bị, thậm chí lường trước khó khăn, rủi ro mà họ có thể gặp phải.

Để ý kỹ có thể thấy, trong tiêu chí của GTCLQG có những vấn đề cốt lõi đã được đề cập cách đây 20-30 năm, ví dụ như quản lý tri thức, quản trị rủi ro. Nếu doanh nghiệp thực hiện tốt, nghiêm túc những vấn đề này thì trước biến động thị trường, rủi ro từ dịch bệnh, bão lũ đều có thể đối phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực. Những rủi ro có thể nằm trong kịch bản mà doanh nghiệp đã dự liệu, chuẩn bị. Thực tế cho thấy, dù là khó khăn từ dịch bệnh hay các yếu tố khách quan khác thì một số doanh nghiệp vẫn đứng vững nhờ vào hệ thống quản trị của họ.

GTCLQG đề cao các DN áp dụng HTQLCL, công cụ cải tiến và coi trọng những đóng góp phong trào nâng cao năng suất, chất lượng cho ngành, địa phương. Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về kết quả GTCLQG năm nay? Tổng cục TCĐLCL có những định hướng gì để các DN Việt Nam có cơ hội nhiều hơn nữa đồng hành cùng GTCLQG và cao hơn là Giải thưởng Chất lượng Châu Á- TBD?

Phần lớn các doanh nghiệp khi tham gia GTCLQG ban đầu chỉ nghĩ đó là hình thức tôn vinh. Nhiều doanh nghiệp sau khi đoạt giải cũng chỉ nghĩ những hệ thống khi tham dự giải mà doanh nghiệp áp dụng sau đó sẽ không duy trì nữa. Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì, đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp theo hệ thống quản trị, tiêu chí giải thưởng rất quan trọng.

Bản thân trong Thông tư 27 chúng tôi cũng định hướng doanh nghiệp rằng mục đích không chỉ là tôn vinh mà sử dụng tiêu chí giải thưởng để hướng tới mục tiêu cao cả hơn là nâng cao hiệu quả doanh nghiệp thông qua hệ thống, công cụ cải tiến NSCL. Bản thân các tiêu chí chúng tôi cũng tham khảo rất nhiều từ chuẩn mực thế giới để có thể giúp đỡ doanh nghiệp một cách tốt nhất. Ví dụ như Xuân Hòa hiện đang sử dụng nhiều công cụ như 5S, Kaizen và vẫn duy trì trong sản xuất cho đến giờ.

Năm 2020, chúng tôi cũng tổ chức khóa đào tạo từ chuyên gia quốc tế cho doanh nghiệp về các tiếp cận giải thưởng, trong năm nay mục tiêu sẽ có 3 lớp để giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn nữa về giải thưởng cũng như mục tiêu cao cả, lâu dài mà giải thưởng hướng đến.

LONGFORM: GTCLQG tạo đà cho doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế(VietQ.vn) - Cùng với phong trào Năng suất Chất lượng của Việt Nam, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) đã góp phần nâng cao năng lực vật chất, kỹ thuật cho các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bước đường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Nội dung, thiết kế - Nguyễn Xen

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang