(VietQ.vn) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần chú ý tuân thủ quy định của quốc tế về sử dụng mã số mã vạch vì hình ảnh chung của hàng Việt.

Hoạt động quản lý nhà nước về mã số mã vạch và việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài đã được quy định từ gần 20 năm trước theo Quyết định số 45/2002/QĐ-TTg ngày 27/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung quản lý nhà nước về mã số mã vạch và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ (Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2006 và Thông tư số 16/2011/TT-BKHCN ngày 30/6/ 2011 của Bộ KH&CN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN) và được thực hiện trước khi Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 được ban hành.

Theo thông lệ quốc tế, khi đăng ký với GS1 (Tổ chức Mã số mã vạch toàn cầu), doanh nghiệp sẽ được cấp một hoặc một số tiền tố doanh nghiệp (GCP), từ đó cho phép tạo ra các mã định danh dòng sản phẩm (GTIN), đơn nhất trên toàn cầu. Do đó, các doanh nghiệp khác muốn sử dụng mã nước ngoài đã đăng ký của doanh nghiệp chủ sở hữu mã phải được ủy quyền của doanh nghiệp này. Điều này tạo sự minh bạch, góp phần chống gian lận trong quá trình thương mại quốc tế.

Hiện nay, các nước đang tăng cường kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhờ mã số mã vạch. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa các quốc gia, gian lận xuất xứ đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của các doanh nghiệp chân chính, uy tín của các sản phẩm và môi trường kinh doanh từng quốc gia.

Để chắc chắn không có chỗ cho gian lận xuất xứ, vì có thể biến một nước nào đó thành điểm trung chuyển hàng xuất khẩu giả sang nước thứ ba, một số nước đã áp dụng các biện pháp trấn áp hàng giả và gian lận xuất xứ để đảm bảo uy tín sản phẩm hàng hóa của quốc gia mình.

Cũng như nhiều quốc gia, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát, hải quan chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận, làm giả xuất xứ, dán nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trung chuyển hàng hóa trái phép. Đồng thời, tiến hành việc xác minh sử dụng mã nước ngoài, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc ghi nhãn hàng hóa lưu thông để kịp thời phát hiện các hành vi ghi nhãn hàng gian lận, làm giả sản phẩm tại Việt Nam, tăng cường năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế và góp phần minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm trên thị trường, tăng uy tín đối với khách hàng.

Liên quan đến vấn đề trên, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài, ngày 25/5/2020, Bộ KH&CN đã có công văn số 1493/BKHCN-TĐC gửi Bộ Tài chính hướng dẫn rõ về bằng chứng cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính xem xét không xử lý, xử phạt trường hợp các doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch nước ngoài gắn trên hàng hóa xuất khẩu.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi trong việc sử dụng mã nước ngoài, Bộ KH&CN đã giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính xác nhận sử dụng mã nước ngoài trong thời gian 1 ngày làm việc. Đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính này trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và nghiên cứu tích hợp với Cổng thông tin một cửa quốc gia để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về triển khai xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghị quyết 17/ NQ-CP ngày 7/3/2019. Bộ KH&CN cũng yêu cầu một số Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương tiếp nhận hồ sơ đăng ký xác nhận sử dụng mã nước ngoài.

Tới ngày 9/6/2020, Tổng cục Hải quan có công văn gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện “nới lỏng” các quy định về mã số mã vạch nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Theo đó, căn cứ ý kiến của Bộ KH&CN về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu trong giai đoạn dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc thực hiện thống nhất như sau:

Về việc gắn mã số mã vạch nước ngoài trên hàng hóa xuất khẩu, không yêu cầu người khai hải quan phải xuất trình văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài khi làm thủ tục hải quan với hàng hóa xuất khẩu. Người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng mã số mã vạch của nước ngoài gắn trên hàng hóa, bao bì sản phẩm xuất khẩu.

Về việc ủy quyền sử dụng mã nước ngoài, cơ quan hải quan yêu cầu bằng chứng cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng bao gồm một trong các hình thức sau: Văn bản ủy quyền; thư ủy quyền hoặc hợp đồng gia công, thư điện tử ủy quyền hoặc các hình thức ủy quyền khác được quốc tế công nhận, có ký tên và đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các tài liệu cung cấp.

Cơ quan hải quan không thực hiện xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến sử dụng mã số mã vạch nước ngoài gắn trên hàng hóa xuất khẩu. Trường hợp trong thông quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, điều tra các vụ án phát hiện doanh nghiệp xuất khẩu chưa có văn bản xác nhận hoặc ủy quyền sử dụng mã số nước ngoài thì có văn bản thông báo cụ thể cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng biết để xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Hoàng Linh cũng nhấn mạnh, việc sử dụng mã vạch nước ngoài tương tự sử dụng thương hiệu doanh nghiệp, nếu sử dụng phải được sự ủy quyền của họ. Doanh nghiệp cần sử dụng đúng quy định của tổ chức GS1, nghĩa là mã số mã vạch được cấp cho ai thì người đó mới được quyền sử dụng.

“Sản phẩm lấy tên người khác mà chất lượng không tốt, có thể gián tiếp ảnh hưởng hình ảnh chung của hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp phải chú ý tuân thủ các quy định của quốc tế về sử dụng mã số mã vạch”, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết.

 

Nội dung: Hán Hiển

Thiết kế: Doãn Trung

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang