Cần xem xét lại mô hình '3 tại chỗ' với doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

author 18:08 01/09/2021

(VietQ.vn) - Việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” trong thời gian dài đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, chỉ sản xuất 20-30% công suất.

Hoạt động kinh tế bị đóng băng

Sáng 31/8 đã diễn ra Hội thảo trực tuyến “Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức. Hội thảo đưa ra nhiều nhận định về khó khăn hiện tại cũng như các đề xuất, kiến nghị để giúp đỡ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, trong 19 tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả do ngành chủ lực là chế biến lương thực - thực phẩm, nguyên liệu không thể lưu trữ, bảo quản lâu ngày. Giãn cách xã hội khiến nguồn nguyên liệu thiếu hụt, quy định về lao động, vận chuyển hàng hóa khó khăn, dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất.

VCCI Cần Thơ ghi nhận từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2021, gần 10,000 doanh nghiệp đã đóng cửa và giải thể, 90% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Doanh thu quý II cúa các doanh nghiệp  giảm sút 40-50%. Chỉ 50% doanh nghiệp đáp ứng được 50-70% kế hoạch kinh doanh. Trong  tháng 8, hầu hết các hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ, chỉ có thể xuất khẩu nhỏ giọt gạo và thủy sản.

Theo ông Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng dự báo trong thời gian tới, có khả năng hàng chục nghìn doanh nghiệp phải tiếp tục rời khỏi thị trường.

Mô hình “3 tại chỗ” kém hiệu quả ở các doanh nghiệp

 Chế biến thủy sản xuất khẩu lại Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương tại KCN Thốt Nốt (Cần Thơ) - Ảnh minh họa: Danh Lam (TTXVN)

Mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) đã có hiệu quả ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Khi dịch bệnh hoành hoành ở các tính phía Nam, đây cũng là con đường cho các nhà máy, doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất. Ở Bình Dương có khoảng 1300 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ", còn ở TP Hồ Chí Minh là gần 700 doanh nghiệp. Tuy nhiên về lâu dài, phương án này lại không mấy hiệu quả, đặc biệt là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp nhỏ đa phần đều phá sản hoặc ngừng hoạt động do không thuộc ngành thiết yếu và không thể duy trì sản xuất. Còn các doanh nghiệp lớn áp dụng “3 tại chỗ” chỉ hoạt động 20-30% công suất và phải chịu nhiều chi phí hỗ trợ người lao động, nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển,… Năng suất lao động cũng giảm do áp lực tinh thần, người lao động phải đảm nhiệm công việc ở nhiều vị trí khác do thiếu hụt lao động.

Bà Võ Thị Thu Hương - Phó Giám đốc VCCI tại Cần Thơ cho biết, qua khảo sát tình hình kinh doanh quý III/2021 cho thấy: 40% doanh nghiệp cho rằng có doanh thu giảm, 40% doanh nghiệp tin rằng tình hình tiếp cận nguồn nguyên liệu sẽ kém đi; 23% doanh nghiệp có niềm tin sẽ được ngân hàng tiếp tục hợp tác tích cực hơn. Trong khi đó, cũng có 40% doanh nghiệp tiếp tục bi quan về tình hình việc làm cho người lao động, 40% doanh nghiệp tin tưởng sẽ có thể tìm kiếm giải pháp để giữ vững nhu cầu cung ứng việc làm cho người lao động trong thời gian khó khăn này và 28% doanh nghiệp khẳng định tiếp tục tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào kinh doanh.

Theo bà Võ Thị Thu Hương, ngành chế biến thủy hải sản, nông sản đổ vỡ trong chuỗi giá trị khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ”. Nguyên nhân là do năng lực tài chính của doanh nghiệp và sức ép tâm lý của người lao động. Trong thời gian ngắn nhưng địa phương ban hành quá nhiều chính sách gây biến động quá lớn.

Theo ông Trần Khắc Tâm, việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” không đem lại hiệu quả cao và nêu kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng tốt để tạo đòn bẩy mạnh mẽ khi hoạt động sản xuất kinh doanh mở lại.

Ông Nguyễn Phương Lam nói rằng, mô hình “3 tại chỗ” nên xem xét lại vì không còn phù hợp. Doanh nghiệp kiến nghị để được thực hiện “2 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ và ăn uống tại chỗ. Theo đó, người lao động được về nhà nghỉ ngơi khi hết giờ làm việc. Trong quá trình di chuyển từ nhà đến doanh nghiệp, người lao động sử dựng giấy cam kết có ghi rõ lộ trình và không được dừng, đỗ dọc đường. Đồng thời, cần ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho lao động để đảm bảo sản xuất liên tục, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, tạo tâm lý an toàn cho người lao động.

Phương Dung (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang