(VietQ.vn) - “Ở thị trường xuất khẩu, các quốc gia đặt ra yêu cầu với hàng loạt tiêu chí từ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ… Tuy nhiên, tôi luôn nghĩ những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường tiêu thụ sẽ tạo động lực phát triển cho ngành dệt may Việt Nam”, ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Giovanni Group khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn).

Vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều thương hiệu thời trang ngoại thuộc các phân khúc đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Một số thương hiệu đã gây “sốt” thị trường và ngay ở thời điểm hiện tại vẫn có sức hút lớn với người tiêu dùng Việt. Trước sự “tấn công” này, theo ông, đâu là ưu thế của thương hiệu thời trang Việt khi chinh phục người tiêu dùng trong nước, tránh xảy ra tình trạng thua ngay trên sân nhà?

Ưu thế lớn nhất của các thương hiệu thời trang Việt Nam chính là lợi thế “sân nhà”. Trong kinh doanh nói chung và thời trang nói riêng, không có gì mang lại lợi thế cho thương hiệu bằng việc am hiểu thị trường địa phương, đặc biệt là nhu cầu và văn hóa tiêu dùng.

Việc mua sắm sản phẩm thời trang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố vùng miền, văn hóa địa phương. Mỗi vùng miền, mỗi thành phố lại có những đặc trưng tiêu dùng sản phẩm thời trang rất khác nhau, dù đó là thời trang bình dân hay thời trang cao cấp.

Trong khi đó, những thương hiệu thời trang quốc tế có ưu thế bởi những mẫu mã luôn đi theo xu hướng thịnh hành nhất theo tiêu chuẩn toàn cầu nhưng họ lại không có những dòng sản phẩm dành riêng cho thị trường nhỏ lẻ, trong đó có Việt Nam. Chính vì lẽ đó, ưu thế “sân nhà” của những thương hiệu Việt được thể hiện rõ bởi họ rất am hiểu nhu cầu và mong muốn của khách hàng Việt Nam, nhất là khách hàng tại những tỉnh, thành phố không có sự hiện diện của thương hiệu quốc tế.

Khách hàng hiện nay hoàn toàn có thể mua sắm sản phẩm thương hiệu quốc tế nhờ những tiện ích của mua sắm trực tuyến nên không nhất thiết thương hiệu quốc tế phải hiện diện tại tất cả tỉnh thành, nhưng nhu cầu mua sắm sản phẩm hợp nhất với bối cảnh, không gian sống của khách hàng mới là yếu tố khiến thị trường tiếp tục lựa chọn sản phẩm của thương hiệu thời trang Việt ở nhiều phân khúc, từ bình dân đến cao cấp.

 

Đứng cạnh các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới, sự khó khăn là gì, thưa ông?

Thương hiệu quốc tế luôn có lợi thế về hình ảnh và truyền thông. Họ đã có hàng chục năm và lâu hơn thế kinh nghiệm xây dựng thương hiệu, truyền thông quảng cáo trên quy mô toàn cầu. Các thương hiệu này đầu tư rất nhiều cho nghệ thuật và sáng tạo, nên họ luôn duy trì được hình ảnh thương hiệu, cửa hàng rất long lanh và đẹp mắt.

Trong khi đó, các thương hiệu Việt Nam mới chỉ phát triển trong những năm trở lại đây. Dù đầu tư mạnh bạo đến thế nào, chúng ta vẫn là những người đi sau các thương hiệu quốc tế. Việt Nam cũng chưa có đủ đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản về lĩnh vực thời trang, chúng ta phải dùng nhân sự của những ngành khác cho nhu cầu của một công ty thời trang.

Chính vì thế, khi đứng cạnh những thương hiệu thời trang quốc tế được đầu tư bài bản và hùng hậu về kiến thức, kinh nghiệm, thương hiệu Việt Nam không khỏi lúng túng để tìm cho mình một lối đi: vừa giữ được tinh thần của riêng mình, vừa đuổi kịp những thương hiệu quốc tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, một điểm yếu của dệt may Việt Nam là phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, trong đó trên 50% nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh vấn đề khó chủ động cho sản xuất, giá trị gia tăng không cao thì chất lượng cũng là vấn đề cần bàn khi phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu và có quá nhiều rủi ro. Vậy, các doanh nghiệp cần đảm bảo yêu cầu về chất lượng ra sao?

Trung Quốc là quốc gia rộng lớn và có nhiều nguồn tài nguyên phong phú. Họ có chiến lược phát triển để trở thành công xưởng của thế giới trong nhiều lĩnh vực. Vì thế không có gì lạ khi Việt Nam hay nhiều quốc gia khác phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, đặc biệt là ngành dệt may. Và thật ra nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc có nhiều chủng loại. Trung Quốc có những nguồn cung nguyên liệu dệt may vô cùng cao cấp mà các thương hiệu xa xỉ châu Âu vẫn đang sử dụng như lông thú, tơ lụa.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc có những thay đổi về chính sách kinh tế cũng như khó lường của tình hình thế giới, các doanh nghiệp thường đối mặt nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng mà Trung Quốc là 1 mắt xích quan trọng. Sau những bài học của Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đại dịch Covid-19, chúng ta nhận ra rằng việc đặt toàn bộ nguồn cung vào 1 quốc gia, dù đó là quốc gia khổng lồ như Trung Quốc, đều là mạo hiểm và nhiều rủi ro.

Vì thế, với bài toán chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp dệt may cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào. Bản thân Việt Nam cũng có rất nhiều lợi thế và tiềm năng để trở thành thị trường sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, không chỉ cho doanh nghiệp nội địa mà còn có thể xuất ra thế giới. Tuy nhiên, điều này cần những chính sách phát triển ngành của Chính phủ như quy hoạch vùng kinh tế, khu công nghiệp. Hơn nữa, hệ thống ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành dệt may hay ngành nguyên liệu dệt may cũng cần được chú trọng phát triển đồng thời và đồng bộ.

Bên cạnh đó, muốn tham gia sân chơi của những quốc gia phát triển vốn đòi hỏi cao về tiêu chuẩn, chất lượng, Việt Nam cần xây dựng tư duy phát triển bền vững. Phát triển bền vững thể hiện ở việc đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Lý do là bởi: tiêu chuẩn dệt may tại các thị trường quốc tế đang đòi hỏi sự minh bạch về tác động môi trường cũng như kinh tế, xã hội. Có những quốc gia bị áp đặt lệnh cấm xuất khẩu vì nguyên vật liệu của họ được cho là gây ô nhiễm môi trường ở chính quốc gia sản xuất hay sử dụng lao động không được đối xử nhân đạo.

Việt Nam cũng cần chú trọng đào tạo nhân sự cho ngành dệt may. Chúng ta cần cử những đoàn công tác đi nghiên cứu và tiếp thu, mang về công nghệ hiện đại và những tiêu chuẩn, dây chuyền sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường phát triển như Nhật Bản, Âu-Mỹ.

 

Với Giovanni, ông luôn tự hào đây là thương hiệu thời trang của người Việt, thế nhưng ở phân khúc cận xa xỉ ông đã có chiến lược gì để chinh phục người tiêu dùng Việt cũng như “cạnh tranh sòng phẳng” với các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới?

Giovanni có 2 lợi thế: am hiểu thị trường bản địa và sở hữu chuỗi cung ứng hội tụ những tinh hoa bậc nhất của ngành thời trang quốc tế, với cơ sở sản xuất nằm tại Việt Nam.

Sự am hiểu thị trường, khách hàng, thói quen tiêu dùng, nhu cầu mua sắm của Giovanni được xây dựng qua 16 năm qua. Giovanni tự tin vào kiến thức, kinh nghiệm về ngôn ngữ thiết kế thời trang của thương hiệu rất phù hợp với phong cách của khách hàng mục tiêu, đặc biệt là những khách hàng trong giới doanh nhân, quản lý, lãnh đạo.

Chúng tôi sở hữu cơ sở sản xuất ngay tại Việt Nam cùng chuỗi cung ứng với các nhà sản xuất nguyên vật liệu hàng đầu thế giới từ Ý, Thụy Sỹ, Nhật Bản. Điều này giúp Giovanni có lợi thế của sự linh hoạt khi chúng tôi có thể chủ động trong phát triển sản phẩm, tùy biến mẫu mã để luôn đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường thời trang đang thay đổi từng ngày nhưng vẫn đảm bảo duy trì chất lượng, tiêu chuẩn của một thương hiệu cao cấp, cận xa xỉ.

Chính vì lẽ đó, so với những thương hiệu quốc tế cùng phân khúc, Giovanni có những lợi thế hoàn toàn khác biệt. Trong khi các thương hiệu ngoại chỉ có một vài điểm bán chính thức tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Giovanni có thể vươn tới rất nhiều các thành phố khác để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phát triển của các thị trường này. Cộng với nguồn sản phẩm luôn được cải tiến vượt trội về thiết kế và chất lượng, đó là lý do Giovanni tự tin “cạnh tranh sòng phẳng” với các thương hiệu cao cấp, cận xa xỉ quốc tế.

 

 

Ở thị trường xuất khẩu, các quốc gia yêu cầu ngày càng cao với hàng loạt tiêu chí từ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, sản xuất và tiêu dùng theo chuỗi giá trị… Theo ông, trước yêu cầu trên, doanh nghiệp dệt may Việt cần đáp ứng ra sao?

Tôi luôn nghĩ những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường tiêu thụ sẽ tạo động lực phát triển cho Việt Nam. Nếu trước đây, Việt Nam là nơi đặt cơ sở sản xuất của các công xưởng gia công vốn chuyên làm những sản phẩm bình dân để tận dụng triệt để lợi thế chi phí nhân công giá rẻ cũng như tiêu chuẩn về kỹ thuật, môi trường chưa rõ ràng và chi tiết thì ngày nay, khi các thị trường tiêu thụ tại Nhật Bản, Tây Âu, Bắc Mỹ ngày càng khắt khe về sản phẩm họ tiêu dùng, đòi hỏi chính những quốc gia xuất khẩu cũng phải tự cải tiến để tồn tại trong bối cảnh thế giới mới.

Trung Quốc trong quá khứ đã thành công với định vị sản xuất nhiều, nhanh, rẻ nhưng họ nhanh chóng thoát khỏi vị thế một nước chỉ biết làm đồ rẻ, nhiều nhưng kém chất lượng. Việt Nam không nên tiếp tục là nơi các doanh nghiệp sản xuất quốc tế tìm đến chỉ vì chúng ta có giá nhân công rẻ và tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường ở mức còn thấp hơn Trung Quốc.

Doanh nghiệp Việt Nam cần cởi mở, cầu thị trước những đòi hỏi khắt khe của các thị trường Nhật Bản và Tây phương. Chúng ta cần mời các chuyên gia quốc tế tới tư vấn cũng như cử cán bộ sang tận nơi để tìm hiểu về đòi hỏi của khách hàng, đồng thời nghiên cứu những giải pháp khoa học kỹ thuật để đáp ứng được các yêu cầu đó một cách nhanh chóng và bền vững.

 

Việc đầu tư này đòi hỏi rất nhiều, cả tiền bạc lẫn con người. Đây là chiến lược phát triển của cả ngành, mang tầm quốc gia, nên các cơ quan quản lý cần có sự hỗ trợ, song hành cùng doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư công nghệ, cơ sở sản xuất hiện đại, xanh, an toàn môi trường cho các doanh nghiệp. Ngoài việc sớm quy hoạch những vùng sản xuất, nhà nước cũng cần tạo ra chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho công nghệ dệt may hiện đại để nâng tầm ngành dệt may Việt Nam.

Chúng ta đang nói nhiều đến chuyển đổi số, ứng dụng thành quả Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tại Giovanni, nền tảng số đang được xây dựng và ứng dụng ra sao, thưa ông?

Chúng tôi là một trong những thương hiệu thời trang hiếm hoi có chủ trương và chiến lược ứng dụng công nghệ vào trải nghiệm sản phẩm và trải nghiệm mua sắm. Sản phẩm của Giovanni mang những thành quả tiên tiến nhất của công nghệ dệt may, công nghệ vật liệu như vải được xử lý sợi để mang tới bề mặt bóng mịn và mượt mà, hay công nghệ xử lý bề mặt khiến những chiếc áo sơ mi làm bằng cotton cao cấp có thể mặc ngay sau khi giặt mà không cần là ủi, giải thoát cho khách hàng khỏi nỗi ám ảnh nhăn nhàu khi sử dụng áo cotton cao cấp.

Hơn thế nữa, chúng tôi ứng dụng công nghệ đo lường nhân trắc học vào dịch vụ may đo, để khách hàng có thể đặt hàng những sản phẩm áo quần, giày dép một cách thuận tiện và chính xác với số đo cơ thể từ bất cứ đâu, giúp việc mua sắm của những khách hàng hiện đại vốn ngày càng bận rộn hối hả nay trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết.

Nền tảng số cho phép Giovanni quản lý vận hành tinh giản và hiệu quả hơn bao giờ hết. Chúng tôi quản lý dữ liệu khách hàng hoàn toàn bằng phần mềm chuyên nghiệp để đảm bảo tính năng an toàn, bảo mật tối đa cho dữ liệu của những khách hàng cao cấp, đồng thời có thể tùy chỉnh để chăm sóc nhu cầu của khách hàng hoàn toàn theo mỗi cá nhân một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Công nghệ giúp sản phẩm và dịch vụ của Giovanni trở nên gần gũi và tiện dụng với khách hàng cao cấp hơn bao giờ hết. Đây cũng là một trong những cách thức để thương hiệu cạnh tranh hiệu quả với sự gia nhập dồn dập của các đối thủ cùng phân khúc đến từ nước ngoài.

 

 

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 - một ngày đặc biệt ý nghĩa với giới doanh nghiệp, doanh nhân, ông có chia sẻ cũng như muốn gửi gắm gì cho các thế hệ doanh nhân nước nhà?

Nếu thương gia là người buôn bán, mua đi bán lại hàng hóa để kiếm lợi nhuận thì doanh nhân là người khởi xướng ra một ý tưởng, biến ý tưởng đó thành sản phẩm/ dịch vụ và góp phần vào sự tiến bộ của xã hội, nhân loại. Lợi nhuận từ ý tưởng đó là kết quả, không phải mục đích trong sự nghiệp của một doanh nhân. Doanh nhân là người tìm kiếm sự sáng tạo đột phá, nếu đi tìm lợi nhuận, họ chỉ là thương nhân.

Việt Nam từ đầu thế kỷ 21 đã luôn nung nấu khát vọng vươn lên thịnh vượng và phú cường. Ở thời điểm cách đây 10, 20 năm, chúng ta mơ hồ hình dung một Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất quốc tế, mục tiêu là thay thế một phần/ bổ sung cho Trung Quốc như một công xưởng rẻ hơn nhờ lực lượng lao động đông đảo có chi phí thấp. Những ý tưởng kinh doanh thời điểm này hầu hết xoay quanh câu chuyện làm sao để bán được sản phẩm nhiều hơn, rẻ hơn đối thủ để kiếm được nhiều tiền hơn. Mục tiêu này vô cùng cao quý, bởi mọi đồng tiền kiếm về đều góp vào việc phát triển xã hội, đất nước.

Thời điểm này, đã có một số ý tưởng táo bạo, mong muốn Việt Nam vươn lên không phải chỉ dừng lại ở một công xưởng bên cạnh Trung Quốc, cạnh tranh với Campuchia hay Ấn Độ. Việt Nam phải có vị thế nổi bật trên bản đồ quốc tế, không chỉ dừng lại ở hình ảnh một quốc gia điểm đến du lịch giá rẻ, với lao động chủ yếu gia công, chúng ta phải chinh phục cả những quốc gia tiên tiến. Đây là 1 tư duy ngược lại hoàn toàn với dòng chảy phát triển.

Bởi lẽ, khát vọng chinh phục thế giới là hướng đi vượt ra khỏi biên giới quốc gia, được xem như bất khả thi với số đông. Chúng ta còn nhớ, có những thời điểm, những ý tưởng táo bạo này vấp phải sự hoài nghi, thậm chí chế nhạo của số đông. Ngành may mặc, da giày Việt Nam luôn đặt trọng tâm vào mô hình gia công, xuất khẩu. Chúng ta mở rộng tiếp nhận đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, cho phép họ xây nhà xưởng, tuyển dụng nhân công; để họ sản xuất các đơn hàng cho thương hiệu ngoại quốc và xuất khẩu ra thế giới.

 

Những thương hiệu Việt của người Việt đều đang khai thác phân khúc trung bình, đại chúng. Vì thế thời điểm cách đây 15, 16 năm, khi khởi nghiệp xây dựng 1 thương hiệu thời trang cao cấp cho người Việt, tôi từng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Một trong những trở ngại lớn nhất, đó là sự hoài nghi và phản đối với lý lẽ: không ai đi mua một sản phẩm cao cấp, xa xỉ của người Việt, hay người Việt không thể nào tạo ra được những sản phẩm sang trọng ngay tại Việt Nam. Nhưng cuối cùng, những ý tưởng táo bạo vẫn luôn nhận được sự đồng lòng, ủng hộ.

Sản phẩm thời trang cao cấp Made-by-Viet-Nam đã xây dựng được vị thế vững chắc trên thị trường, phát triển suốt nhiều năm qua nhờ chiến lược phát triển dựa trên sự hội tụ những giá trị tinh túy nhất của chuỗi cung ứng thời trang toàn cầu tới Việt Nam. Ngành ô tô là một ngành công nghiệp nặng, cần rất nhiều công nghệ hiện đại. Khi Việt Nam khởi động dự án thần tốc sản xuất ô tô bởi người Việt, tại Việt Nam, chính những người Việt lại hoài nghi. Những lập luận như “chúng ta còn chưa làm được con ốc thì làm sao sản xuất được ô tô” được sử dụng để tấn công ý tưởng này (thực tế thì Apple không cần làm một con ốc, một cái đinh vít nào tại Mỹ, nhưng Apple tạo ra cả 1 đế chế thiết bị di động thông minh bậc nhất toàn cầu).

Thế nhưng, chiếc ô tô Made-by-Vietnam không những làm người Việt phải say mê, mà còn khiến thế giới ngỡ ngàng bởi những công nghệ tiên tiến nhất, thông minh nhất được hội tụ và gói gọn trong thiết kế sang trọng và đẳng cấp. Không chỉ tạo ra ô tô xăng, sự táo bạo và tiên phong của tinh thần doanh nhân Việt Nam còn giúp kiến tạo ra những sản phẩm công nghệ hiện đại, là tương lai của sự di chuyển.

Hình ảnh những chiếc ô tô điện Vinfast được tán thưởng, chào đón và ngưỡng mộ trên toàn cầu chính là thành quả của sự miệt mài và tinh thần can đảm mãnh liệt mà doanh nhân Việt Nam đang tiên phong, dẫn đầu trên một cuộc chơi ngày càng rộng lớn và thử thách, nhưng không kém phần vinh quang.

Ngày 13 tháng 10 là ngày Doanh nhân Việt Nam. Tôi xin gửi lời chúc mừng tới những đồng nghiệp đang ngày đêm trăn trở cho sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế và sự phồn vinh của Việt Nam. Với niềm tin chắc chắn rằng, những ý tưởng kinh doanh táo bạo mang tính đột phá, cùng với sự can đảm và tinh thần tiên phong của một dân tộc gan dạ, những doanh nhân Việt Nam chắc chắn tạo ra một Việt Nam phú cường và thịnh vượng, một ngày không xa.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nội dung: Anh Đức

Thiết kế: Ngọc Xen

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang