(VietQ.vn) - Trong nhiều năm qua, hoạt động truyền thông đã làm rất tốt vai trò của mình, đặc biệt trong việc thúc đẩy hoạt động năng suất chất lượng tại Việt Nam. Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp về vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của công tác truyền thông đối với việc thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng tại Việt Nam thời gian qua?

Có thể nói, công tác truyền thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động năng suất chất lượng tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Năng suất không phải là một khái niệm mới, cũng không phải khái niệm quá khó, tuy nhiên, để tất cả mọi người trong xã hội, các ngành, nghề, lĩnh vực hiểu được và làm được năng suất thì đó cũng có một phần trách nhiệm của các cơ quan truyền thông.

Ví dụ như một hộ kinh doanh cá thể biết được những kiến thức về năng suất để thực hiện việc tiết kiệm trong quá trình sản xuất; hoặc một doanh nghiệp biết đến công cụ cải tiến năng suất để gia tăng giá trị sản phẩm của mình. Hay một cơ quan, tổ chức quan tâm đến công cụ cải tiến năng suất chất lượng, giúp cho cơ quan nâng cao được hiệu quả hoạt động…

Qua đó có thể thấy, để làm được như vậy thì công tác truyền thông cả về chiều rộng và chiều sâu cần được thúc đẩy, triển khai liên tục. 10 năm qua, các hoạt động truyền thông về năng suất đã được thực hiện rất tốt thông qua Chương trình năng suất chất lượng 712. Trong thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động truyền thông với những hình thức và nội dung mới, sáng tạo, đa dạng. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, phóng viên cũng cần nâng cao năng lực chuyên môn của mình.

Vậy ông đánh giá như thế nào về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ truyền thông về năng suất chất lượng hiện nay?

Trong giai đoạn vừa qua, hồng vân (thực hiện) chúng ta quan tâm nhiều đến truyền thông về năng suất trên phương diện hệ thống các công cụ hỗ trợ cho đối tượng là doanh nghiệp. Chúng ta cũng có truyền thông năng suất về các hoạt động nghiên cứu, đánh giá vĩ mô về năng suất của nền kinh tế, tuy nhiên, chưa được nhiều. Truyền thông về năng suất có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp các cơ quan, bộ, ngành trong nghiên cứu, xây dựng, ban hành, triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến năng suất.

Trong năm 2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030. Có thể nói, đây là bản kế hoạch tổng thể đầu tiên để hướng tới xây dựng các chính sách về năng suất ở các bộ, ngành, địa phương với quy mô rộng. Để đáp ứng được yêu cầu này, chúng tôi thấy rằng, số lượng cũng như chất lượng của đội ngũ làm truyền thông về năng suất cần được đào tạo và tăng cường.

Đội ngũ truyền thông năng suất ở trong bộ, ngành sẽ có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến để gắn kết công tác quản lý nhà nước của bộ, ngành với hoạt động năng suất. Làm thế nào để các doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực có thể nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở góc độ địa phương, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông hoạt động năng suất trong các trường học, các khu công nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó hình thành được phong trào năng suất của các địa phương, hướng tới việc hình thành một phong trào năng suất quốc gia. Để làm được như vậy, các cơ quan từ trung ương đến địa phương cần quan tâm đến việc xây dựng và phát triển một đội ngũ truyền thông về năng suất có chuyên môn trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Trong hầu hết các chương trình, đề án, kế hoạch về nâng cao năng suất tại Việt Nam đều đề cập tới việc cần phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia, nhân lực có chuyên môn về truyền thông. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Thứ nhất, hiện nay vẫn chưa có cơ sở đào tạo hay trường đại học nào đào tạo truyền thông về năng suất. Thứ hai là, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về năng suất ít có điều kiện, cơ hội để truyền thông các kết quả nghiên cứu của mình, đặc biệt là những nghiên cứu về năng suất ở góc độ vĩ mô của nền kinh tế. 

Để có được đội ngũ truyền thông bài bản và tiếp cận trình độ quốc tế, việc xây dựng đội ngũ chuyên gia và nhân lực truyền thông có ý nghĩa rất quan trọng.

Điều này đòi hỏi chúng ta cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia hay nguồn nhân lực có chuyên môn về truyền thông năng suất trong giai đoạn tới. Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đã có hệ thống chứng nhận chuyên gia năng suất về truyền thông. Viện Năng suất Việt Nam hiện nay là 1 trong 3 tổ chức đầu tiên sẽ được Tổ chức Năng suất Châu Á chỉ định là tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất của APO, trong đó có các chuyên gia truyền thông về năng suất ở trình độ quốc tế. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng định hướng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về chuyên gia năng suất, trong đó có nhóm chuyên gia năng suất về truyền thông đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động truyền thông về năng suất chất lượng cần được đổi mới theo hướng nào để có thể tiếp cận tới doanh nghiệp và công chúng thuận lợi hơn?

Cần đổi mới cả về chiều rộng và chiều sâu, không chỉ là truyền thông cho các doanh nghiệp, cho các cơ quan chính phủ mà cần tập trung truyền thông cho người dân trong toàn xã hội. Làm thể nào để mọi người dân đều nhận thức và coi năng suất là động lực để tăng trưởng kinh tế, công cụ giúp chúng ta cải tiến, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh truyền thông trên báo chí, truyền hình, chúng ta cũng cần chú trọng truyền thông trên các kênh thông tin xã hội và hình thức khác. Đặc biệt, nội dung truyền thông về năng suất cần được thể hiện gần gũi, ngắn gọn và dễ hiểu. Mô hình truyền thông về năng suất cũng cần được đổi mới mạnh mẽ, trong đó quan tâm đến việc hình thành, phát triển các đầu mối truyền thông năng suất ở các bộ, ngành và địa phương để quảng bá, tuyên truyền hoạt động về năng suất đến người dân và doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

Doãn Trung - Hồng Vân

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang