(VietQ.vn) - Việc đo lường năng suất sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu cho tổ chức để lập mục tiêu và giám sát thực hiện, giúp đánh giá hiệu quả các hoạt động kinh tế, căn cứ trên kết quả đánh giá lên kế hoạch cải tiến và cải tổ doanh nghiệp.

Năng suất là thước đo hiệu quả của một hoạt động, vì vậy nó có ý nghĩa then chốt để đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp.

Để đánh giá năng suất của các tổ chức, doanh nghiệp cần thiết lập một hệ thống tỷ số hay còn được gọi là chỉ tiêu năng suất. Việc sử dụng chỉ tiêu năng suất nào phụ thuộc vào mục đích phân tích, đánh giá và khả năng thu thập các dữ liệu cần thiết.

Mục đích của việc tính toán các chỉ tiêu năng suất nhằm phân tích tình trạng hoạt động hiện tại của tổ chức, doanh nghiệp, so sánh với các tổ chức, doanh nghiệp khác hoặc so sánh với các tiêu chuẩn ngành nhằm đặt ra mục tiêu khắc phục những khu vực có vấn đề.

Ở cấp độ tổ chức, doanh nghiệp, có rất nhiều chỉ tiêu có thể sử dụng, trong đó chia ra 2 loại chỉ tiêu sau: 

Các chỉ tiêu định tính: Đây là việc xem xét đến định hướng chiến lược, phương thức quản lý và văn hoá doanh nghiệp. Những yếu tố này là cơ sở cho sự phát triển bền vững. Các yếu tố xem xét bao gồm: 

Yếu tố lãnh đạo: Xem xét mục đích, mục tiêu và chiến lược quản lý;

Yếu tố quản lý: Cơ cấu tổ chức, hệ thống quản lý, chính sách đối với lao động;

Yếu tố phát triển sản phẩm, công nghệ;

Yếu tố sản phẩm, chiến lược thị trường: Chất lượng sản phẩm, khả năng thâm nhập và mở rộng thị trường;

Yếu tố tài chính: Chính sách tài chính, các chỉ tiêu tài chính;

Các yếu tố khác như mối quan hệ hợp tác, mối quan hệ giữa quản lý và người lao động.

Các chỉ tiêu định lượng: Tuỳ theo mục đích phân tích có thể tập hợp các chỉ tiêu cụ thể theo nhóm khác nhau. Nhìn chung hệ thống các chỉ tiêu được chia thành 4 nhóm.

Nhóm chỉ tiêu năng suất lao động: Nhóm chỉ tiêu này cho thấy khả năng sản xuất sản phẩm hay dịch vụ ở mức chi phí lao động thấp nhất có thể. Yếu tố lao động luôn được xem xét trong mối quan hệ với các yếu tố khác.

Các chỉ tiêu thường sử dụng: Giá trị gia tăng trên chi phí lao động, năng suất lao động (giá trị gia tăng/ số lượng lao động), tổng đầu ra tính theo đầu người, chi phí lao động trên một lao động.

Nhóm chỉ tiêu năng suất vốn: Phản ánh mức độ hiệu quả trong sử dụng vốn, cho thấy khi đầu tư một đồng vốn như vậy sẽ đem lại bao nhiêu giá trị. Điều này không chỉ phụ thuộc vào việc quản lý cho quá trình sản xuất hoạt động ổn định mà đòi hỏi các chủ doanh nghiệp phải luôn tìm tòi để đầu tư cho thị trường nào, sản phẩm nào có hiệu quả nhất. Các chỉ tiêu thường sử dụng như năng suất vốn, tỷ lệ quay vòng vốn... 

Nhóm chỉ tiêu phản ánh tính cạnh tranh và khả năng sinh lợi. Nhóm chỉ tiêu này gồm 2 dạng chỉ tiêu chính:

• Hiệu quả quá trình: Đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp như lao động, nhà xưởng, máy móc và vốn để tạo ra giá trị gia tăng. Chỉ tiêu này phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ như phân công, bố trí lao động hợp lý, bố trí sản xuất phù hợp, kiểm soát chặt chẽ các quá trình đảm bảo chất lượng và giảm lãng phí, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị, tiết kiệm tối đa nguyên nhiên liệu. Chỉ tiêu thường sử dụng là giá trị gia tăng/ Chi phí nội lực...

• Khả năng sinh lợi: Phản ánh khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp. Chỉ tiêu thường sử dụng là tỷ suất thu hồi vốn đầu tư (Lợi nhuận tổng vốn đầu tư), khả năng sinh lợi (Lợi nhuận tổng đầu ra)...

Nhóm chỉ tiêu năng suất tổng hợp: Phản ánh năng suất tổng thể của doanh nghiệp. Nó cho thấy cái nhìn tổng thể về việc sử dụng có hiệu quả các yếu tố đầu vào hay không để tạo ra một lượng giá trị đầu ra cao. Chỉ tiêu thường sử dụng đó là năng suất chung (tổng đầu ra/tổng đầu vào, năng suất yếu tố tổng hợp - TFP).

Việc đo lường năng suất sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu cho tổ chức để lập mục tiêu và giám sát việc thực hiện, giúp bộc lộ những khu vực có vấn đề, đánh giá được hiệu quả hoạt động kinh tế, căn cứ trên kết quả đánh giá lên được kế hoạch cải tiến và cải tổ tổ chức, doanh nghiệp.

Bước 1: Chuẩn bị dữ liệu

Chuẩn bị các bảng báo cáo tài chính của tổ chức/doanh nghiệp như bảng tổng kết tài sản, bảng thông báo lỗ lãi, bảng kết toán sản xuất để làm dữ liệu đầu vào cho việc phân tích. Các dữ liệu đầu vào cho các chỉ tiêu năng suất được lựa chọn. 

Bước 2: Tính toán

Dựa vào các dữ liệu trên đây, tính số liệu trung gian: Tổng đầu ra, nguyên vật liệu và dịch vụ mua vào, giá trị gia tăng, tổng đầu vào, tổng chi phí sản xuất và các số liệu có liên quan khác. Tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng để phân tích, tính toán các tỷ số năng suất liên quan.

Bước 3: Phân tích

Đây là bước quan trọng nhất trong quá trình đánh giá năng suất doanh nghiệp. Việc phân tích năng suất sẽ bộc lộ những mức thay đổi, xu hướng tăng, giảm, phát triển hoặc suy thoái, mức độ tổ chức/doanh nghiệp đạt được so với tiêu chuẩn ngành hoặc so sánh với công ty khác. Khi phân tích có thể dựa trên ý nghĩa, mức độ tăng giảm của từng chỉ tiêu để thấy được xu hướng hoặc xem xét mối liên hệ giữa chỉ tiêu này với chỉ tiêu khác để có thể nhìn nhận được thực sự vấn đề đã tác động đến sự tăng giảm của năng suất.

Bước 4: Cải tiến và duy trì

Sử dụng kết quả phân tích để bộc lộ các vấn đề cần cải tiến, từ đó lập kế hoạch và tập trung nguồn lực vào việc cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức/doanh nghiệp.

Thiết kế: Doãn Trung
Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang