(VietQ.vn) - Hạ tầng Chất lượng Quốc gia (National Quality Infrastructure, NQI) là nền tảng kỹ thuật quan trọng của nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định và thành công. NQI tập hợp nhiều dữ liệu khác nhau dựa trên các phép đo và thử nghiệm có độ chính xác cao. Do đó, NQI có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động đo lường.

Các yếu tố của NQI bao gồm đo lường, tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp và công nhận. Những thành tựu về thuật toán, thống kê, bảo mật, công nghệ thông tin và truyền thông (Information and Communication Technology, ICT) nói chung tạo ra nền tảng vững chắc để tiến tới chuyển đổi số trong hoạt động đo lường cũng như lưu trữ dữ liệu đo lường được tạo ra hàng giây với tốc độ chóng mặt. Các yếu tố này trở thành nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số trong đo lường pháp định. 

Theo nghiên cứu về định hướng chuyển đổi số trong đo lường dựa trên năng lực hiện tại của các nền kinh tế sau khi phân tích về yêu cầu của người sử dụng, trên cơ sở đó, 04 định hướng mới nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong đo lường được xác định bao gồm:

Thứ nhất, định hướng về chuyển đổi số trong các dịch vụ đo lường: Đây là định hướng trọng tâm của các NMI trong việc phát triển NQI và hệ thống đo lường pháp định. Để thực hiện mục tiêu này, các Viện Đo lường quốc gia (NMI) cần xây dựng, phát triển những công cụ tham chiếu, quy trình thống kê, hạ tầng số, từ đó thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp và thanh tra, kiểm tra trong đo lường. 

Thứ hai, định hướng về đo lường trong phân tích lượng dữ liệu lớn: Mục tiêu là phát triển các phương pháp phân tích lượng dữ liệu lớn trong đo lường, cùng với phương thức đánh giá dữ liệu, phát triển các giải pháp số trong đo lường công nghiệp (song song với quá trình xử lý lượng dữ liệu lớn…). 

Thứ ba, định hướng về đo lường trong hệ thống thông tin: Hướng tới việc bảo đảm an toàn, bảo mật, hiệu quả của thông tin đo lường trong bối cảnh thông tin bùng nổ của CMCN 4.0. Trong thời đại thông tin số như hiện nay, yêu cầu đối với hoạt động đo lường trong hệ thống thông tin phải đảm bảo tính chính xác, nhanh chóng, bảo mật với toàn bộ quá trình liên kết chuẩn của các phép đo phức tạp trong mạng 5G, các đại lượng đo phi tuyến, thống kê với tần số cao, đại lượng đo từ các hệ thống thông tin số, các hệ thống ăng-ten phức tạp... 

Thứ tư, định hướng về đo lường trong mô phỏng và thiết bị đo ảo: Đây là định hướng phát triển các phương pháp phân tích và phê duyệt đo lường đối với hệ thống chuẩn đo lường được kết nối và số hóa. Mô phỏng hoạt động thử nghiệm (như: kỹ thuật đo lường tọa độ), kiểm soát tự động hóa đối với các quy trình và chuẩn đo lường… sẽ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thực hiện, đánh giá hoạt động đo lường.

Nhiều nhà nghiên cứu tại các NMI cũng đang tập trung hướng nghiên cứu tới quá trình chuyển đổi số trong đo lường. Đo lường công nghiệp với các chứng chỉ hiệu chuẩn số cho phép các tổ chức có thể trao đổi các chứng chỉ hiệu chuẩn thông qua những nền tảng số.

Theo đó, hoạt động đo lường sẽ hỗ trợ các ngành công nghiệp và tổ chức giám định, kiểm định trong việc thực hiện các hoạt động đo lường thông minh và đo lường điện tử... Đồng thời, hiện nay, một số NMI ở khu vực châu Âu đang hợp tác để tạo ra và khai thác các dữ liệu trên đám mây đo lường (Metrology cloud) nhằm hỗ trợ liên kết chuẩn và kiểm định đo lường theo hướng số hóa. Quá trình số hóa đòi hỏi việc tự tổ chức lại các hoạt động nội bộ của NQI, thay đổi các dịch vụ và cách thức phân phối... Điều này sẽ giúp NQI sớm đạt được mô hình hoạt động linh hoạt, có năng lực kết nối và tương tác cao. 

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của NQI, một số tác động ngoài ý muốn cũng có thể xảy ra. Quay trở lại với cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên, tỷ lệ tai nạn công nghiệp gia tăng nhanh chóng, cụ thể là hiện tượng cháy nổ của các nồi hơi nước.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai, những thảm họa như tai nạn dioxin ở Seveso (1976) hoặc đám mây khí độc chết người ở Bhopal (1984), thảm họa hạt nhân ở Chernobyl (1986) vẫn còn là những ký ức buồn không thể quên trong lịch sử nhân loại. Để ngăn chặn những thảm họa như vậy xảy ra, phong trào môi trường lần đầu tiên xuất hiện ở các nền kinh tế phát triển. Những phong trào này có sứ mệnh thuyết phục ngành công nghiệp hóa chất và xã hội thực hiện các hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

Nội dung: TS Hà Minh Hiệp

 Thiết kế: Doãn Trung

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang