(VietQ.vn) - Trung Quốc là một trong số ít quốc gia đạt được mức tăng trưởng liên tục trong thời gian dài (hơn 4 thập kỷ). Với số dân “khổng lồ”, Trung Quốc thường xuyên phải đối mặt với những áp lực đặc biệt trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong hơn 4 thập niên qua được đánh giá như “một phép lạ”. Các nhà kinh tế học đều nhận định: Trung Quốc là một trong những quốc gia học tập, bắt kịp công nghệ nhanh nhất trong số những quốc gia đi sau. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu quá trình vươn lên của Trung Quốc, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam trên chặng đường tương tự.

Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 9,5%/năm trong 40 năm liên tiếp (từ 1978 đến 2017). Trong lịch sử, không có quốc gia hay khu vực nào duy trì được thời kỳ tăng trưởng dài với tốc độ cao như vậy. Năm 2017, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 8.640 USD, đưa nước này trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao trên thế giới. Trung Quốc có dân số gần 1,4 tỷ người, điều đó có nghĩa là năm 2017 tổng GDP của nước này ở mức 12 nghìn tỷ USD, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Mặc dù có sự suy giảm trong những năm gần đây (2018-2020), nhưng thành công mà Trung Quốc đạt được trong 4 thập niên qua đã tạo nên một Trung Quốc bứt phá nổi bật trên thế giới.

2010 là năm đánh dấu thời điểm lần đầu tiên xuất khẩu của Trung Quốc vượt qua Đức và trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Hơn 95% hàng xuất khẩu của Trung Quốc là sản phẩm được sản xuất nội địa, đưa Trung Quốc thành một cường quốc sản xuất mới sau Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức kể từ cách mạng công nghiệp thế kỷ thứ XVIII.

Nhờ sự phát triển kinh tế nhanh chóng, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc cũng tăng với tốc độ vượt trội, từ 17,9% năm 1978 lên 58,5% vào năm 2017, tương đương 1% mỗi năm. Điều này có nghĩa là Trung Quốc có hơn 10 triệu cư dân đô thị mới mỗi năm. Thông qua tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc cũng đang đóng góp rất lớn cho các nỗ lực xóa đói giảm nghèo trên toàn thế giới. Trong cùng thời gian, hơn 700 triệu người đã được dỡ bỏ khỏi chuẩn nghèo quốc tế là 1,25 USD/ngày, góp phần vào giảm nghèo hơn 70% trên toàn thế giới.

Những thành tựu này được coi là một phép lạ. Trung Quốc đã “từ bỏ” các lợi thế tiềm năng của quốc gia đi sau và tìm cách “bắt kịp” các quốc gia phát triển thông qua công nghiệp hóa. Vậy Trung Quốc đã làm như thế nào để tạo nên kỳ tích này?

Năm 1978, để thực hiện đổi mới, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khuyến khích các lãnh đạo nước này thực hiện các chuyến đi “du học” ở nước ngoài (13 nhà lãnh đạo đã thực hiện 20 chuyến đi nước ngoài, đến cả châu Âu và châu Á), năm 1978 sau đó được đặt tên là “năm du học nước ngoài”. Bản thân Đặng Tiểu Bình đã đến thăm Nhật Bản và Singapore năm 1978, và đặc biệt ấn tượng bởi sự tiến bộ về công nghệ và mức sống cao của hai nước này.

Tại Nhật Bản, Đặng Tiểu Bình đã đi trên tàu cao tốc Shinkansen và đến thăm Tập đoàn Panasonic. Ông cảm thấy quan ngại sâu sắc về sự lạc hậu và khoảng cách công nghệ của Trung Quốc với Nhật Bản, cũng như cách Singapore sử dụng vốn nước ngoài để phát triển khả năng sản xuất của mình.

Sau năm “du học”, lấy cảm hứng từ những “con hổ châu Á” trong việc sử dụng vốn và công nghệ nước ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế, Trung Quốc đã thực hiện các chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhận thức được tầm quan trọng của việc thử nghiệm đối với chương trình cải cách kinh tế, tháng 7/1979, Trung Quốc đã quyết định thành lập các khu chế xuất/kinh tế đặc biệt (SEZ) ở bốn thành phố là Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn. Các SEZ được trao một mức độ tự chủ nhất định, giao quyền cho chính quyền thành phố để thu hút FDI nhằm mục tiêu xuất khẩu. Mặc dù tất cả các SEZ lúc đó quy mô đều khá nhỏ nhưng lại đóng góp nhiều giá trị cho sự chuyển đổi của quốc gia Trung Quốc vào đầu những năm 80. Mục đích chính của việc thiết lập các SEZ là học tập những quốc gia đi trước thông qua việc sử dụng các bí quyết đầu tư, công nghệ và hệ thống quản lý nước ngoài. Là động lực của sự thay đổi mô hình phát triển, các SEZ đã đi tiên phong trong việc tích hợp với các quốc gia trên thế giới, kích hoạt chiến lược học tập và hiệu chỉnh thể chế của hệ thống kinh tế Trung Quốc.

Nhằm mục tiêu tăng trưởng FDI và xuất khẩu, các thành phố trọng điểm đã xây dựng một loạt các chính sách, tạo thuận lợi khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án năng lượng và giao thông như sân bay, cảng, đường sắt, đường bộ và nhà máy điện.

Nhờ hiệu ứng lan tỏa của việc mở các khu kinh tế mới, tốc độ chuyển dịch công nghiệp và hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu đã tăng tốc ở khu vực đồng bằng sông Dương Tử (bao gồm hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang). Chính quyền tỉnh Giang Tô và Chiết Giang đã học cách “bắt kịp” và thực hiện chiến lược của riêng mình để thu hút FDI.

Một ví dụ điển hình là năm 1993, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã quyết định xây dựng một khu công nghiệp ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Trong tất cả các lý do mà cuối cùng Tô Châu được lựa chọn, quan trọng nhất là hiệu ứng lan tỏa tiềm năng phát triển trong tương lai của khu vực (dù rằng các thành phố ven biển thuộc tỉnh Sơn Đông là Thanh Đảo và Yên Đài có cơ sở hạ tầng thậm chí còn tốt hơn Tô Châu).

Nhờ hiệu ứng lan tỏa và sự phát triển năng lực sản xuất từ những năm trước đó, phần phía nam của Giang Tô đã nhanh chóng trở thành điểm đến chính của FDI. Gần 400 doanh nghiệp trong danh sách Fortune Global 5002 đã đầu tư ở Giang Tô, bao gồm các doanh nghiệp từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.

FDI đã đóng góp rất lớn cho sự hội nhập của Trung Quốc với thế giới kể từ những năm 90, làm cho nước này nổi lên như một “điểm sáng” của thế giới. Theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ lệ vốn FDI ở Trung Quốc là khoảng 60%, và trong một số năm (như năm 2009), con số này đạt gần 70%.

Thành công trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc chính là kết quả của quá trình học tập. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã học cách “bắt kịp” các nước phát triển thông qua quá trình tích lũy kiến thức, vốn, nhân lực... nhằm liên tục cải thiện khả năng sản xuất. Do đó, khả năng xuất khẩu của Trung Quốc liên tục được tối ưu hóa, chất lượng xuất khẩu không ngừng được cải thiện.

Thành tựu của Trung Quốc đã đặt ra cho các nhà kinh tế học câu hỏi: tại sao quốc gia này đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng như vậy trong 40 năm?

Nhìn chung, sự tiến bộ công nghệ nhanh chóng và thành công kinh tế của Trung Quốc là nhờ chuyển đổi chiến lược phát triển từ năm 1978. Thay vì theo chiến lược bắt kịp phi thực tế, Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận thực tế để quản lý quá trình chuyển đổi kinh tế; đồng thời thông qua cải cách thể chế và khuyến khích nguồn vốn FDI tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp hòa nhập với chuỗi sản xuất toàn cầu.

Tất nhiên không có mô hình chung nào áp dụng cho tất cả các bối cảnh, các hình thức thể chế khác nhau sẽ phù hợp với lịch sử và chính trị từng quốc gia khác nhau. Tuy vậy, trong trường hợp của Trung Quốc có thể thấy một số thành công trong chiến lược bắt kịp của quốc gia láng giềng này:

Thứ nhất, có thể nhận thấy rõ ràng một điều, Trung Quốc luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế và toàn xã hội tập trung nguồn lực cho mục tiêu này. Mặc dù còn nghèo, Trung Quốc đã tìm cách mở rộng năng lực sản xuất trong các ngành công nghiệp nặng tương tự như các quốc gia phát triển, với hy vọng thu hẹp khoảng cách năng suất càng nhanh càng tốt. Quốc gia này không thể đạt được mục tiêu tiếp cận các ngành công nghệ và công nghiệp tiên tiến nhất bằng hình thức chuyển giao công nghệ, nên đã tự lực trong việc phát triển các công nghệ và phải từ bỏ lợi thế của quốc gia đi sau, tận dụng lợi thế so sánh.

 

Thứ hai, Trung Quốc thực hiện cải cách theo định hướng thị trường, khuyến khích mở rộng các ngành công nghiệp với lợi thế so sánh, dẫn đến xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Bằng cách tạo việc làm, công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu đã chuyển số lượng lớn lao động thặng dư từ nông thôn và nông nghiệp sang các ngành thâm dụng lao động ở khu vực thành thị, qua đó đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng về năng suất lao động.

“Chính sách Grandfather” được đưa ra để các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn cũng như các ngành liên quan đến an ninh quốc gia tiếp tục nhận được sự bảo hộ từ Chính phủ trong quá trình chuyển đổi cơ cấu, nhằm duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội. Các SEZ được thiết lập để thu hút mạnh mẽ FDI và chuyển giao công nghệ, kết nối các nhà sản xuất Trung Quốc với chuỗi sản xuất toàn cầu và biến lợi thế của quốc gia đi sau thành lợi thế cạnh tranh toàn cầu.

Thứ ba, sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc không theo bất kỳ học thuyết nào; thay vì lưu ý các điều kiện thực tế của mình, với các điều kiện chính trị ban đầu, Trung Quốc đặt mục tiêu phải tiến về phía trước và liên tục tìm kiếm cơ hội để tạo ra các lĩnh vực mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Chính sách Grandfather là để giúp ổn định kinh tế - xã hội, nhưng trọng tâm là tạo ra các nguồn tăng trưởng mới bằng cách chuyển lao động dư thừa từ nông nghiệp sang các ngành sản xuất xuất khẩu thâm dụng lao động. Không chỉ trải qua quá trình chuyển đổi cấu trúc thành công, mà những thành tựu của quá trình chuyển đổi đã khiến cả thế giới kinh ngạc, mặc dù Trung Quốc vẫn có vấn đề về tham nhũng, chênh lệch thu nhập và ô nhiễm môi trường.

Trong hơn ba thập kỷ qua, các cải cách kinh tế của Việt Nam đã tạo ra những thành tựu đáng kể trong việc chuyển đổi đất nước từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Là một nước đi sau, Việt Nam đã chủ động rút ra những bài học phát triển kinh tế từ ba mô hình phát triển, trong đó có mô hình của Trung Quốc: chủ động cải cách để hiện đại hóa quốc gia kết hợp với việc áp dụng các nguyên tắc thị trường.

Mặc dù đã đạt được những thành công to lớn trong phát triển kinh tế so với trước đây, nhưng về cơ bản chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Xem xét sự giống nhau của các điều kiện ban đầu, kinh nghiệm của Trung Quốc với tư cách là một quốc gia đi sau có thể có ý nghĩa đối với chúng ta.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập toàn cầu; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp bằng cách tạo các điều kiện thuận lợi về chính sách, điều tiết tốt kinh tế vĩ mô; ưu tiên đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng; chủ động thích ứng và nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy tăng trưởng; đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực khoa học và công nghệ...

Hy vọng rằng, với những bài học tích lũy được, Việt Nam sẽ sớm đạt được các mục tiêu đề ra, trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Nội dung: Hà Minh Hiệp, Trịnh Thị Ngọc Quỳnh

Thiết kế: Doãn Trung

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang