(VietQ.vn) - Thử nghiệm đóng vai trò quan trọng giúp nhà sản xuất cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng nhằm tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu khách hàng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Ngày nay, thử nghiệm là một trong những trụ cột của hoạt động đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam. Thử nghiệm đóng vai trò quan trọng giúp nhà sản xuất cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng nhằm tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu khách hàng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Chia sẻ thông tin xung quanh việc quản lý nhà nước về hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện nay, hoạt động thử nghiệm chất lượng được quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Nghị định 107/2016/NĐ-CP; Nghị định 154/2018/NĐ-CP...

Nói về những thuận lợi, bà Hương cho biết, quản lý nhà nước về hoạt động thử nghiệm đã tạo cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động của các tổ chức thử nghiệm tại Việt Nam, phục vụ quản lý nhà nước đối với sản phẩm hàng hóa nhóm 2; Bước đầu chuẩn hóa năng lực và tạo cơ chế bình đẳng cho hoạt động của các tổ chức thử nghiệm; Định hướng phát triển hoạt động thử nghiệm phục vụ quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập với thông lệ chung của hoạt động đánh giá sự phù hợp trong khu vực và trên thế giới;

Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế sẽ là nền tảng cho hoạt động kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trong nước; thúc đẩy thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các nước trong khu vực, quốc tế; Đã thực hiện xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp theo chủ trương của Đảng, Chính phủ; Hoạt động thử nghiệm/đánh giá sự phù hợp giúp các doanh nghiệp kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu.

Song song với những thuận lợi, bà Hương cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như biểu mẫu Đơn đăng ký hoạt động thử nghiệm và Biểu mẫu giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm phải liệt kê đầy đủ danh mục sản phẩm hàng hóa, chỉ tiêu thử nghiệm, phương pháp thử; Khi tiêu chuẩn sản phẩm, phương pháp thử cập nhập phiên bản mới, tiêu chuẩn thử nghiệm phải thực hiện đăng ký bổ sung theo tiêu chuẩn mới; Chưa có quy định quản lý và phân công trách nhiệm cho Bộ quản lý chất lượng quản lý hoạt động đào tạo các cơ sở đào tạo ISO/IEC 17025;

Nghị định 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP chưa quy định về tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP; Cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ không đảm bảo thời gian xử lý theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP (10 ngày làm việc);

Chưa có cơ sở dữ liệu về thiết bị thử nghiệm, thử nghiệm viên của tổ chức thử nghiệm đăng ký; Tổ chức thử nghiệm không thông báo về cơ quan quản lý khi có sự thay đổi ảnh hưởng đến năng lực của tổ chức theo quy định; Tổ chức thử nghiệm không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ 1 năm/lần theo quy định; Tổ chức có năng lực, được công nhận ISO/IEC 17043 cho lĩnh vực cung cấp Chương trình thử nghiệm thành thạo trong nước còn ít.

Từ những thuận lợi và khó khăn nêu trên, bà Hương đưa ra một số giải pháp, cụ thể như sau: Thứ nhất là hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Nghị đinh 107, 154.

Thứ hai, xây dựng Đề án Hạ tầng Chất lượng Quốc gia (NQI), trong đó, xây dựng mô hình tổ chức thử nghiệm quốc gia; Tổ chức các Chương trình thử nghiệm thành thạo; Đào tạo, nâng cao năng lực thử nghiệm viên; Triển khai mô hình thử nghiệm trọng tài phục vụ quản lý Nhà nước; Thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp.

Thứ ba, thực hiện chuyển đổi số: Hình thành Hạ tầng số; Hình thành Dữ liệu số về tổ chức thử nghiệm, thử nghiệm viên, thiết bị thử nghiệm, Cơ sở đào tạo; Xây dựng nền tảng số (iSTAMEQ), chia sẻ dữ liệu.

Thứ tư, đổi mới công tác truyền thông: Tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới, các văn bản quy phạm pháp luật cho tổ chức đánh giá sự phù hợp, doanh nghiệp, người dân; Định hướng các cơ quan truyền thông hiểu đúng quy định của Nhà nước.

Đối với quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với hoạt động thử nghiệm sản phẩm hàng hóa, ông Đoàn Thanh Thọ - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế Thanh tra - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) thông tin, hiện nay, văn bản pháp luật về thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa bao gồm Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Nghị định 107/2016/NĐ-CP, Nghị định 154/2015/NĐ-CP, Nghị định 132/2008/NĐ-CP, Nghị định 74/2018/NĐ-CP.

Về điều kiện hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa gồm: Thành lập theo quy định pháp luật; Hệ thống quản lý và năng lực đáp ứng TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành; Đăng ký và chỉ định; Nhân lực và cơ sở vật chất.

Ông Thọ cũng chỉ ra một số tồn tại trong hoạt động thử nghiệm như: không sử dụng tổ chức công nhận, dẫn đến không được đánh giá, giám sát khách quan bởi bên thứ ba thường dẫn đến lỗi; về thử nghiệm viên đào tạo chưa được nâng cao kiến thức kỹ thuật các kỹ năng và kinh nghiệm, cùng với đó, sử dụng phương tiện đo, chất chuẩn chưa đúng quy định...

Về văn bản quy phạm pháp luật thanh tra và xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra áp dụng Nghị định 43/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thanh tra và Nghị định 213/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định số 27/2017/NĐ-CP; về Luật Xử lý vi phạm hành chính áp dụng Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC, Nghị định số 119/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP.

Liên quan đến xử lý vi phạm hành chính, ông Thọ nhấn mạnh, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động thử nghiệm khi chưa được cấp đăng ký; hoạt động ngoài lĩnh vực đăng ký và không thực hiện việc báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước khi quyết định chỉ định đã hết hiệu lực; Thực hiện thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước ngoài lĩnh vực đã được chỉ định; Không bảo đảm duy trì bộ máy tổ chức và năng lực đã đăng ký theo yêu cầu của tiêu chuẩn tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền; Không tuân thủ quy trình, thủ tục thử nghiệm đã được phê duyệt hoặc đã đăng ký theo quy định; Sử dụng kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm chưa được đăng ký hoạt động theo quy định.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp kết quả thử nghiệm sai; thực hiện thử nghiệm khi giấy chứng nhận đăng ký đã hết hiệu lực; thực hiện thử nghiệm ngoài lĩnh vực đã đăng ký.

Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện thử nghiệm nhưng cấp kết quả thử nghiệm; Không thực hiện khắc phục vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện thử nghiệm khi chưa được cấp đăng ký hoạt động; Thực hiện thử nghiệm phục vụ quản lý Nhà nước khi chưa được chỉ định.

Thiết kế: Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang