(VietQ.vn) - Đại dịch Covid-19 mang đến những thách thức chưa từng có với cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã nỗ lực thích ứng, vượt qua khó khăn và phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP.Hà Nội đã có những chia sẻ với PV xung quanh vấn đề này.

  

Thưa ông, số liệu thống kê 5 tháng đầu năm 2022 đã cho thấy sự hồi phục ngoạn mục của nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về hành trình vươn lên trong bão giông của cộng đồng doanh nghiệp?

Hơn 2 năm qua, tình hình kinh tế cả nước gặp rất nhiều thử thách do đại dịch Covid hoành hành toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng đứng trước nhiều khó khăn tưởng như không vượt qua nổi. Khảo sát của VCCI cho thấy, đại dịch đã khiến gần 94% DN bị chịu ảnh hưởng tiêu cực như: Tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công và đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến 91% DN phải cắt giảm quy mô lao động.  

Tuy nhiên, nhờ những chính sách quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh, cũng như các giải pháp về tài chính, tiền tệ hỗ trợ DN của Chính phủ mà tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN đã từng bước hồi phục.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, các DN sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. 

Cũng trong 5 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước đạt 152,96 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực DN trong nước tăng cao (tăng 21,2%), cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 14,8%), điều này tiếp tục cho thấy sự nỗ lực của DN trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng.

Tôi cho rằng, đại dịch Covid-19 về một khía cạnh nào đó, đã tạo ra cơ hội cho DN vươn lên, bởi họ biết là họ buộc phải đi tiếp, không thể dừng lại. Đây chính là động lực để DN quyết tâm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Và cũng chính hoàn cảnh thách thức của đại dịch đã buộc DN phải chuyển mình: Thiết kế kênh bán hàng online, chạy chương trình trên Facebook, ứng dụng chuyển đổi số để bán hàng và quản lý hiệu quả hơn. 

Trong số các doanh nghiệp vượt bão Covid thành công, rất nhiều doanh nghiệp đã đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG). Nhiều ý kiến cho rằng, việc tham gia GTCLQG giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sáng tạo cạnh tranh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Mặc dù đại dịch Covid ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng hầu hết DN tham gia GTCLQG đều vượt bão Covid thành công, phục hồi sản xuất và đạt được sự tăng trưởng khá. Kết quả này không phải điều ngẫu nhiên, theo tôi, đó chính là nhờ DN tham gia GTCLQG đã áp dụng các tiêu chí của Giải thưởng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chẳng hạn như, với tiêu chí 1 và 2 vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp; Chiến lược hoạt động của DN. Để đáp ứng 2 tiêu chí này, doanh nghiệp phải xây dựng được chính sách và chiến lược phù hợp để vừa sản xuất kinh doanh, vừa chống dịch hiệu quả. Đồng thời, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, DN cần áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực sáng tạo cạnh tranh.

Với tiêu chí 3 định hướng vào khách hàng và thị trường, các DN đã áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển sản phẩm mới, cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, thu thập và xử lý ý kiến của khách hàng…

Đại dịch Covid-19 không chỉ gây những tác động tiêu cực đến nền kinh tế mà còn tác động lớn đến nguồn lực con người, gây ra thách thức đứt gãy và thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại các DN do sự dịch chuyển lao động từ thành phố về nông thôn. GTCLQG chú trọng đến việc phát huy sự chủ động của người lao động trong việc cải tiến và sáng tạo nhằm đóng góp cho sự phát triển của DN nói riêng và xã hội nói chung.

Đáp ứng tiêu chí 5: Quản lý, phát triển nguồn nhân lực, các DN đã tiến hành quản trị trên cơ sở vì lợi ích của người lao động, đồng thời xây dựng và triển khai chiến lược thúc đẩy văn hóa DN tại nơi làm việc, tạo nền tảng cho sự phát triển và tăng trưởng bền vững của DN. 

Tương tự, các tiêu chí khác của Giải thưởng cũng được DN soi chiếu để tự hoàn thiện mình, nâng cao khả năng cạnh tranh, trình độ quản lý, uy tín và lòng tin đối với khách hàng. 

Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí của GTCLQG là minh chứng cho chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ông có lời nhắn nhủ gì đến các doanh nghiệp đã, đang và sẽ tham gia Giải thưởng?

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được đánh giá nghiêm ngặt qua các tiêu chí và Hội đồng chuyên gia dựa trên cả hồ sơ và thực địa sản xuất. Cách thức này giúp DN luôn soi mình trong các tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đây là giá trị cốt lõi mà Giải thưởng đem lại cho các DN khi ứng dụng mô hình GTCLQG trong quản lý.

Các DN tham gia GTCLQG tiếp cận giải thưởng như một công cụ quan trọng để đánh giá toàn diện các hoạt động và kết quả sản xuất kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế, mang đến những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao cho người tiêu dùng, đối tác và cộng đồng.

Đồng thời, GTCLQG mang lại uy tín cho DN, giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực, thế giới. Do vậy, tôi mong rằng, sẽ ngày càng nhiều DN tham gia GTCLQG để nâng cao nâng cao năng lực sáng tạo cạnh tranh, bởi GTCLQG chính là công cụ hữu hiệu giúp các DN Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ, soi chiếu vào đó để tự hoàn thiện mình.

Phỏng vấn: Việt Hà - Kim Liên

Thiết kế: Doãn Trung

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang