Năm 2021, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, làm chao đảo các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đã thích ứng và thực hiện thành công mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, Tổng cục TCĐLCL đã thích ứng và nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Xin ông chia sẻ kết quả nổi bật của Tổng cục trong năm vừa qua?
Năm 2021 đánh dấu một năm hết sức thành công của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL). Tổng cục đã hoàn thành các công việc mà Bộ Khoa học và Công nghệ giao phó. Đánh giá trên 4 mặt công tác có thể thấy: Thứ nhất là, chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt cuối năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa.
Thứ hai là, thực hiện tốt công tác kế hoạch tài chính. Cụ thể trong năm 2021, chúng ta kịp thời triển khai các chương trình quốc gia liên quan đến hoạt động TCĐLCL như: Chương trình 1322, Đề án 100, Kế hoạch 36, Đề án 996…
Thứ ba là, hoạt động về hợp tác quốc tế, chúng ta đã giữ vai trò là đầu mối của 14 tổ chức quốc tế, đặc biệt là giữ vai trò là Chủ tịch của một số tổ chức và đã để lại nhiều ấn tượng và hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Thứ tư là, tăng cường năng lực hệ thống, được sự ủng hộ và hỗ trợ của Bộ KH&CN, chúng ta đã tiếp tục đầu tư, tăng cường thiết bị liên quan đến hoạt động TCĐLCL. Đây là hoạt động hết sức quan trọng để Tổng cục có hạ tầng thiết bị và công nghệ phục vụ cho đất nước và người dân.
Giữa khó khăn của đại dịch, việc áp dụng nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo càng phát huy vai trò “bệ đỡ” giúp doanh nghiệp phục hồi, nâng cao năng suất chất lượng, hướng tới phát triển bền vững. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của KHCN và ĐMST với sự phục hồi của doanh nghiệp hậu Covid-19?
Đầu tiên phải nói đến vai trò của tiêu chuẩn, chúng ta phải tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu các tiêu chuẩn của quốc tế, làm sao để hỗ trợ được doanh nghiệp chịu tác động của Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh. Cũng chính tác động của Covid-19 đã khiến các tổ chức quốc tế phải đưa ra các tiêu chuẩn mới.
Ở góc độ Tổng cục TCĐLCL, chúng ta phải tiếp tục tìm hiểu, học hỏi và đưa các tiêu chuẩn mới vào để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt có bộ tiêu chuẩn ISO 22301:2018 về an sinh xã hội và mô hình kinh doanh liên tục, giúp doanh nghiệp thích ứng an toàn trong bối cảnh Covid-19.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tăng cường hậu kiểm và đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng để người dân và doanh nghiệp có thể tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, có điều kiện tốt hơn để có thể tham gia các hoạt động về TCĐLCL.
Ngoài ra, cũng cần xây dựng lộ trình giúp doanh nghiệp xây dựng bản đồ số, và áp dụng các giải pháp công nghệ số, các giải pháp khoa học công nghệ… Đặc biệt, hiện nay chúng ta có bộ tiêu chuẩn đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19.
Thưa ông, đo lường được biết đến như một công cụ quan trọng nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch xã hội và các hoạt động thương mại, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập. Xin ông chia sẻ những điểm nhấn của hoạt động đo lường trong năm qua?
Có thể nói, năm 2021 là năm bản lề triển khai các chương trình, dự án về đo lường. Đặc biệt, Bộ KH&CN đã phê duyệt Quyết định 510 về khung chương trình đảm bảo đo lường cho doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá đây là bước thay đổi cơ bản về cách thức quản lý hoạt động đo lường.
Như đã biết, trước đây, chúng ta quản lý hoạt động đo lường chủ yếu bằng các phương tiện đo lường nhóm 2, bắt buộc doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quản lý để đảm bảo độ chính xác trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã cùng với doanh nghiệp xây dựng chương trình bảo đảm đo lường, làm sao để gắn hoạt động năng suất với hoạt động đo lường, để doanh nghiệp ý thức được rằng, chúng ta thực hiện các hoạt động đo lường với mục tiêu nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiện nay, hoạt động đo lường đã thực hiện tốt ở Thái Nguyên, và sắp tới là ở Huế và Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, hoạt động đo lường cũng nhận được sự ủng hộ từ phía các tập đoàn lớn, trong đó có Tập đoàn Điện lực. Với nền tảng như vậy, hy vọng trong năm 2022, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh của mình.
Năm 2021, bất chấp khó khăn do ngoại cảnh, hoạt động hợp tác quốc tế của Tổng cục vẫn giữ được sức “nóng”. Dấu ấn hoạt động này trong năm vừa qua thể hiện ra sao, thưa ông?
Với vai trò là đầu mối của 14 tổ chức quốc tế, bất chấp những khó khăn do ngoại cảnh, Tổng cục TCĐLCL đã hoàn thành tất cả các chương trình, kế hoạch về hợp tác quốc tế do Bộ KH&CN phê duyệt, và chương trình, kế hoạch song phương với các nước. Trong đó, dấu ấn quan trọng là chúng ta hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO).
Chúng ta đã tham gia rất nhiều dự án, nghiên cứu, và Việt Nam là nước đầu tiên đưa ra ý tưởng về các dự án nghiên cứu bộ tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo, hiện được rất nhiều nền kinh tế thành viên của APO tham gia. Trong năm qua, chúng tôi đánh giá hoạt động hợp tác quốc tế đã thực hiện rất tốt vai trò là đầu mối của các cơ quan liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Càng tiến gần hơn với kỷ nguyên số, tiêu chí đặt ra với mọi thành phần kinh tế càng trở nên khắt khe hơn. Theo ông, Tổng cục cần làm gì để vừa cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhu cầu của thời đại vừa phải thay đổi để không bị tụt hậu?
Chúng ta phải đưa hoạt động tiêu chuẩn trở thành hoạt động dẫn dắt. Chúng ta thực hiện chuyển đối số nhưng phải xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn liên quan đến chuyển đổi số. Đây được đánh giá là một trong những việc trọng tâm, quan trọng của Tổng cục trong giai đoạn tới.
Cùng với tiêu chuẩn, chúng ta phải có các giải pháp số theo các tiêu chuẩn đã được công bố. Giải pháp số là nhiệm vụ hết sức quan trọng, chúng ta cần nghiên cứu xây dựng các giải pháp liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên nền tảng số, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta phải tăng cường số hóa để phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Trước đây, chúng ta đã hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc đăng ký các hoạt động dựa trên các nền tảng số. Hiện nay, chúng ta tiếp tục kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ doanh nghiệp trên nền tảng số. Hệ thống quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng cần được kết nối với các chi cục TCĐLCL địa phương, cơ quan quản lý của các bộ ngành, các tổ chức quốc tế. Như vậy, chúng ta sẽ có hệ sinh thái số giúp cho doanh nghiệp và người dân.
2022 là năm vô cùng đặc biệt, ghi dấu 60 năm vẻ vang của Tổng cục TCĐLCL. Ông có chia sẻ gì với đội ngũ người làm công tác TCĐLCL trước thời khắc trọng đại này?
Năm 2022 là năm đánh dấu hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã được 60 năm. Trong suốt 60 năm qua, chúng ta đã được Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành đánh giá, ghi nhận thành tích đóng góp. Đặc biệt, trong 30 năm đổi mới, Tổng cục TCĐLCL đã vinh dự nhận được giải thưởng của Đảng cho sự đóng góp cho 30 năm đổi mới- đó chính là nền tảng và là bước chuyển rất quan trọng để tiếp tục trong giai đoạn tới.
Trong những năm sắp tới, chúng ta cần đưa hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Việt Nam hội nhập với quốc tế mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, những đóng góp của hệ thống giải pháp và công cụ liên quan đến tiêu chuẩn đo lường chất lượng phải phù hợp với Việt Nam nhưng phải nâng tầm với quốc tế. Đó chính là trách nhiệm và sứ mệnh của người làm công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Doãn Trung - Hồng Vân