(VietQ.vn) - Là đơn vị được Bộ KH&CN giao chủ trì, thực hiện triển khai Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG), thời gian qua Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động này, giúp cho Giải thưởng ngày càng lan tỏa nhiều hơn đến với cộng đồng doanh nghiệp, qua đó nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự trưởng thành và lớn mạnh nhờ nền tảng là 7 tiêu chí của Giải thưởng. Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL đã có buổi trả lời phỏng vấn của Chất lượng Việt Nam Online trước thềm Lễ trao GTCLQG.

GTCLQG với các tiêu chí bao trùm mọi khía cạnh hoạt động của tổ chức còn cung cấp mô hình chuẩn mực cho DN để xây dựng, vận hành các hệ thống quản lý hướng vào khách hàng và áp dụng các thực hành tốt nhất. Bởi trong xu thế hội nhập và cạnh tranh quốc tế, chất lượng hàng hóa là nhân tố đứng đầu trong các tiêu chí cạnh tranh. Do vậy, việc tôn vinh tổ chức, DN làm ăn chân chính, có năng suất và chất lượng tốt là điều rất cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế.

Thưa Tổng cục trưởng, bước sang năm thứ 23 GTCLQG được triển khai, ông có thể chia sẻ những thông tin ấn tượng về chặng đường vừa qua của Giải thưởng?

GTCLQG được xét tặng hàng năm cho những doanh nghiệp áp dụng có hiệu lực và hiệu quả các mô hình, hệ thống quản lý tiên tiến; có thành tích nổi bật trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động; làm quen với các chuẩn mực quốc tế để sẵn sàng hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới; đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Các doanh nghiệp được đề cử tham gia và đạt GTCLQG là những doanh nghiệp tiêu biểu của địa phương, tham gia và đóng góp tích cực cho hoạt động năng suất - chất lượng tại địa phương và cả nước.

Sau 23 năm, đã có 1.914 lượt tổ chức doanh nghiệp được tặng GTCLQG (trước năm 2009 gọi là Giải thưởng Chất lượng Việt Nam). Trong đó có 240 lượt tổ chức/doanh nghiệp đạt Giải Vàng. Đặc biệt, trong các doanh nghiệp Việt Nam đạt GTCLQG, đã có 46 doanh nghiệp tiêu biểu được tổ chức Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (APQO) tặng Giải thưởng Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA).

Vậy mục tiêu chính mà Giải thưởng hướng tới là gì, thưa ông?

Ngay từ khi ra đời năm 1996, mục tiêu của Giải thưởng Chất lượng Việt Nam nay là GTCLQG là khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế nâng cao chất lượng hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hoá có chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới và đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đồng thời, trong quy định từ trước đến nay, điều kiện để tham dự GTCLQG cũng chỉ quy định về thời gian sản xuất kinh doanh, các yêu cầu về tuân thủ pháp luật, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng... Các doanh nghiệp tham dự được xét tặng theo 04 loại hình là sản xuất lớn, sản xuất nhỏ và vừa, dịch vụ lớn, dịch vụ nhỏ và vừa. Hoàn toàn không có phân biệt doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Theo tôi, sau 23 năm hình thành và phát triển, GTCLQG đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp hội nhập tích cực với thị trường khu vực và quốc tế. GTCLQG đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một phong trào đơn thuần và trở thành một công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, luôn tự hoàn thiện mình, nâng cao khả năng cạnh tranh, trình độ quản lý, uy tín và lòng tin đối với khách hàng.

 

 Được biết đến là một Giải thưởng có uy tín, danh giá bởi có được hệ thống tiêu chí xét giải rất khắt khe. Vậy theo ông đâu là tiêu chí quan trọng nhất để không chỉ giúp doanh nghiệp đạt giải mà còn giúp doanh nghiệp khẳng định được chỗ đứng trên thị trường?

GTCLQG triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của GTCLQG Hoa Kỳ (Giải thưởng Malcolm Baldrige). Hệ thống 7 tiêu chí của GTCLQG bao gồm: Vai trò của lãnh đạo; Chiến lược hoạt động; Chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường; Đo lường, phân tích và quản lý tri thức; Quản lý, phát triển nguồn nhân lực; Quản lý quá trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp; Kết quả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.

Khi tham gia xét giải, các doanh nghiệp phải đảm bảo được 7 tiêu chí có các mức thang điểm theo quy định. Từ tiêu chí 1- 6 là các tiêu chí của chuỗi quá trình hoạt động và đều quan trọng để tạo thành một hệ thống thống nhất. Hệ thống thống nhất này giúp cho doanh nghiệp có được nền tảng vững chắc trong việc cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, còn tiêu chí 7 là kết quả của chuỗi quá trình trên. Khi áp dụng thành công các tiêu chí này không chỉ giúp cho doanh nghiệp đạt giải thưởng mà nó còn giúp cho doanh nghiệp thay đổi cơ bản nhờ cải tiến liên tục, áp dụng được công cụ mới, những mô hình quản lý tiên tiến và thu được kết quả nổi bật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông có dẫn chứng điển hình nào về sự phát triển của doanh nghiệp sau khi tham dự và đạt GTCLQG?

Có thể nêu ra đây một số mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, tương đối hoàn thiện, tiệm cận được với chuẩn mực nước ngoài, khu vực như: Nhựa Bình Minh, Tân Á Đại Thành, Công ty Cổ phần TRAPHACO, Tổng Công ty Viglacera, Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hoà …

Một số doanh nghiệp những ngày đầu tham dự GTCLQG chỉ là một doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nhưng nay đã trưởng thành về mọi mặt, ví dụ như: Công ty Dược trang thiết bị Y tế Bình Định, khi tham dự GTCLVN (tiền thân của GTCLQG hiện nay) năm 1996 chỉ là 1 doanh nghiệp nhỏ, nhưng đến nay là 1 trong 5 doanh nghiệp hàng đầu của ngành Dược Việt Nam với doanh thu trên 1000 tỷ đồng. Hoặc như Nhà máy ống thép Việt Đức tỉnh Vĩnh Phúc, nếu năm 2005, khi đạt Giải Bạc, chỉ là 1 nhà máy quy mô nhỏ thì nay đã phát triển thành một doanh nghiệp lớn có tên Công ty CP Thép Việt Đức và đã đạt Giải thưởng Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương 2017…

Đến nay, Giải thưởng đã gây dựng được uy tín và ví thế, vậy trong tương lai Tổng cục có định hướng như thế nào để mở rộng và phát triển Giải thưởng?

Để tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động GTCLQG nhằm góp phần tạo bước chuyển biến về chất cho Phong trào Năng suất - Chất lượng trong thời gian tới, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ triển khai một số nội dung sau:

 

Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp luật về quản lý hoạt động tôn vinh, khen thưởng về chất lượng ở cấp quốc gia. Cụ thể là trong năm nay sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn triển khai cụ thể nội dung liên quan đến hoạt động GTCLQG được quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện, cập nhật nội dung các tiêu chí của GTCLQG cho phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam theo hướng thể hiện chi tiết nội dung các tiêu chí sao cho phù hợp với nhận thức, trình độ quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam giúp doanh nghiệp dễ hiểu, dễ áp dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của mình và khích lệ doanh nghiệp tham gia GTCLQG.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện và nâng chất chất lượng đội ngũ chuyên gia đánh giá đủ năng lực, phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia hàng đầu của nước ngoài về lĩnh vực giải thưởng chất lượng nhằm đảm bảo chất lượng của quá trình đánh giá, tuyển chọn.

Thứ tư, định hướng cho doanh nghiệp áp dụng các tiêu chí của GTCLQG để GTCLQG thực sự là một công cụ tự đánh giá (self-assessment) có khả năng giúp tổ chức, doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống quản lý của mình thông qua việc áp dụng và duy trì thành công các mô hình, công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến và thực hành tốt nhất. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, trong thời gian tới Cơ quan thường trực sẽ xây dựng phương án để có hình thức cho các doanh nghiệp đã đạt giải chia sẻ các kinh nghiệm, các thực hành tốt của mình từ đó nhân rộng các mô hình thành công này trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

 Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng! 

 
 

 

Hình ảnh - Thiết kế: Doãn Trung

Nội dung: Hà Thủy

Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang