
(VietQ.vn) - Chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng và tác động trực tiếp đến gia tăng năng suất lao động. Vì vậy, đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động là quốc sách hàng đầu, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), PGS. TS. Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore nhận định, năng suất lao động là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sức mạnh của nền kinh tế cũng như tương lai phát triển của một quốc gia. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh ý nghĩa của giáo dục đến nâng cao chất lượng nguồn lao động, từ đó thúc đẩy tăng năng suất.
“Trong kỷ nguyên số mọi thứ diễn biến rất nhanh chóng nên giáo dục cũng phải thích ứng linh hoạt. Giáo dục lựa chọn, đào tạo sinh viên để họ sẵn sàng cho thị trường lao động. Sứ mệnh của giáo dục là hướng đến tương lai nhằm xây dựng đội ngũ người lao động Việt Nam có đẳng cấp thế giới, có khả năng tạo ra những giá trị phát triển vượt bậc.
Theo PGS. Vũ Minh Khương, người Việt Nam có lợi thế thứ nhất là rất chịu khó học hỏi, thích ứng với internet; thứ hai là đang hội nhập sâu rộng với thế giới. "Tôi cho rằng, chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của Singapore, đó là đào tạo gắn kết trực tiếp với các doanh nghiệp", ông nói.

Cụ thể, doanh nghiệp có nhu cầu thế nào thì nhà nước “đặt hàng” gấp đôi số lượng, một nửa phục vụ cho doanh nghiệp cần, một nửa thu hút đầu tư mới. Như vậy, chất lượng đào tạo sẽ thiết thực, đáp ứng được nhu cầu của thời đại, đồng thời giảm thiểu chi phí. Con người đào tạo ra sẽ sử dụng được ngay, càng đào tạo ra những con người có trình độ tốt thì giá trị tạo ra càng nhiều.
"Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tôi tin rằng Việt Nam sẽ có những đột phá rất mạnh để tạo nên sự thành công trong thời gian tới”, PGS. Vũ Minh Khương nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Quyết - Phó Viện trưởng Viện Chủ nghĩa Xã hội Khoa học - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, chất lượng lao động hay chất lượng nguồn nhân lực là tổng thể tính chất, nét đặc trưng và năng lực người lao động, góp phần trực tiếp vào năng suất lao động và sự phát triển của tổ chức.
“Một trong những yếu tố tác động đến chất lượng lao động là giáo dục đào tạo. Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Giáo dục đào tạo trong kỷ nguyên số phải là một nền giáo dục khai phóng hướng tới sự sáng tạo”, ông Quyết chia sẻ.

Với mong muốn đưa năng suất, chất lượng đến gần hơn với sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trong 2 năm 2023 và 2024, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã kết hợp cùng 36 trường đại học, cao đẳng trên cả nước tổ chức tọa đàm trực tiếp về năng suất chất lượng. Các buổi học trực tuyến cũng được tổ chức thường xuyên và liên tục với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành.
Năm 2024 vừa qua là năm đầu tiên Ủy ban TCĐLCL Quốc gia tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về năng suất chất lượng trong sinh viên”. Cuộc thi đã thực sự tạo nên "làn sóng năng suất” trong sinh viên và thành công ngoài mong đợi. Những dự án như: Áp dụng 5S trong trường học, ký túc xá; Sử dụng chat GPT làm trợ lý thủ tục hành chính cho sinh viên trong quá trình học tập;… cho thấy sức sáng tạo của thế hệ trẻ là tài sản vô giá của quốc gia. Dự kiến năm 2025 cuộc thi sẽ tiếp tục được tổ chức và trở thành thường niên thời gian tới.
Tại một số trường đại học, cao đẳng, năng suất cũng trở thành môn học chính thức. Tính đến nay, đã có 3 giáo trình về năng suất chất lượng được biên soạn cho sinh viên các khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, luật, kỹ thuật - công nghệ.

TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, năng suất là ngày mai làm việc tốt hơn hôm nay, ngày mai suy nghĩ tốt hơn hôm nay và sâu hơn nữa là ngày mai sáng tạo nhiều hơn hôm nay. Nhưng cần đặc biệt nhớ rằng, năng suất phải được thực hiện thường xuyên, liên tục như một cuộc chạy marathon không có vạch đích vì nếu “ngủ quên trên chiến thắng” mọi nỗ lực sẽ trở về con số 0.
Trong đó, để nâng cao năng suất, việc áp dụng các phương pháp, công cụ cải tiến như 5S, TWI, 7 lãng phí, Kaizen, QCC, TPM, MFCA, Lean, KPI; các hệ thống quản lý như ISO, GMP, HACCP,… là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín trên thị trường, từ đó thúc đẩy năng suất quốc gia.

Sinh viên Lê Sỹ Thiện – Lớp 56CND-DT02 – Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên chia sẻ: “Em rất hào hứng khi nghe giảng về năng suất. Ngay sau khi nghe giảng về công cụ 5S em đã về thực hành tại phòng mình. Việc học, hiểu và áp dụng các công cụ cải tiến giúp hình thành thói quen, tư duy và sau này khi chúng em đi làm tại doanh nghiệp sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển hơn”.
Có thể nói, giáo dục có ý nghĩa to lớn giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó nâng cao năng suất lao động và hướng đến nâng cao năng suất quốc gia. Mọi yếu tố bắt nhịp tạo thành chuỗi mà nếu như “chệch nhịp” ở bất kỳ khâu nào cũng là yếu tố gián tiếp ảnh hưởng đến năng suất chung của nền kinh tế.

Nội dung, thiết kế: Thanh Tùng