Giao lưu trực tuyến

Toạ đàm trực tuyến: Công cụ cải tiến năng suất, chìa khóa hội nhập cho doanh nghiệp

author 06:31 20/07/2018

(VietQ.vn) - Vào lúc 9h30, sáng nay (19/7), tọa đàm trực tuyến: Công cụ cải tiến năng suất, chìa khóa hội nhập cho doanh nghiệp được tổ chức tại Chất lượng Việt Nam online.

Đại diện Chất lượng Việt Nam (Vietq.vn) tặng hoa các khách mời tham gia chương trình
Chương trình quốc gia Năng suất chất lượng (Chương trình 712) đã bước sang giai đoạn 2 - giai đoạn tăng tốc với mục tiêu là 60.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

Trong những năm qua, với sự chủ động của doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ của Chương trình 712, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã triển khai hướng dẫn cho hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, ứng dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Theo đó, đã có rất nhiều doanh nghiệp trở thành những điểm sáng, những mô hình điểm với những kết quả chuyển đổi ngoạn mục trong sự phát triển của mình, nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập dễ dàng hơn với nền kinh tế thế giới.

Để làm rõ hơn vai trò nền tảng quan trọng trong bài toán nâng cao năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thông qua việc áp dụng các công cụ cải tiến, Chất lượng Việt Nam online tổ chức tọa đàm trực tuyến: Công cụ cải tiến năng suất: "Chìa khóa" hội nhập cho doanh nghiệp Việt.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

- PGS - TS Tăng Văn Khiên - Chuyên gia năng suất

- Ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Chương trình giải đáp các vướng mắc, quan tâm của doanh nghiệp về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình 712, trong đó có việc phối hợp với các bộ ngành, địa phương và áp dụng mô hình điểm ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và thành công của một số doanh nghiệp điển hình áp dụng các công cụ cải tiến năng suất có hiệu quả trong thời gian qua. Đồng thời, gợi mở các vấn đề còn vướng mắc, rào cản, nhất là các thủ tục pháp lý và các cơ chế hành chính để việc áp dụng công cụ quản lý nâng cao năng suất hiệu quả hơn.

Chương trình Tọa đàm trực tuyến bắt đầu lúc 9h30. MC Thu Hà dẫn chương trình: 

MC: Thưa ông Khiên, những năm gần đây Việt Nam đang có sự hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế khu vực và thế giới, đặc biệt là khi chúng ta đã và đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, đây vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức trên chính sân nhà cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Xét từ thực trạng năng suất chất lượng của các doanh nghiệp trong nước, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Về cơ hội, tôi cho rằng là có điều kiện thể hiện và phát huy những truyền thống của mình để sản xuất ra những sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Còn thách thức, nếu sản phẩm ấy không đảm bảo được chất lượng, không đủ tiêu chuẩn thì sẽ bị loại bỏ. Nếu sản phẩm ấy tốt, có thương hiệu tốt sẽ đảm bảo cho năng suất và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế.

Nâng cao năng suất chất lượng là mục tiêu cơ bản đối với sản xuất của doanh nghiệp. Và cũng chỉ nâng cao năng suất chất lượng mới tạo ra được sản phẩm chất lượng cao khi đó mới thỏa mãn và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Và cũng chỉ có nâng cao năng suất với nâng cao chất lượng thì mới có điều kiện tạo ra và củng cố những điều kiện phát triển cũng như nâng cao đời sống của chính người lao động trong doanh nghiệp.

Nâng cao năng suất chất lượng, năng suất lao động là cơ sở để nâng cao mức độ cạnh tranh. Những năm qua, ở Việt Nam, năng suất  lao động cũng đã được tăng lên ở một mức nhất định và chất lượng sản phẩm cũng đã có những cải thiện nhất định

Tuy nhiên, nếu năng suất lao động so với các nước trong khu vực và Châu Á thì năng suất của Việt nam vẫn còn tương đối thấp và chất lượng sản phẩm có những hạn chế. Và cần có những nỗ lực phấn đấu để nâng cao hơn nữa năng suất chất lượng trong thời gian tới.

Quan hệ giữa chất lượng sản phẩm và năng suất lao động thì nếu sản phẩm có chất lượng cao hơn và tốt hơn thì sản phẩm đó sẽ  được bán với giá cao hơn và năng suất lao động được tính bằng giá trị. Vì vậy, nếu cùng sản phẩm sản xuất ra nếu sản phẩm có chất lượng cao hơn thì sản phẩm của chúng ta sẽ được bán với mức giá cao hơn và thu được số tiền nhiều hơn. Chính vì vậy nên khi có năng suất lao động cao hơn sẽ là động lực thúc đẩy để phát triển.  

Để nâng cao năng suất lao động, điều quan trọng nhất theo tôi là nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Xét về chất lượng sản phẩm ở Viêt Nam theo tôi đứng trên hai góc độ.

Một là, bản thân nhiều sản phẩm chất lượng của chúng ta vẫn còn thấp. Cho nên ta phải phấn đấu để nâng cao chất lượng sản phẩm đó. Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm chất lượng của chúng ta tốt nhưng sản phẩm của chúng ta không có thương hiệu, không được ghi nhận nên chúng ta cũng vẫn phải bán với một giá thấp. Chính vì vậy, nó đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lao động.

Vậy nên, vấn đề quan trọng nhất là vừa phấn đấu nâng cao năng suất lao động vừa phải phấn đấu nâng cao năng suất chất lượng và Nhà nước cũng cần phải có cơ chế bảo lãnh được thương hiệu mà có những sản phẩm chất lượng đó.

 PGS. TS Tăng Văn Khiên trong chương trình tọa đàm trực tuyến

MC: Như vậy theo ông để giải bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp mình, việc áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng đóng vai trò như thế nào trong các giải pháp mà doanh nghiệp cần triển khai thưa ông Khiên?

Một trong những giải pháp của chúng ta cần đó là cần được chú ý đến việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Bởi vì, chỉ có nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm thì mới thu hút, chiếm lĩnh được thị trường và đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Và khi đó mới xây dựng được thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp ngày càng lớn. Và kết hợp giữa nâng cao năng suất chất lượng cũng cần nâng cao năng suất lao động bởi như thế mới có điều kiện để tích lũy và đảm bảo giá thành sản phẩm. Và khi năng suất, chất lượng được nâng cao, giá bán giảm sẽ thu hút được người mua nhiều hơn.

Cho nên, nâng cao năng suất chất lượng và nâng cao chất lượng lao động trong điều kiện hiện nay của Việt Nam vẫn là một trong những giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo khả năng cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam trên thị trường và đặc biệt là cạnh tranh với các thị trường trong khu vực, châu lục và quốc tế.

MC: Được biết Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đã được Bộ KHCN, Tổng cục TCĐLCL triển khai ngay từ năm. Thưa ông Nguyễn Nam Hải, ông có thể cho biết những mục tiêu cũng như ý nghĩa của các giải pháp chính đang được thực hiện trong Chương trình là gì?

Kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Bộ KH&CN với cơ quan đầu mối là Tổng cục TCĐLCL đã phát động những chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng.

Tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 8/1995 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã công bố việc khởi xướng Phong trào Năng suất – Chất lượng trong thập niên Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất (1996-2005) theo sáng kiến của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ).

Triển khai thực hiện mục tiêu của thập niên chất lượng lần thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 phê duyệt Chương trình Quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020", đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng tại Việt nam, phục vụ công cuộc đổi mới doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội.

Trong thời gian qua các hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng được triển khai với nhiều hoạt động khác nhau như: xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tuyên truyền, giới thiệu về năng suất chất lượng qua các kênh thông tin đại chúng từ trung ương tới địa phương, đào tạo nâng cao kiến thức về năng suất chất lượng, phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, xây dựng các mô hình điểm áp dụng các hệ thống, công cụ và giải pháp nâng cao năng suất tại các doanh nghiệp đã thay đổi rõ nét bức tranh năng suất và chất lượng của Việt Nam.

Qua 8 năm từ khi chương trình 712 ra đời đã xây dựng được tổng hợp nhiều giải pháp, biện pháp mang tính hệ thống với hàng loạt các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý tiên tiến để giúp doanh nghiệp làm tốt hơn quá trình sản xuất của mình, hướng tới giảm chi phí, tăng năng suất.

712 là chương trình hướng vào đối tượng trọng tâm là doanh nghiệp và mục tiêu chính là tác động cơ bản để thay đổi nền tảng, hạ tầng chất lượng quốc gia. Trong đó tập trung vào việc xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn cho doanh nghiệp, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đảm bảo an toàn sản phẩm hàng hóa, tổ chức đánh giá sự phù hợp…

Chương trình cũng xây dựng nên hàng loạt hệ thống giải pháp tổng hợp và giúp đỡ doanh nghiệp tiếp cận được các hệ thống đó (bao gồm cả những kinh nghiệm, giải pháp tiên tiến trong nước và thế giới).

Tính đến nay, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ KH&CN cũng như Tổng cục TCĐLCL, các kế hoạch, chương trình nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, đã xây dựng được 8 dự án, trong đó có 2 dự án nền do Bộ KH&CN chủ trì, 5 dự án ngành thuộc các Bộ ngành khác chủ trì; 58/63 địa phương đã xây dựng dự án về nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp.

MC: Rạng Đông được biết đến với những đổi mới cơ bản cơ cấu sản phẩm và áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ đem lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Là lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp và đã có nhiều năm gắn bó, tâm huyết với việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng, ông Thăng có thể cho biết thêm những giá trị và thay đổi cốt lõi mà dự án mang lại ở Rạng Đông?

Năng suất chất lượng là yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong cạnh tranh, đặc biệt là trong xu hướng toàn cầu hóa, kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là chìa khóa tạo nên thành công của doanh nghiệp. Ngay trong thập niên chất lượng lần thứ nhất, công ty Rạng Đông đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001. Cách đây 15 năm, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất tận tình từ Tổng cục TCĐLCL nói chung và cá nhân đồng chí Nguyễn Nam Hải nói riêng. Thời điểm đó, chúng tôi đã được phía Tổng cục chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn áp dụng công cụ cải tiến, hệ thống quản lý tiên tiến một cách bài bản chuyên nghiệp.

Với những kinh nghiệm mà Rạng Đông đã có trong thời gian dài áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến, tôi cho rằng, nếu được xây dựng, áp dụng một hệ thống quản trị phù hợp, tiên tiến, làm ăn bài bản thì doanh nghiệp có thể đạt nhiều kết quả tốt trong nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Từ quý II/2016, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của Viện Năng suất Việt Nam thực hiện áp dụng các công cụ như 5S, Kaizen, Lean một cách có hiệu quả. Kết quả là gần đây nhất, tỷ lệ hợp cách ở một dây chuyền của đèn LED tăng từ 93,2% lên mức 97,6 %. Một ngày sản xuất hàng nghìn sản phẩm và với kết quả như vậy chi phí giảm đi rất nhiều. Trên một dây chuyền tự động khác, nhờ áp dụng lean, sixgma, thời gian khi chuyển đổi sản phẩm giảm từ 5,8 tiếng xuống còn 1,8 tiếng. Chúng tôi tạo được sản lượng và năng suất cao.

Nếu lấy năm 2015 làm mốc thì năng suất lao động, tính doanh thu trên người thì đạt 1.042.000.000 người/ năm. Đến quý II/2016 tăng lên 1.250.000.000/người/năm. Đến 2017 tăng lên mức 1.506.000.000 người/năm. Như vậy là năng suât lao động thường xuyên tăng từ 20-25%.

Thu nhập của người lao động tăng từ 624 triệu/người (6 tháng năm 2017) tăng lên 746 triệu/người (6 tháng năm 2018). Tổng tăng năng suất lao động là 19%.

MC: Theo ông Thăng, các khó khăn vướng mắc chính trong quá trình triển khai các dự án và điểm mấu chốt để vượt qua các khó khăn này là gì?

Từ quý II/2016 chúng tôi được chuyên gia viện năng suất tư vấn, hỗ trợ áp dụng hệ thống, công cụ tiên tiến. Trong quá trình làm việc cũng đã xác định những khâu trọng điểm cần sửa đổi, cần cải tiến mà trước đây chúng tôi chưa nhận ra.

Sau một thời gian tích cực tiếp thu sự hướng dẫn của chuyên gia, thay đổi cách quản lý, điều hành, áp dụng các công cụ tiên tiến, cách làm việc vận hành của công ty từ quy trình sản xuất đến con người đều thay đổi. Có thể lấy ví dụ, năm 2016 chúng tôi chỉ thực hiện trên 200 sáng kiến (trung bình 12 người lao động có một sáng kiến). Tuy nhiên tới năm 2017 có 574 sáng kiến (trung bình cứ 3,7 người có một sáng kiến).

Qua quá trình áp dụng, tôi nhận thấy rằng mấu chốt của việc tăng năng suất không chỉ ở chỗ áp dụng các công cụ cải tiến một cách độc lập, đơn lẻ mà phải kết hợp thêm công nghệ hiện đại, tận dụng những thành tựu mà xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang lại. Việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại còn giúp rút ngắn khoảng cách, thời gian tăng năng suất sản phẩm. Có những khâu sản xuất chúng tôi cải tiến, kết hợp thêm công nghệ thì năng suất tăng từ 3-5 lần.

 Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải và ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông trao đổi với nhau về câu hỏi đưa ra trong chương trình

MC: Được biết Giai đoạn 2 của Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đã được Bộ KHCN, Tổng cục TCĐLCL triển khai. Thưa ông Nguyễn Nam Hải, ông có thể cho biết về những mục tiêu cũng như giải pháp nào để chương trình được thực hiện có hiệu quả, đem lại tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp?

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, phía Bộ KH&CN mà trực tiếp là Tổng cục TCĐLCL đã tiếp tục xây dựng phương án, giải pháp để Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam được triển khai có hiệu quả.

Thứ nhất, trong giai đoạn hai của chương trình, quan điểm là việc xây dựng, triển khai kế hoạch giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất sản phẩm hàng hóa sẽ là công việc của tất cả các bộ, ngành chứ không riêng của bộ ngành hay địa phương nào. Chúng ta phải huy động một nguồn lực tổng thể, tạo thành “quả đấm thép” tổng hợp để chương trình được triển khai một cách sâu rộng, đem lại lợi ích thực tế.

Hai là, trong quá trình triển khai chương trình cần xác định các mô hình điểm (ví dụ có Rạng Đông), để tạo nên sự lan tỏa, tạo nên cảm hứng chung cho các doanh nghiệp khác. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đặt trong mối quan hệ tương tác với các doanh nghiệp khách theo chuỗi liên kết, doanh nghiệp hạt nhân phải đi kèm doanh nghiệp vệ tinh. Từ doanh nghiệp điểm với các hệ thống, mô hình tiên tiến sẽ chia sẻ kinh nghiệm để doanh nghiệp khác lấy đó làm gương, làm nền tảng để tạo dựng lợi ích tập thể bền vững.

Ba là, trong giai đoạn 2 chúng ta sẽ nghiên cứu các biện pháp mang tính chuyên sâu, hệ thống và phải gắn với việc tìm hiểu sâu về tình hình thực tế của doanh nghiệp để có những phương án cụ thể. Nếu cần thiết có thể thông qua hiệp hội, ngành hàng để hiểu về khó khăn cũng như mong muốn của doanh nghiệp từ đó tìm cách tháo gỡ.

Bốn là, cần xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu, tủ sách kiến thức về năng suất chất lượng để doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu, lấy đó làm nền tảng kiến thức áp dụng trong chính doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng một mạng lưới chuyên gia có thể giúp doanh nghiệp gỡ vướng.

Trong giai đoạn 1 chúng ta đã tích cực mời chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn áp dụng các quy trình cải tiến năng suất thì trong giai đoạn 2 chúng ta phải “nội địa hóa” chuyên gia. Tức là trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia nước ngoài, đã đến lúc ta củng cố, mở rộng thêm hệ thống chuyên gia trong nước.

Năm là, khi triển khai áp dụng công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến cần chú ý đến tính liên kết, kết hợp với ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo đột phá. Để làm được điều này cần xác định khâu nào là khâu mấu chốt trong quá trình sản xuất cần thiết phải cải tiến để việc đầu tư không bị dàn trải, đem lại hiệu quả cao nhất.

 
Bà Nguyễn Thị Thu Phương – Phó Giám đốc, Phụ trách Trung tâm SMEDEC 2: Từ năm 2018 - 2020, SMEDEC 2 có các nhiệm vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp như sau: Áp dụng tích hợp hệ thống quản lý, công cụ cải tiến như ISO 14000, ISO 22000, ISO 17025,….; Áp dụng mô hình huấn luyện – TWI; Áp dụng các công cụ Đánh giá hiệu quả công việc; Bố trí mặt bằng; Nghiên cứu thao tác và thời gian và các giải pháp thân thiện môi trường của năng suất xanh. Ngoài ra chúng tôi vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý và các công cụ cơ bản.
SMEDEC 2 ngoài tư vấn, đào tạo các hệ thống quản lý, công cụ NSCL, SMEDEC 2 còn có các hoạt động khác như: chuyển giao công nghệ MMTB, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, xúc tiến thương mại và đầu tư.
Trong quá trình triển khai Chương trình 712, hầu hết phần lớn các DN muốn áp dụng HTQLCL theo ISO 9001:2008/ISO 9001:2015 là nhiều nhất, vì căn bản, đây là nền móng đầu tiên cho việc áp dụng các hệ thống khác.
Còn đối với công cụ thì 5S và MFCA là lựa chọn hàng đầu của DN, vì căn bản, đây là những công cụ NSCL dễ áp dụng và mang lại nhiều hiệu quả nhiều nhất cho DN.
Hiện tại SMEDEC 2 đang hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng tích hợp hệ thống và công cụ được giao từ địa bàn từ Đà Nẵng vào miền Nam.
Việt Nam là một trong các thành viên của Tổ chức  ăng suất châu Á (APO) do Nhật Bản sáng lập, hàng năm, APO tổ chức rất nhiều khóa đào tạo về các công cụ NSCL, SMEDEC 2 hàng năm được Tổng cục tạo điều kiện cử chuyên gia tư vấn tham gia các khóa học này tại các nước khác nhau, qua thời gian tham gia đào tạo, chuyên gia được học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm về áp dụng các công cụ NSCL từ các nước phát triển như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia,... Xét thấy có những nội dung công cụ phù hợp áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam, bổ sung thêm vào danh sách các công cụ Lean, SMEDEC 2 đã đề xuất nghiên cứu, xây dựng tài liệu hướng dẫn áp dụng và đưa những công cụ này áp dụng thí điểm cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đánh giá kết quả để đề xuất phương án nhân rộng các nội dung nghiên cứu này trong tương lai.
 

MC: Có thể nói là Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá doanh nghiệp Việt Nam theo Quyết định 712 của Thủ tướng đã được Bộ KHCN đã tích cực triển khai. Thưa ông Khiên và ông Thăng, chúng ta nên làm gì để lan tỏa được những tín hiệu tích cực đến các doanh nghiệp mới?

- PGS. TS Tăng Văn Khiên: Tôi nghĩ rằng là, các doanh nghiệp cần thi đua nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng suất chất lượng và so sánh năng suất lao động giữa các doanh nghiệp. Trước hết, nên thi đua  trong một ngành và sau đó là giữa các ngành để cho thấy doanh nghiệp nào năng suất cao hơn, doanh nghiệp nào năng suất thấp hơn và tăng nhiều hay tăng ít để tìm ra lý do vì sao cao, vì sao thấp, vì sao giảm trên cơ sở đó, nghiên cứu đó xem những tác động và tìm ra được mấu chốt trên cơ sở rút kinh nghiệm khi đó mới lan tỏa được lẫn nhau và tạo nên sự thi đua trong các doanh nghiệp. Và các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm cũng cần giúp đỡ những doanh nghiệp mới trong việc nâng cao năng suất lao động, năng suất chất lượng.

- Ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông: Để lan tỏa được những tín hiệu tích cực đó thì bản thân doanh nghiệp phải mở cửa rộng rãi, phải tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại song song với các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý tiên tiến.

Chính các doanh nghiệp cũng cần xây dựng cho mình một chuỗi liên kết với các doanh nghiệp vệ tinh, trao đổi thông tin, kiến thức về những mô hình quản trị bền vững, thúc đẩy gia tăng năng suất lao động

Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Tổng cục TCĐLCL đặc biệt là Viện Năng suất Việt Nam hỗ trợ chúng tôi thực hiện một cách tổng hợp tất cả những công cụ cải tiến, hệ thống quản lý tiên tiến.

Bên cạnh đó, cũng cần có nghiên cứu, tính toán kỹ càng ở phạm vi doanh nghiệp về yếu tố năng suất tổng hợp trên cơ sở đó doanh nghiệp có cơ chế khuyến khích nhà khoa học quản trị, kỹ thuật  khoa học kỹ thuật để cải tiến hơn nữa.

- Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết thêm: Về chương trình 712 thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ KH&CN giao Tổng cục TCĐLCL nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ thống quy chuẩn để đối sánh về năng suất.

Trên cơ sở đó có thể so sánh về năng suất lao động của một doanh nghiệp trong ngành cụ thể với tất cả doanh nghiệp tương tự (cả trong và ngoài nước) để ta thấy được vị trí của ta đang ở đâu và có hướng phấn đấu.

Tất nhiên, trong nghiên cứu này sẽ có tính toán năng suất từ góc độ quy mô doanh nghiệp theo chuẩn nào (từ giá trị gia tăng, doanh thu). Về đề tài nghiên cứu nói trên hiện Tổng cục TCĐLCL cũng đang giao cho các đơn vị chức năng trong đó có Viện Năng suất Việt Nam để đề xuất nhiệm vụ, phương án thực hiện trong thời gian tới.

Chương trình Tọa đàm trực tuyến kết thúc lúc 11h10.

Ông Đào Tiến Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần may Nam Hà cho biết, từ năm 2010, Công ty đã bắt đầu tổ chức đào tạo về Lean cho đội ngũ quản lý từ cấp cơ sở đến cấp cao. Những năm tiếp theo, với sự tư vấn của các chuyên gia năng suất của Viện Năng suất Việt Nam, Lean, 5s, TPM, Kaizen bắt đầu được triển khai ứng dụng trong sản xuất kinh doanh, cùng với đó tại may Nam Hà.

Kết quả, sau 6 tháng triển khai dự án cải tiến Kaizen, Công ty Cổ phần May Nam Hà đã giảm được tỷ lệ hàng sai lỗi từ 8,8% xuống còn 8,1%, giảm 25% hàng tồn trên chuyền, hàng tồn so với năng lực sản xuất giảm từ trung bình 2,37 ngày xuống còn 1,34 ngày, sản lượng bình quân ngày tăng từ 415 sản phẩm lên 899 sản phẩm. Đi cùng với đó, thu nhập của người lao động năm 2017 tăng cao đạt hơn 8,2 triệu đồng/người/tháng, gấp gần 4 lần so với năm 2009.

Về thuận lợi, thực hiện các công cụ, cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng, ông Dũng cho biết đó là sự cam kết của lãnh đạo, bộ máy cán bộ của công ty tương đối ổn định và là kết quả mang phấn khởi đã cổ vũ cho người lao động thêm động lực và tinh thần sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi cũng tồn tài những khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc kiên trì, việc bài bản, việc thiết kế các cơ chế chính sách để làm sao toàn bộ các chương trình khi tư vấn thì được duy trì, phát triển, chủ động để tạo sự thay đổi. Bởi vì, nếu không có được như thế nó sẽ ra đi, sau khi chuyên gia tư vấn ra đi. Hay nói cách khác là chữ thầy sẽ trả thày nếu không có cơ chế, không có khách làm phù hợp với doanh nghiệp mình.

Khó khăn tiếp nữa là từ xuất phát điểm của người lao động, cán bộ từ nông dân, từ thợ thủ công, học sinh chưa quen với môi trường sản xuất công nghiệp, chưa quen với tư duy được định lượng, được đo lường chính xác.

Bên cạnh đó, việc triển khai không thể ngày một, ngày hai được mà triển khai phải có điểm, sau đó triển khai rộng ra và chứng minh cho người lao động là tất cả những chương trình ấy phải đem lại lợi ích thiết thực cho họ. Còn nếu người lao động họ không cảm thấy không nhận thấy lợi ích đó thiết thực thì tất cả chương trình sẽ thất bại.

BBT

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

thương hiệu doanh nghiệp

Về đầu trang