Chợ đêm bán tràn lan dây điện trở nấu nước không hợp quy

authorHoàng Dương 19:03 03/04/2017

(VietQ.vn) - Dây điện trở nấu nước là một trong những mặt hàng bắt buộc phải có tem chứng nhận hợp quy để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, tại nhiều khu chợ đêm Hà Nội, dây điện trở nấu nước không có tem CR vẫn được bán tràn lan.

Sự kiện: tin tức thị trường

Theo khảo sát của PV tại thị trường tại Hà Nội cho thấy, nhiều khu chợ đêm dành cho sinh viên vẫn xuất hiện những gian hàng công khai bày bán các sản phẩm dây điện trở nấu nước không dán tem hợp quy CR theo quy định.

Không khó để mua được những chiếc dây điện trở nấu nước không nhãn mác tại chợ đêm Phùng Khoang (Nam Từ Liêm – Hà Nội). Theo nhiều người bán cho biết, những sản phẩm họ bày bán có xuất xứ từ các công ty sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trên những chiếc dây điện trở này lại không hề có một chút thông tin gì về nơi sản xuất hay hướng dấn sử dụng. Đặc biệt hơn, khi dây điện trở là một trong 13 mặt hàng điện, điện tử bắt buộc phải có tem hợp quy thì tại đây, những chiếc dây điện trở này đều có không có.

Khi được PV hỏi tại sao những chiếc dây điện trở có xuất xứ từ công ty sản xuất mà không để nhãn mác tạo uy tín thì một người bán hàng nói rằng, những chiếc dây điện trở mà chị này nhập về bán từ nguồn một công ty sản xuất ở Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây là nguồn hàng công ty này sản xuất để xuất khẩu. Tuy nhiên, vì là hàng sản xuất số lượng lớn, hàng xuất đi thừa và chưa kịp dán nhãn mác thì đã được bán lại cho các thương lái theo đường “cửa sau”.

"Chất lượng em yên tâm đi. Hàng công ty chuẩn của chị đấy, chị có người quen làm việc ở đó nên mới mua được và bán giá rẻ, chứ em đi khắp Hà Nội không mua được hàng giá rẻ đâu. Đây là hàng xuất khẩu hẳn hoi, do họ làm thừa nhiều quá nên họ phải bán theo đường “cửa sau” mà phải quen biết mới mua được giá rẻ”, chị này nói.

 Khi PV hỏi tên cụ thể của công ty sản xuất tại Minh Khai như lời kể thì người bán hàng không tiết lộ. Giá thành một chiếc dây điện trở nấu nước chỉ 30 – 50.000 đồng/chiếc. Khách hàng mua hàng chủ yếu là các bạn sinh viên.

Chợ đêm – Địa chỉ bán dây điện trở nấu nước không hợp quy

 Không khó để mua những chiếc dây điện trở nấu nước không tem nhãn như thế này tại nhiều khu chợ đêm ở Hà Nội

“Minh Anh (Sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: “Với sinh viên chúng em, dây nấu nước bằng điện trở này khá là tiện dùng. Chỉ cần nhúng một đầu vào các vật dụng chứa nước bất kì kể cả đồ nhựa, sau đó, cắm một đầu vào ổ điện. So với ấm siêu tốc thì nấu nhanh hơn và cũng rẻ hơn. Vậy thì không tội gì mà chúng em không mua cả”.

Khi được hỏi về mức độ an toàn thì Minh Anh nhấn mạnh: “Chỉ cần trong quá trình sử dụng, mình không chạm tay và tránh xa nó cho đến khi đun sôi nước thì thôi. Chứ em cũng không biết đến những nguy cơ nguy hiểm khác”.

Ngoài Minh Anh, phần lớn các bạn sinh viên đều biết đến những chiếc dây điện trở này. Tuy nhiên, khi hỏi về tem CR thì các bạn đều lắc đầu và tỏ vẻ không quan tâm.

 “Em nghĩ rằng, đây là loại dây có cấu tạo đơn giản, cách sử dụng nó cũng đơn giản. Khi dùng thì cắm phích vào ổ như bình thường mình sử dụng các thiết bị khác. Khi không dùng tháo ra, chỉ vậy thôi. Nếu có chập cháy em nghĩ do nguồn điện quá tải mà thôi. Chứ trước đến nay, em thấy ở chợ vẫn bán loại dây này với giá 40.000 đồng mà cũng không thấy nhắc đến tem CR hay các loại tem khác”, Nam Thành (Sinh viên Đại học Kiến Trúc cho biết).

Ngoài chợ đêm Phùng Khoang, những loại dây điện trở nấu nước không rõ nguồn gốc kể trên còn được bày bán nhiều tại chợ sinh viên Cầu Giấy, chợ Giời (Phố Huế) và cả trên mạng xã hội. Thậm chí, tại chợ Giời (Phố Huế - Hà Nội) nếu hỏi mua buôn, nhiều gian hàng còn bán với giá 20.000 đồng/chiếc dây điện trở nấu nước mà không có bất kì tem, nhãn mác nào.

Chất lượng em yên tâm đi. Hàng công ty chuẩn của chị đấy, chị có người quen làm việc ở đó nên mới mua được và bán giá rẻ, chứ em đi khắp Hà Nội không mua được hàng giá rẻ đâu. Đây là hàng xuất khẩu hẳn hoi, do họ làm thừa nhiều quá nên họ phải bán theo đường “cửa sau” mà phải quen biết mới mua được giá rẻ”, chị này nói.   Khi Pv hỏi tên cụ thể của công ty sản xuất tại Minh Khai như lời kể thì người bán hàng không tiết lộ. Giá thành một chiếc dây điện trở nấu nước chỉ 30 – 50.000 đồng/chiếc. Khách hàng mua hàng chủ yếu là các bạn sinh viên.

Là người tiêu dùng thông minh, hãy nói "không" với dây điện trở không nhãn mác, xuất xứ rõ ràng để đảm bảo sức khỏe và tính mạng 

Ông Phạm Quang Tám, Chuyên viên của Trung tâm điện tử, điện lạnh Hà Nội thì dây điện trở là thiết bị nấu nước bằng việc chuyển hóa điện năng thành nhiệt năng. Nhờ được thiết kế nhỏ gọn, đơn giản nên là mặt hàng được sinh viên, những gia đình có thu nhập thấp ưa chuộng.

Ông Tám khuyến cáo, dây điện trở nấu nước chính là một trong những sản phẩm nguy hiểm nhất. Thậm chí, còn gây nguy hiểm đến tính mạng con người nếu người tiêu dùng không lựa hàng chính hãng đảm bảo chất lượng.

“ Loại dây này có cấu tạo rất đơn giản. Vậy nên, nếu người dân mua hàng kém chất lượng sẽ rất nguy hiểm.  Phần đầu của những chiếc dây điện trở này được nối giữa dây dẫn điện và dây may so. Nếu các mỗi nối không chắc chắn dẫn đến rạn, nứt khi đó, nước ngấm theo khe nứt và tiếp xúc với nguồn điện gây nhiễm điện ra ngoài và nguy hiểm đến tính mạng”, ông Tám nói.

Ông Tám phân tích thêm, nếu là dây điện trở không đạt chuẩn, khi sử dụng, nhiệt độ dây tăng cao, sẽ làm nóng chảy lớp kim loại bảo vệ và làm mất tác dụng của lớp bột cách điện và người dùng dễ dàng bị  điện giật trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, khi dùng dây điện trở nấu nước để uống, pha đồ ăn còn có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người.

Vậy nên, để đảm bảo an toàn, người dùng nên không nên lựa chọn các sản phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hãy lựa chọn những sản phẩm chính hãng có dán tem hợp quy. Tại nhiều siêu thị điện máy, của hàng thiết bị điện, giá một chiếc dây điện trở chính hãng có dán tem hợp quy có giá chỉ từ 80.000 đồng cùng với đó là chế độ bảo hành của nhà sản xuất.

Quy định về dấu hợp quy trên sản phẩm thiết bị điện, điện tử lưu thông trên thị trường

Ông Nguyễn Quốc Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KHCN) cho biết, tại QCVN 4:2009/BKHCN đã quy định “ Các thiết bị điện và điện tử khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; phải được chứng nhận hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là cơ quan kiểm tra) (điều 3.1)”. Do đó, các thiết bị điện, điện tử thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, khi lưu thông bắt buộc phải được gắn dấu hợp quy (CR).

Việc xử phạt hành vi vi phạm này được thực hiện theo quy định tại Nghị định 80/2013/NĐ-CP (Điều 19) tương ứng với hành vi vi phạm thực tế.

Ngoài ra, tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN đã quy định “Dấu hợp quy được sử dụng trực tiếp trên sản phẩm , hàng hóa hoặc trên bao bì hoặc trong tài liệu kỹ thuật hoặc trên nhãn gắn trên sản phẩm, hàng hóa ở vị trí dễ thấy, dễ đọc; Dấu hợp quy phải bảo đảm không dễ tẩy xóa và không thể bóc ra gắn lại”.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang