Chủ động phương án ứng phó bão số 13 với mức độ cao nhất cả trên biển và đất liền

author 08:43 14/11/2020

(VietQ.vn) - Bão số 13 rất khó dự báo chính xác, tất cả các địa phương phải tập trung chuẩn bị và triển khai ứng phó với mức độ cao nhất cả trên biển và trên đất liền.

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương để ứng phó với bão số 13 ngày 13/11/2020.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đây là cơn bão cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến rất phức tạp, hướng di chuyển không ổn định, có khả năng đi dọc tuyến biển từ Bình Định đến Thanh Hóa - là khu vực đã bị tổn thương rất lớn do các đợt bão, lũ liên tiếp vừa qua.

Trường hợp bão đổ bộ vào ban đêm thì triều ở mức cao (tại cửa Gianh: 1,9m). Sóng biển cao từ 4-6m, vùng tâm bão cao từ 8 đến 10m.

Khả năng bão số 13 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế trong sáng ngày 15/10 (Chủ nhật). Thủy triều cao nhất tại khu vực Cửa Ranh, sóng có thể đến 10m. Hiện lũ trên toàn tuyến sông từ Bình Định đến Thừa Thiên-Huế vẫn hầu hết ở mức báo động 3.

Khu vực bão dự kiến đổ bộ có hệ thống nuôi trồng thủy, hải sản rất lớn, với tổng diện tích 42.822ha và 150.609 lồng, bè. Các địa phương có số lượng lồng bè lớn là Thanh Hóa 13.000, Thừa Thiên Huế 6.350, Bình Định 4.591, Phú Yên 120.618. 

Yêu cầu các địa phương thực hiện việc gia cố, di dời lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên biển, ven biển. Kiên quyết sơ tán người dân trên các lồng, bè, chòi canh và trên tàu thuyền trước khi bão ảnh hưởng và tuyệt đối không được chủ quan, cố tình quay trở lại khi bão đổ bộ hoặc chưa tan hẳn.

Ông Trần Quang Hoài- Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, các địa phương đã thông báo, hướng dẫn tổng số 59.752 phương tiện/289.062 người, trong đó hoạt động trên biển 4.175 phương tiện/27.963 người, neo đậu tại các bến 55.577 phương tiện/261.099 người. Hiện không còn phương tiện nào trong khu vực nguy hiểm.

Các địa phương đã triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo TWPCTT; trong đó 8 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định thực hiện cấm biển. Một số tỉnh đã thực hiện công tác di dời dân: 833 hộ (Quảng Bình: 108; Quảng Trị 574; Đà Nẵng 151).

Nhận định, bão số 13 sẽ đổ bộ ven biển, đất liền miền Trung vào tối mai đến sáng ngày 15/11 với cường độ mạnh, giật cấp 11, nếu không kịp thời sơ tán người dân thì thiệt hại sẽ rất khó lường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, tất cả các địa phương phải tập trung chuẩn bị và triển khai ứng phó với mức độ cao nhất cả trên biển và trên đất liền.

Theo đó, trên biển phải kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển, trú tránh của các tàu thuyền, kể cả các tàu vận tải, tàu vãng lai, tàu neo đậu hoặc đang thi công tại các cửa sông, không để xảy ra tình trạng chủ quan, bị sự cố. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các nhà giàn trên biển. Tổ chức sơ tán khách du lịch trên các đảo vào đất liền.

Trên đất liền, cần kiểm tra, rà soát triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, vị trí sạt lở ven biển, nhất là các tuyến đê, kè xung yếu trực diện biển, đã xảy ra sự cố hoặc đang thi công, khu vực bờ biển đang sạt lở có nguy cơ cao.

Với mục tiêu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, phải rà soát, sơ tán người dân, công nhân lao động, sinh viên thuê trọ ra khỏi các nhà không an toàn, các nhà vừa sửa chữa khắc phục sau bão số 9, khu vực nguy hiểm, vùng thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; Chủ động sơ tán dân khỏi các khu vực thấp trũng, cửa sông ven biển có nguy cơ bị ngập sâu, kéo dài.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai bảo vệ các công trình thủy lợi, thủy điện, bảo vệ an toàn hồ đập, vận hành an toàn hồ chứa; đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc, điện lưới...

Lê Kim Liên 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang