Công ty chuyển phát nhanh GNN vỡ nợ 5,5 tỷ: Có khách hàng bay từ Pháp về để đòi tiền

author 21:54 06/09/2018

(VietQ.vn) - Để tránh rủi ro cho những dịch vụ mới đang chuẩn bị phát sinh, các công ty khác đang làm, trước hết khi sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, khách hàng phải xem công ty đó có chức năng chuyển tiền hay không.

Liên quan tới sự việc Công ty CP Chuyển phát nhanh GNN Express vỡ nợ 5,5 tỷ đồng, theo ghi nhận của phóng viên khi có mặt tại trụ sở công ty ở phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội vào đầu giờ chiều ngày 6/9, hiện tại, biển hiệu công ty đã bị dỡ bỏ. Thông tin tới phóng viên, chủ nhà – nơi công ty thuê địa điểm cho biết, phía công ty đã thanh toán hết tiền nhà và hai bên chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước đó mấy ngày.

Biển hiệu công ty đã bị dỡ bỏ tại địa chỉ ở phố Nguyễn Lương Bằng.

Trao đổi với phóng viên, một nhân viên công ty chuyên giao – nhận hàng của khách cho biết, theo lịch đến ngày mùng 10 anh sẽ được nhận lương. Tuy nhiên, trước sự việc công ty vỡ nợ, anh tỏ ra vô cùng lo lắng khi có thể mất trắng tiền lương hơn 10 triệu đồng cùng số tiền đặt cọc 3 triệu đồng.

“Từ ngày 1/9, sau khi công ty tuyên bố vỡ nợ đến nay, chúng tôi không liên hệ được với phía công ty. Giờ tôi chỉ mong nhận được cuộc điện thoại từ kế toán thông báo tới lấy tiền lương. Với những người làm công ăn lương như chúng tôi, số tiền ấy là khá lớn”, nhân viên này chia sẻ.

Theo nguồn tin của phóng viên, trong số những người tới công ty để đòi nợ, có người bay từ TP.HCM ra nhưng chưa thể đặt vé ngày về khi chưa có câu trả lời cho số tiền công ty đang nợ; cũng có người bay từ Pháp về sau khi có thông tin công ty này vỡ nợ và các đơn hàng của khách hiện vẫn nằm lại kho của công ty này mà chưa được giải quyết…

Chia sẻ với PV vào sáng 6/9, ông Hoàng Ngọc – Giám đốc Công ty GNN cho hay, hiện tại công ty chỉ tạm dừng hoạt động chứ không phải tuyên bố phá sản. Trước câu hỏi của PV về đơn tự thú ký tên Hoàng Ngọc được gửi tới các cơ quan chức năng, ông Ngọc xác nhận, đó chính là những nội dung ông viết ra.

Liên quan tới sự việc trên, theo phân tích của Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, trong trường hợp này, quyền lợi của khách hàng sẽ không được đảm bảo. Luật sư Hòe viện dẫn quy định trong Luật phá sản cho hay, nếu được Tòa án công nhận công ty phá sản, sau khi Tòa xem xét, đánh giá thu thập toàn bộ những tài sản có liên quan đến vốn chủ sở hữu của bị đơn tức công ty tuyên bố phá sản sẽ xác định hết các chủ nợ và con nợ. Tòa án sẽ xem xét phán quyết theo trình tự là trả nợ cho người lao động trước, trả nợ đến thuế, trả đến nghĩa vụ mà con nợ thực hiện vay có giao dịch đảm bảo sau đó mới trả đến những chủ nợ không có giao dịch đảm bảo.

“Như vậy hiện nay, người có nghĩa vụ liên quan đang đứng hàng thứ 4 với quyền của họ khi chủ nợ tuyên bố phá sản. Rõ ràng, họ đã nhìn thấy kết quả của mình nếu Tòa tuyên bố doanh nghiệp phá sản”, Luật sư Hòe nói. 

Bên cạnh đó, Luật sư Hòe cũng chia sẻ thêm, theo luật, dịch vụ chuyển tiền là hình thức kinh doanh có điều kiện được Nhà nước cấp phép. Trong trường hợp này, công ty chỉ có chức năng chuyển phát nhanh về hàng hóa thì việc nhận tiền thay khách hàng có ủy thác của người bán hàng bị vô hiệu. Nếu họ làm mất tiền, giao dịch đó không được pháp luật bảo vệ.

Để bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền, Luật sư Trương Quốc Hòe tư vấn: “Nếu khách hàng may mắn sẽ nhận được hàng hóa. Nếu hàng hóa đã chuyển cho người khác và công ty nhận hộ tiền nhưng sử dụng vào mục đích khác thì khách hàng đó sẽ trở thành nạn nhân trong việc sử dụng dịch vụ của họ.

Để tránh rủi ro cho những dịch vụ mới đang chuẩn bị phát sinh, các công ty khác đang làm, trước hết khi sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, khách hàng phải xem công ty đó có chức năng chuyển tiền hay không. Vì nếu có chức năng đó, khi khách hàng sử dụng mới được pháp luật bảo vệ.

Thứ 2, đó phải là đơn vị mua bảo hiểm hàng hóa, trong trường hợp bị mất hàng, thất thoát hàng khách hàng mới được đảm bảo quyền lợi.

Thứ 3, công ty phải có nghĩa vụ bảo đảm bằng tài sản khi họ tham gia thực hiện dịch vụ của mình.

Gửi đơn ra tòa tuyên bố phá sản còn phải theo quy trình, phải được pháp luật công nhận thì tuyên bố phá sản mới hợp lệ. Trường hợp lãnh đạo công ty xin đi tù cũng không được pháp luật đồng ý nếu họ không có hành vi làm trái, không có hành vi chiếm đoạt”, Luật sư Hòe tư vấn.

Luật sư Trương Quốc Hòe khuyến cáo bên bán hàng lưu ý hợp đồng dịch vụ với bên chuyển phát nhanh cần rõ ràng các điều khoản để có cơ sở pháp lý ràng buộc giữa các bên. Trong đó, yêu cầu công ty chuyển phát nhanh thanh toán lại số tiền thu hộ là việc rất quan trọng. Các hợp đồng bằng văn bản hoặc thư điện tử, các giao dịch trên ứng dụng điện thoại cần được sao lưu để bảo đảm quyền lợi khi xảy ra khiếu nại, sự cố ngoài ý muốn.

Nguyễn Huệ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang