Dạy trẻ các kĩ năng xử lí tình huống

author 11:41 01/11/2014

(VietQ.vn) - Dạy trẻ học các kĩ năng xử lí tình huống sẽ giúp trẻ tự bảo vệ bản thân tốt hơn ngay cả khi không có bố mẹ bên cạnh.

Dạy trẻ xử lí tình huống khi bị lạc

Khi bố mẹ dạy cho trẻ ghi nhớ tên ông, bà, bố, mẹ, địa chỉ nhà, số điện thoại… những thông tin dạng này không giúp ích cho trẻ trong quá trình học tập hay vui chơi, vì chúng không hề liên quan đến bất kì hoạt động nào. Nhưng nếu trẻ bị lạc, thậm chí bị bắt cóc (ít xảy ra, chúng lại cực kì cần thiết để giúp trẻ tìm đường trở về nhà bằng cách cung cấp thông tin cho những người khác để họ giúp đỡ và báo tin về cho gia đình.

dạy trẻ lĩ năng xử lí tình huống

Hãy trang bị cho trẻ đầy đủ kĩ năng trong trường hợp bất trắc. Ảnh minh họa

Dặn trẻ nếu bị lạc khi đi cùng bố, mẹ, anh, chị…thì không được đi tiếp mà phải dừng lại để bố mẹ quay lại tìm. Bố mẹ có thể cân nhắc việc trang bị cho trẻ 1 chiếc điện thoại khi đi ra ngoài, hay một chiếc còi, khăn tay…để trẻ ra hiệu nếu chẳng may bị lạc trong đám đông.

Luôn để 1  mảnh giấy nhỏ có ghi tên trẻ, địa chỉ nhà, tên bố mẹ, số điện thoại liên lạc khi cần trong túi áo/quần/cặp sách trẻ, để khi trẻ bị lạc sẽ biết cách lấy ra và nhờ giúp đỡ, hoặc nếu trẻ sợ hãi không nhớ được, những người khác cũng sẽ dễ dàng tìm thấy và thông báo về cho gia đình. Luôn để nước, đồ ăn vặt trong cặp/túi trẻ để trẻ không bị đói khi đi lạc.

Dạy trẻ xử lí tình huống khi có người lạ đến nhà

Nguyên tắc đầu tiên đối với bố mẹ là không nên hoặc hạn chế một cách tối đa việc để trẻ ở nhà một mình, vì điều này có thể gây nguy hiểm với trẻ do trẻ chưa biết cách phản ứng với mọi tình huống, đặc biệt khi trẻ chỉ có một mình.

dạy trẻ lĩ năng xử lí tình huống

Dạy trẻ kĩ năng ứng biến khi khách lạ đến nhà. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cũng cần dạy trẻ cách đối phó với các tình huống này khi không có ai ở nhà. Ví như khi có người lạ đến, trẻ cần trả lời thật to, với mục đích để những gia đình xung quanh có thể nghe thấy, sau đó hỏi mục đích đến nhà của người lạ, đồng thời gọi nhanh gia đình hàng xóm để nhờ họ sang nói chuyện giúp, chắc chắn vị khách lạ sẽ không dám làm điều gì liều lĩnh.

Trong một trường hợp khác, hãy dặn trẻ khóa kín cổng/cửa và tuyệt đối không mở  nếu gặp khách lạ.

Dạy trẻ kĩ năng khi mất điện mà ở nhà một mình

Điện trong nhà đột nhiên tắt ngấm, bố mẹ nên dặn bé không được tự tiện kiểm tra bằng cách chạm tay vào nguồn điện, công tắc hay phích điện vì rất dễ bị giật. Hãy  dặn bé gọi cho bố mẹ, còn không hãy chạy sang nhà hàng xóm để gọi nhờ.

dạy trẻ lĩ năng xử lí tình huống

Hãy đảm bảo con bạn vẫn có thể xoay sở tốt khi ở nhà một mình. Ảnh minh họa

Để đề phòng tình huống này, phụ huynh nên để sẵn đèn pin hoặc đèn sạc điện sẵn ở một nơi quy định trong nhà để trẻ dễ dàng tìm thấy khi xảy ra cúp điện. Trong trường hợp không còn cách nào khác, trẻ hãy bình tĩnh ra chỗ nào có ánh trăng chiếu vào (như cạnh cửa sổ, trước hiên nhà), hoặc sang nhà hàng xóm ngồi chờ đến khi bố mẹ về.

Dạy trẻ kĩ năng trong các trường hợp khẩn cấp

dạy trẻ lĩ năng xử lí tình huống

Hãy dạy trẻ cách xử lí những tình huống khác nhau. Ảnh minh họa

Giúp trẻ ghi nhớ các số điện thoại người thân, số điện thoại cấp cứu để gọi khi cần, cách cung cấp thông tin qua điện thoại, và giữ liên lạc cho đến khi có người đến

Dạy trẻ cách nhận diện đường về nhà thông qua việc nhận biết và ghi nhớ những sự vật trên đường đi

Với trẻ từ 9 tuổi trở lên, bố mẹ nên dạy trẻ học bơi để đề phòng trường hợp không mong muốn, nhưng cần dặn trẻ tuyệt đối không lại gần các khu vực ao, hồ khi không có sự giám sát của người lớn, không nhảy xuống nước nếu thấy có người bị đuối nước mà cần nhanh chóng đi gọi người ở gần đó đến cứu

Dạy trẻ cách phòng tránh các thiết bị có nguy cơ gây điện giật và cách xử lí khi gặp trường hợp điện giật, như chạy nhanh gọi người đến cấp cứu và đứng cách xa nguồn gây điện

Dạy trẻ cách tự sơ cứu khi bị ngã chảy máu, luôn trang bị các dụng cụ  cần thiết cho việc sơ cứu vết thương trên người trẻ

Trên đây là một số phương pháp dạy trẻ học các kĩ năng xử lí tình huống, giúp bé tự bảo vệ bản thân ngay cả khi không có bố mẹ bên cạnh. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bố mẹ cách trang bị các kĩ năng cần thiết cho trẻ và hạn chế tối đa các vấn đề không mong muốn trong cuộc sống hàng ngày.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang