Khởi nghiệp… chui

author 15:05 17/06/2016

(VietQ.vn) - Giữa một công ty bề thế như VNG, trong một căn phòng bí mật, một nhóm các kỹ sư đang "khởi nghiệp chui, ròng rã cả 6 tháng trời".

Một số thành viên team IoT (từ trái qua): NamPV2, TamVH, LyVV, ThinhNQ2, HoaiHD, TrungBQ và ThanhCNN Khởi sự… trong một căn phòng bí mật.

Chỉ đến khi túng quá, phải xin chi viện từ "trung ương", thì sự việc mới "vỡ lỡ". Chuyện thoạt nghe thật khó tin, nhưng là một sự thật thú vị về nhóm Internet of Thing (IoT) của VNG.

Gần đây, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh đã chính thức công nhận nhóm khởi nghiệp IoT, có chính sách và rót vốn cho dự án khởi nghiệp này.

ThanhCNN, trưởng nhóm IoT cho biết: “Có một căn phòng bí mật nằm sau phòng họp lầu 3 của tòa nhà Flemington (quận 11, TPHCM). Đây là căn phòng duy nhất không sử dụng thẻ từ mà được gắn một bộ mã khóa bằng số Chỉ những ai biết được mã số này mới mở được cửa”

Ban đầu, nhóm khởi nghiệp IoT chỉ có 3 thành viên: LongDH, ThanhCNN và HoaNH.

Theo lời của ThanhCNN, ý tưởng khởi nghiệp IoT được “nhen nhóm từ tình yêu, đam mê và sự nhạy bén cũng như nhìn ra cơ hội của sản phẩm này trong tương lai của anh LongDH”.

Sau đó, LongDH truyền cảm hứng cho 2 thành viên còn lại.

Cả nhóm bắt tay vào nghiên cứu thiết bị phần cứng có tên là CMS router vì đây là thiết bị cần phải có đầu tiên khi muốn thực hiện giải pháp “kết nối với tất cả các thiết bị thông minh trong gia đình với internet”.

“Nhưng việc hình thành và duy trì nhóm IoT khá khó khăn vì mỗi thành viên, tuy tâm huyết với dự án, nhưng phải có trách nhiệm với công việc được giao hiện tại. Đấy là còn chưa kể phải tìm nguồn vốn tối thiểu để thực hiện dự án. Cho nên nhóm phải xoay sở hết năng lực và thời gian cũng như những gì cho phép để tạo ra vốn”, ThanhCNN nói.

Vậy nguồn vốn được lấy từ đâu? Theo theo lời ThanhCNN kể, để có vốn khởi nghiệp cho dự án, chủ yếu là nguồn tiền để mua thiết bị phần cứng.

LongDH, người được mệnh danh là "cố vấn trưởng", đã quyết định chi 1 tỷ đồng từ nguồn vốn của mảng game trước, sau đó “hậu tấu” với lãnh đạo công ty.

Đây là quyết định được cho là liều lĩnh nhưng theo lời của LongDH, "mọi thứ đều có hóa đơn rõ ràng nên không sợ mang tiếng".

Theo tìm hiểu riêng của chúng tôi, đầu năm tài chính này, VNG cấp cho mỗi mảng “một cục tiền” để làm việc, cuối năm sẽ quyết toán theo kết quả công việc.

Điều đáng nói là dù là dân kỹ thuật nhưng cả nhóm ai nấy chỉ giỏi về phần mềm (software). Cho nên, bấy giờ bắt tay vào khởi nghiệp về phần cứng (hardware) thành ra cả nhóm phải đi học lại từ đầu.

“May mà hồi đại học ở Bách khoa Sài Gòn có học về mạch điện tử nên không quá cực nhưng cũng ngốn nhiều thời gian của anh em trong nhóm”, ThanhCCN kể.

Từ 3 thành viên ban đầu, thấy công việc diễn tiến tốt đẹp, LongDH rủ thêm 9 thành viên: khác gồm HoaiHD, ThinhNQ2, QuangHM, LyVV, NamPV2, TamVH, TrungBQ, AnhNH2 và SonLH5.

Nhóm đông người hơn nhưng vì cùng cam kết giữ bí mật cho đến phút chót nên dự án trên vẫn không ai hay biết, cho đến khi…

“Theo thông lệ, cứ vào đầu năm, mỗi lĩnh vực sẽ có đề xuất về những việc làm trong năm cũng như yêu cầu về tài chính. Thấy dự án về IoT đã ổn, cũng như cần công khai để có nguồn tiền chính thức hoạt động nên anh LongDH quyết định… làm giấy khai sinh cho đứa con đã âm thầm sống trong bóng đêm suốt nửa năm qua”, ThanhCNN kể.

Xây dựng nền tảng

Dù trải nhiều cay đắng với phần cứng nhưng quan điểm của nhóm khởi nghiệp IoT nói chung, của LongDH nói riêng, “không phải sản xuất CMS router để bán, mà là tạo ra nền tảng để mọi thiết bị chạy được trên đó.

"Đây là hướng đi kiểu như ZingMe cũng của VNG trước đây vì có tạo ra hướng mở mới có thể bán đại trà được”, ThanhCNN cho biết.

Nói là không bán nhưng nơi nào cần, nhóm IoT vẫn sản xuất với giá là 4,5 triệu đồng/ máy. Đến nay, nhóm IoT đã bán trên 40 “con” CMS router.

Theo lời ThanhCNN, hiện nay so với các công ty trong nước đang có cùng mối quan tâm về IoT thì VNG có lợi thế lớn, đó là “nghiên cứu gần như hoàn chỉnh công nghệ nền tảng và giải pháp toàn diện, từ phần cứng, phần mềm và trình điều khiển (firmware).

Khách hàng có thể mua từng module hoặc mua trọn gói giải pháp gồm: giải pháp kết nối, thiết bị kết nối, thiết bị trung tâm, công nghệ nền, phần mềm điều khiển, giải pháp về thanh toán…

Bước đầu đã có hai doanh nghiệp quan tâm tới giải pháp của nhóm IoT. Đó là CMC và Điện Quang. CMC sẽ nghiên cứu nền tảng để có những giải pháp chạy trên nền tảng này.

Điện Quang sẽ cùng với nhóm IoT gắn những module cho những sản phẩm mới trong một dự án ngôi nhà thông minh của nhà sản xuất bóng đèn có thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay.

VNG không có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ phần cứng nên khi nhóm IoT khởi sự… phần cứng phải đối mặt với không ít khó khăn mà một trong số đó chính là không có đối tác.

ThanhCNN kể rằng khi nhóm liên hệ với các đối tác phần cứng, thì phải giới thiệu trước, rồi mời đến công ty để trình bày về các dự án, định hướng của VNG trong tương lai "để đối tác nghe thủng câu chuyện". Sau đó là chuyện đi mua hàng cũng lắm nhiêu khê.

"Anh em chỉ làm nghiên cứu chứ có biết chuyện mua bán ra sao. Phải học những điều vụn vặt, chợ búa. Đó là những tháng ngày mệt mỏi”, ThanhCNN kể.

Học riết rồi cũng quen bài. Bây giờ cả nhóm biết tìm đối tác, biết mua hàng và cả… tiếp thị nữa. Nhưng bài học lớn nhất của nhóm IoT là được nói về… IoT, từ công nghệ đến sản phẩm, giải pháp công nghệ, mức độ mở rộng, giao tiếp của nền tảng với hàng chục, hàng trăm thiết bị…

“Bây giờ cả nhóm đang sướng với sản phẩm phần cứng và nền tảng ban đầu. Sau này, khi nền tảng ổn định, có nhiều đối tác khai thác, niềm vui đó sẽ được nhân lên nhiều lắm. Đó là giá trị hạnh phúc lớn nhất của anh em nhóm IoT hiện nay”, ThanhCNN tâm sự.

Trọng Hiền

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang