Lợi ích từ hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam

author 10:05 18/07/2020

(VietQ.vn) - Việt Nam cần thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) thông qua các hoạt động thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, thu hút đầu tư từ nước ngoài. Bên cạnh đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để vừa quản lý tốt, vừa khuyến khích hoạt động này.

Hiện nay, việc các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ giúp cho các doanh nghiệp tái cấu trúc nguồn lực của mình; đồng thời cũng là giải pháp đầu tư hiệu quả khi có thể tiếp cận thị trường một cách tối ưu nhất. Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ vọng sự phục hồi của M&A lạc quan hơn vào năm 2021 chứ chưa phải là 6 tháng cuối năm nay.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Đặng Xuân Minh, Viện Nghiên cứu Đầu tư và Mua bán sáp nhập doanh nghiệp (CMAC) cho biết, thực tế 6 tháng đầu năm 2020, các giao dịch M&A cũng suy giảm do dịch bệnh Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài hạn chế trong việc tiếp xúc, thẩm định, đàm phán… Bản thân các nhà đầu tư nước ngoài có những khó khăn nhất định, hoặc thay đổi chiến lược. Vì vậy, thị trường chưa chứng kiến hiện tượng “doanh nghiệp Việt lao đao dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm với giá rẻ”. Tất nhiên, về mặt dài hạn, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm và tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Những thương vụ trong đó nhà đầu tư nước ngoài là bên mua vẫn tiếp tục xuất hiện, dù không nhiều như giai đoạn trước.

 
Một số thương vụ đáng chú ý như: Nhà đầu tư Thái Lan mua lại Công ty Bao bì Biên hòa, Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát và Công ty cổ phần Kim loại màu và nhựa Đồng Việt (Dovina) hay như năm 2019 KEB Hana trở thành cổ đông lớn sở hữu 15% của BIDV, VietinBank bán 50% cổ phần tại công ty cho thuê tài chính…
 

Ông Minh cho hay, thị trường cũng đang hy vọng các giao dịch M&A trong thời gian tới sẽ nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên, ông không nhất trí hoàn toàn với ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Việt quá ngưỡng chịu đựng khó khăn và phải bán. Bởi lẽ các doanh nghiệp có phương án khác nhau để đối mặt và vượt qua những khó khăn trong khủng hoảng.

Có một số nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp nước ngoài không dễ thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam như: nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa nhưng tỷ lệ sở hữu của nhà nước vẫn giữ chi phối từ 51 – 95%. Vì vậy, các doanh nghiệp này không dễ để các nhà đầu tư tiếp cận vì phụ thuộc hoàn toàn vào các quyết định thoái vốn tiếp theo của cổ đông nhà nước.

Bên cạnh đó, số các công ty niêm yết có chất lượng tại Việt Nam không nhiều, nhiều doanh nghiệp tốt đã được các nhà đầu tư nắm giữ tỷ lệ sở hữu cổ phần chi phối rồi nên không dễ thâu tóm được trên sàn.

Và đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp muốn bán nhưng lại không được các nhà đầu tư quan tâm. Lý do bởi nhiều yếu tố hạn chế như: chất lượng doanh nghiệp thấp, báo cáo tài chính chưa minh bạch, quản trị công ty chưa đạt chuẩn.

Việt Nam cần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để vừa quản lý tốt, vừa khuyến khích hoạt động M&A. Ảnh minh họa.

Nhận định về ý kiến “các thương vụ M&A ngày càng gia tăng, đây sẽ là xu thế phát triển mới, chúng ta cần cởi mở để đón nhận”, ông Minh cho biết, việc góp vốn, mua cổ phần tại những doanh nghiệp là bình thường, nên để diễn ra tự nhiên theo quy luật thị trường. Các thương vụ M&A giúp cho các doanh nghiệp tái cấu trúc nguồn lực của mình; đồng thời cũng là giải pháp đầu tư hiệu quả khi có thể tiếp cận thị trường một cách tối ưu nhất.

Kinh nghiệm trên thế giới thì các giao dịch M&A vẫn được kiểm soát thông qua cơ chế báo cáo hoặc phê duyệt, đặc biệt với những giao dịch M&A lớn. Một số quốc gia yêu cầu doanh nghiệp báo cáo những thương vụ chuyển nhượng cổ phần cho phía nước ngoài, đặc biệt trong một số lĩnh vực được coi là nhạy cảm đối với quốc gia. 

Ở góc độ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhà nước có thể xem xét kỹ thời điểm tổ chức đấu giá hoặc chào bán, do các cuộc đấu giá thoái vốn nhà nước trong giai đoạn này có thể không đạt mục tiêu về giá, về đối tác chiến lược như kỳ vọng tái cấu trúc doanh nghiệp.

Do đó, Việt Nam cần thúc đẩy hoạt động M&A thông qua các hoạt động thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, thu hút đầu tư từ nước ngoài. Bên cạnh đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để vừa quản lý tốt, vừa khuyến khích hoạt động M&A.

Đồng thời, ông Minh nhấn mạnh, các hoạt động M&A nói chung thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, tạo kênh thu hút đầu tư, góp phần chuyển dịch dòng đầu tư đến các cơ hội tốt. Vì vậy cần có quan điểm và nhìn nhận tích cực về hoạt động này.

Vấn đề đáng quan tâm trước nay là sự minh bạch khi thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước có tiềm năng, có quỹ đất; cũng như quản lý việc cấp phép cho các dự án, tránh hiện tượng xin giấy phép để bán.

Nhà nước có thể nghiên cứu điểu chỉnh kế hoạch thoái vốn và cổ phần hóa trong giai đoạn 2020 - 2022, theo đó chưa thực hiện ngay việc đấu giá, thoái vốn trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, vẫn cần tiếp tục tiến hành xúc tiến các hoạt động thoái vốn, bởi lẽ quá trình tìm nhà đầu tư cho các doanh nghiệp cũng đòi hỏi thời gian.

Bên cạnh đó, tranh thủ giai đoạn này để cải tổ và nâng cao chất lượng hàng hóa của các doanh nghiệp mà nhà nước đang quản lý, theo hướng các doanh nghiệp này cần được công bố thông tin minh bạch, theo đúng quy đinh của thị trường; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đặc biệt là các nước có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến thị trường Việt nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore...

Sáp nhập doanh nghiệp: Hướng đi mới trong khủng hoảng(VietQ.vn) - Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hàng nghìn doanh nghiệp "điêu đứng" bên bờ phá sản... thì việc mua bán sáp nhập thương hiệu trở thành hướng đi mới của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là hậu sáp nhập, khi thương hiệu cũ có thể không còn và việc phát triển DN mới trong tương lai.

Thanh Tùng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang