Thổi giá trang sức rồi bán giá "bèo"

author 07:47 24/10/2013

Những chiếc nhẫn đẹp long lanh, trưng bầy với giá bán tới gần trăm triệu đồng nhưng bất ngờ bán với giá vài triệu đồng.

Mua ngọc trăm triệu, trả vài triệu

Ngày 30/3, chị Phạm Thanh H. (SN 1974, quận Đống Đa, Hà Nội tổ chức đi du lịch tại Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh. Trên đường về Hà Nội, đoàn dừng nghỉ chân tại trạm nghỉ Thành Tâm số 668 Mạo Khê (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) để mua đồ lưu niệm.

Tại đây, đoàn được nhân viên trạm nghỉ đón tiếp niềm nở và giới thiệu các sản phẩm đá quý, nhẫn, dây chuyền ngọc…Những sản phẩm này có xuất xứ nước ngoài (Myanmar, Hong Kong) và được niêm yết với giá 98.000.000 đồng/dây chuyên mặt ngọc; 62.000.000 đồng/nhẫn mặt ngọc…

Day chuyen ngoc

Dây chuyền ngọc có giá 98 triệu đồng được bán với giá 12 triệu đồng. Ảnh VTC

Một người phụ nữ có tên Trương Thái Lịch, được giới thiệu là con gái của giám đốc trạm nghỉ Thành Tâm từ Đài Loan sang ra tiếp khách hàng và ngỏ ý muốn bán một số sản phẩm với giá rẻ để giới thiệu sản phẩm của công ty. Người này tiếp thị, đây là ngọc quý được xuất xứ từ Myanmar được cấp giấy chứng nhận của Hàn Quốc.

Trước lời giới thiệu như "rót mật", chị H. cùng một số người trong đoàn đã quyết định mua một số dây chuyền mặt ngọc với giá 12.000.000 đồng/dây (giá niêm yết là 98.000.000 đồng/dây) và nhẫn mặt ngọc với giá 6.000.000 đồng/dây (giá niêm yết là 62.000.000 đồng/nhẫn)…

Chị H. cùng một người trong đoàn đã mua hàng với tổng giá trị là 40.000.000 đồng (giá niêm yết là 320.000.000 đồng/2 bộ sản phẩm).

Ngoài ra, trong đoàn nhiều người cũng mua các loại nhẫn và dây chuyền từ 500.000 đồng đến hàng chục triệu đồng. Đang hồ hởi với món hàng được mua với giá "hời", chị H. về nhà khoe với người thân thì nhận ngay được những nhận định là đã…bị lừa.

Mất ăn mất ngủ với ngọc quý, sáng hôm sau chị H. mang 2 sản phẩm đi kiểm định tại một số tiệm vàng có uy tín ở Hà Nội. Các chủ cửa hàng vàng bạc, đá quý lớn đều khẳng định đây là hàng giả, ngọc không có giá trị.

Hành động mờ ám…

Trước sự việc trên, ngày 31/3, chúng tôi đã trở lại địa chỉ trên để tìm hiểu sự việc. Vừa đến cửa hàng, nhân viên tại đây đã ngăn không cho khách vào với lý do chỉ tiếp khách du lịch khi có hướng dẫn viên. Sau lời giới thiệu đoàn từ Hà Nội về muốn mua ngọc với số lượng lớn, nhân viên ở đây mới đồng ý cử người ra đón tiếp và dẫn vào bên trong xem hàng.

Điều kỳ lạ, khi khách xem hàng các nhân viên ở đây tỏ vẻ thận trọng, dò xét kỹ càng. Giống như lời giới thiệu với chị H. chúng tôi cũng được nhân viên cho biết, ngọc có nguồn gốc Myanmar và được chứng nhận quốc tế ở Hàn Quốc.

Giay kiem dinh vang

Giấy chứng nhận in chữ Trung Quốc không có dấu kiểm định của cơ quan chức năng. Ảnh VTC

"Chúng tôi đã mang ngọc này về Việt Nam để chứng nhận nhưng ở đây chưa chứng nhận được", nhân viên bán hàng nói. Tuy nhiên, khi được hỏi công ty đã mang đi đâu ở Việt Nam để chứng nhận thì nhân viên này im lặng và lảng tránh đi nơi khác.

Có thể thấy rõ, cửa hàng trưng bày hàng loạt mặt hàng nhẫn, dây chuyền ngọc có giá từ vài triệu đến gần trăm triệu đồng. Sau những lời giới thiệu và "đại hạ giá" khủng khiếp, nhiều khách hàng đã không ngần ngại rút hầu bao mua cho mình nhiều dây chuyền và nhẫn.

Một lái xe du lịch đường dài cho biết, chỉ cần họ dẫn khách du lịch vào những điểm mua bán hàng ở đây sẽ được chiết khấu 15% tổng giá trị hóa đơn mua hàng của đoàn du khách đó. Còn người dân ở xung quanh cửa hàng này cho biết, nhiều lần định vào trong cửa hàng để xem bên trong bán gì thì đều bị nhân viên ngăn không cho vào vì không có hướng dẫn viên và không đi theo đoàn.

Trưởng Công an huyện Đông Triều cho biết, chưa nhận được phản ánh nào của du khách về trường hợp nêu trên. Đại diện lãnh đạo Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, họ chưa nắm được thông tin này.

Theo VTC

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang