Bác sĩ khuyến cáo không nên dùng xạ đen để giảm cân vì thiếu bằng chứng khoa học
Chuyên gia khuyến cáo khi sử dụng sữa bò cần lưu ý để tránh bị dị ứng, nhất là với trẻ nhỏ
Chuyên gia dinh dưỡng chỉ cách uống trà xanh mỗi ngày để hỗ trợ ngăn ngừa đột quỵ
Chuyên gia dinh dưỡng chỉ cách lựa chọn an toàn nhất giữa sữa thô và sữa tiệt trùng
BSCKII. Trần Ngọc Quế, Chủ tịch Hội Đông y Quảng Bình cho biết, xạ đen là loại cây phổ biến ở Việt Nam, chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe. Cây xạ đen thường mọc ở đồi, rừng nguyên sinh hoặc thứ sinh, ven đồi, đồng bằng, đất sét hoặc đất cát. Xạ đen có nhiều ở Quảng Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, vùng núi cao…
Tất cả các bộ phận của xạ đen từ lá tươi hoặc khô, rễ, cành, thân cây, vỏ, các loại cây ký sinh trên cây xạ đen đều có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Tùy theo mục đích chữa bệnh, thầy thuốc Đông y có thể bào chế theo cách riêng của mình như tẩm muối, tẩm dấm, ngâm, ủ.
Theo y học hiện đại, xạ đen cũng như nhiều loại cây khác thuộc họ Celastraceae rất giàu các hợp chất như glycoside tim, flavonoid, alkaloids, acid chlorogenic, acid caffeic, triterpenoid. Trong đó, glycoside tim là những glycoside steroid tác dụng làm chậm và điều hòa nhịp tim. Flavonoid là nhóm hợp chất tác dụng chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương của các gốc tự do, chống viêm loét, an thần, tăng tuần hoàn máu não.
Cây xạ đen rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng. Ảnh minh họa
Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều người nghĩ rằng dùng nước xạ đen có thể giúp giảm cân hiệu quả. Thực tế theo Bệnh viện Vinmec, hiện vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh cây xạ đen có thể làm giảm cân. Phần lớn công dụng này xuất phát từ những lời truyền miệng hay kinh nghiệm sử dụng. Một số khách hàng uống xạ đen để hỗ trợ điều trị các bệnh như ung thư, viêm gan nhận thấy cân nặng giảm sau một thời gian sử dụng.
Tác dụng này có thể là do xạ đen hỗ trợ tuần hoàn trong cơ thể lưu thông tốt hơn, từ đó giúp tăng cường hoạt động trao đổi chất và cải thiện hệ tiêu hóa. Xạ đen có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và giúp lợi tiểu nên giúp thanh lọc cơ thể và đào thải các độc tố tích tụ. Do đó nó có thể gián tiếp giúp điều chỉnh cân nặng hiệu quả đối với những người thừa cân, béo phì.
Nhìn chung, xạ đen không có tác động trực tiếp trong việc tiêu hao mỡ thừa hay ngăn ngừa hấp thụ chất béo như những loại dược liệu làm giảm cân khác theo y học cổ truyền (cây giảo cổ lam, cây chè vằng,...). Mặc dù không phải là loại thảo dược tác động trực tiếp vào mô mỡ nhưng sử dụng xạ đen đúng cách sẽ mang lại nhiều công dụng tốt cho cơ thể và có thể phần nào giúp giảm cân do các cơ chế nêu trên. Hơn nữa, xạ đen giảm cân chỉ hiệu quả đối với người thừa cân, những người gầy hay có thể trạng bình thường sẽ không nhận thấy công dụng này. Vì vậy không nên sử dụng xạ đen giảm cân một cách bừa bãi, nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Ngoài ra mặc dù xạ đen tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được. TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Y- Dược cổ truyền Việt Nam nêu, thông thường xạ đen dùng sẽ tương ứng từ 10 – 15g dược liệu khô, tối đa chỉ nên dùng xạ đen khoảng 70g/ngày. Không nên dùng xạ đen vượt quá liều lượng cho phép, vì quá liều có thể làm tụt huyết áp, hoa mắt, chóng mặt.
Thuốc hoặc trà từ xạ đen nên nấu hoặc hãm đúng liều lượng và dùng hết trong ngày, tránh để qua đêm, bởi khi sử dụng qua đêm có thể gây đầy bụng, đau bụng, thậm chí tiêu chảy. Không được tự ý tăng giảm liều lượng hoặc phối hợp xạ đen với các loại dược liệu khác, để tránh gây ra những tác dụng không mong muốn.
Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con cho bú không nên dùng xạ đen. Ngoài ra, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bệnh nhân suy gan, suy thận là những đối tượng không nên sử dụng. Trường hợp muốn dùng xạ đen để hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư cần hỏi ý kiến của bác sĩ.
Xạ đen có tác dụng an thần nên có thể gây buồn ngủ, ngủ gà cần lưu ý khi lái xe, vận hành máy móc và làm những công việc cần sự tỉnh táo. Khi uống xạ đen không nên sử dụng thức uống có cồn (rượu, bia), các loại thực phẩm như cà pháo, đậu xanh, măng chua, rau muống... vì có thể làm giảm tác dụng của xạ đen.
Đối với người đang dùng thuốc tây y để điều trị các bệnh khác, nên uống thuốc tây và các bài thuốc từ cây xạ đen cách nhau tối thiểu 30 phút, để đạt hiệu quả và tránh tương tác thuốc bất lợi.
Trước tình trạng nhiều người hay nhẫm lẫn cây xạ đen với các loài trong họ xạ, Bệnh viện Vinmec cho biết, do nằm trong họ xạ còn có cây xạ trắng, xạ vàng, xạ lai, vì vậy người ta thường dễ nhầm lẫn các cây thuộc họ xạ với nhau. Tuy nhiên, xạ vàng và xạ đen là hai loại phổ biến nhất được dùng để làm dược liệu do đó cần có cách phân biệt rõ ràng. Đối với cây xạ đen tươi có lá dày và màu tím xanh, thân cây đậm màu. Sau khi phơi khô, lá cây bị nát nhưng không giòn, có mùi thơm nhẹ, thân cây chuyển sang màu đen và có mùi thơm.
Cây xạ vàng cây tương có lá mỏng và màu xanh, mép lá không có răng cưa. Sau khi phơi khô, lá cây rất dễ bị nát và giòn, thân cây chuyển sang màu trắng và không có mùi thơm.
Ngoài các cây cùng họ, xạ đen cũng bị nhầm lẫn với cây chùm rụm, cây dót và cây xạ đen Hòa Bình. Tuy nhiên, về thành phần khi được nghiên cứu lại thấy rất khác nhau, đặc biệt là khả năng ức chế tế bào ung thư phổi và gan.
Vân Thảo (T/h)