Báo động về tình trạng bụi mịn ở mức cao có nguy cơ mắc bệnh phổi

(VietQ.vn) - Khi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị ở Việt Nam luôn trong tình trạng báo động về tình trạng bụi mịn, bác sĩ chia sẻ số người mắc bệnh liên quan hô hấp có gia tăng và chữa trị khó hơn.
Sự bùng nổ của các công nghệ mới làm gia tăng các hành vi lừa đảo
Hàng loạt máy hút bụi Deebot X2 bị chiếm quyền truy cập
Công nghệ cảnh báo sớm kim loại trong bụi mịn PM2.5
Những ngày vừa qua lại là thời điểm bụi mịn gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội người ta lo ngại khi cảnh báo bụi không khí luôn ở mức cao. Nhiều người than bị ho, bệnh hô hấp, ốm sốt... và cho rằng đây là "mùa".
Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 7h41 sáng 26/3/2025, Hà Nội đứng thứ 10 trong danh sách 126 thành phố ô nhiễm trên thế giới của IQAir. Cụ thể, với chỉ số AQI ở mức 159, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức màu đỏ "không lành mạnh." Chi tiết trạm đo ở quận Tây Hồ ghi nhận chỉ số AQI cao nhất, màu đỏ "không lành mạnh" ở mức 175.
Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong nhóm có chất lượng không khí ở mức màu cam "không tốt cho các nhóm nhạy cảm" với chỉ số AQI là 119, xếp thứ 18. Số liệu này sẽ thay đổi tùy theo thời điểm và múi giờ, khi các thành phố khác trên thế giới lần lượt bước vào giờ cao điểm, khi lượng xe cộ và các hoạt động sản xuất đạt mức cao nhất.
Cũng theo VN Air - Ứng dụng cung cấp thông tin chất lượng môi trường không khí trên smartphone do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng (nay là Bộ Nông nghiệp và Mooit trường), khu vực ô nhiễm nhất cả nước tính đến thời điểm 7h40 sáng 26/3 thuộc về thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) với chỉ số AQI ở mức 152 màu đỏ - " Xấu."

Ô nhiễm bụi khiến cho chất lượng không khí ngày càng nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Liên quan tới tác hại của ô nhiễm không khí, PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương nói, nguy cơ bệnh phổi, bệnh đường hô hấp khi bụi không khí ở mức cao. Ô nhiễm không khí có nhiều loại, có bụi vô cơ, bụi hữu cơ, trong đó bụi hữu cơ có thể có cả hóa chất, độc chất và nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý hô hấp bao gồm cả ung thư.
Để đánh giá xem số ca mắc bệnh lý hô hấp có gia tăng khi bụi tăng thì cần có khảo sát, nhưng cảm quan thì hằng ngày khi ta xem bàn ghế trong nhà cũng có một lớp bụi mỏng, đó là nhà còn đóng cửa, còn chúng ta ra ngoài hít thở thì cũng hít vào nhiều bụi.
Trong mũi có bộ phận gọi là "lông chuyển". Lớp lông chuyển này và chất nhầy trong mũi có xu hướng đẩy dần bụi ra ngoài. Tuy nhiên lâu dài thì vẫn có thể còn tồn tại một tỉ lệ bụi nhất định không được đẩy hết ra.
Về các bệnh lý hô hấp, trên cơ sở bệnh nhân tới khám hằng ngày, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 700-800 bệnh nhân tới khám, mùa hè có thể trên 1.200-1.300 ca. So với trước đây thì con số này là nhiều hơn và nếu bệnh nhân là trẻ em thì số các cháu bị dị ứng, viêm co thắt là nhiều nhất, nhiều cháu bị dai dẳng, khó điều trị. Rất là nên đeo khẩu trang khi ra đường, trong gia đình, công sở nếu có thiết bị lọc không khí thì cũng rất tốt. Nhưng quan trọng nữa là ý thức của mỗi gia đình trong vệ sinh nhà cửa, thu gom rác, phân loại rác...
Nếu mỗi gia đình cứ quét rác rồi hất bụi xuống đường chung thì bụi vẫn ở đấy và gia đình vẫn có nguy cơ hít phải. Rồi các xe vận chuyển đất đá chạy trên đường cũng cần che chắn kỹ. Bụi không phải là rơi ra đường rồi vô hại mà tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị ảnh hưởng khi hít thở, mà ai chẳng phải hít thở.
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với những người nhạy cảm, cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
An Dương (T/h)