Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội: Đề xuất tăng giờ làm thêm không quá 300 giờ mỗi năm

author 07:22 01/10/2021

(VietQ.vn) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đề xuất tăng giờ làm để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Về đề xuất tăng giờ làm vượt quy định trong tháng, Bộ LĐTB&XH đang tiến hành tổng hợp ý kiến của đối tượng tác động, nhất là các hiệp hội, doanh nghiệp để từ đó nghiên cứu, đề xuất theo hướng xem xét, xử lý cá biệt, chỉ nên áp dụng những lĩnh vực, ngành nghề, thực sự cần thiết trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, không áp dụng trên phạm vi tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do vậy cần phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng không vượt quá 300 giờ/năm.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết: “Trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, việc đề xuất tăng thời gian làm thêm là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hoạt động của doanh, giúp chuỗi cung ứng không bị đứt gãy”.

Dự thảo được xây dựng theo hướng bỏ giới hạn làm thêm tối đa 40 giờ mỗi tháng, áp dụng tổng số giờ làm thêm tối đa 200 - 300 giờ mỗi năm cho tất cả các ngành nghề thay vì một số ngành đặc thù.

 Đề xuất tăng giờ làm thêm cho người lao động. Ảnh minh hoạ

Hiện nay, trong Luật Lao động năm 2019 quy định giờ làm thêm được quy định khống chế ở mức 40 giờ mỗi tháng và không quá 200 giờ mỗi năm. Chủ sử dụng lao động khi tổ chức làm thêm giờ phải được người lao động đồng ý, đảm bảo số giờ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày.

Ngoài ra, Luật chỉ mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm cho một số ngành nghề, như sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước, diêm nghiệp, điện, điện tử.

Thời gian dự kiến điều chỉnh quy định về giờ làm thêm nêu trên được đề xuất có hiệu lực đến 31/12/2024 khi doanh nghiệp đã phục hồi và cũng không gây quá tải cho người lao động.

Theo Luật Lao động thì làm thêm giờ có 3 giới hạn: làm thêm giờ trong ngày, làm thêm trong tháng quy định không quá 40 giờ mỗi tháng; làm thêm giờ trong năm không quá 200 giờ mỗi năm. Với một số công việc nhất định như dệt may; da giày... làm không quá 300 giờ/năm. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn đơn hàng nên việc đề xuất tăng giờ làm thêm là cần thiết. Việc này thể hiện sự đồng hành chia sẻ khó khăn của Chính phủ với doanh nghiệp sản xuất nhằm duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhận định rằng việc mở rộng giới hạn giờ làm thêm trong tháng, trong năm là một giải pháp tạm thời, trong thời gian ngắn. Do đó, Công đoàn Việt Nam đề nghị chỉ nên quy định thời gian thực hiện trong 2 năm từ ngày 1-1-2022 đến hết ngày 31-12-2023.

Theo tính toán của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tổng số giờ làm thêm của người lao động mỗi tháng có thể lên tới 104 giờ, gấp 2,5 lần so với hiện hành nếu đề xuất "bỏ trần" 40 giờ làm thêm mỗi tháng được áp dụng.

Bên cạnh đó, việc tăng giờ làm thêm cần phải tính toán kỹ để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động. Bởi, trên thực tế một bộ phận người lao động đời sống khó khăn nên có thể làm thêm tối đa giờ được quy định (4 giờ mỗi ngày). Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và mất an toàn lao động.

Thuỳ Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang